BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu hồi “giấy đỏ” cấp trùng trên đất lâm nghiệp:

Khi người dân hiểu đúng giá trị của rừng 

Cập nhật ngày: 17/04/2017 - 07:55

BTNO - Thời gian qua, nhờ sự kiên trì, vận động tuyên truyền của cả hệ thống chính trị địa phương mà xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đã cơ bản thu hồi xong GCNQSDÐ được cấp trùng trên đất lâm nghiệp, và vận động người dân trồng lại rừng.

Khu nhà tái định cư của 4 hộ dân tự nguyện di dời nhà ở ra khỏi đất lâm nghiệp tại ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh.

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) cho người dân trên… đất lâm nghiệp, do vậy, cần phải thu hồi các “giấy đỏ” cấp trùng này.

Tuy nhiên, việc thu hồi GCNQSDÐ- nhằm đưa đất lâm nghiệp được sử dụng vào đúng mục đích phát triển rừng không phải là điều dễ dàng, bởi đất đai được cấp giấy đã gắn liền với lợi ích cuộc sống người dân bao năm qua. Ðể làm được điều này, trước tiên cần phải làm thế nào để người dân nhận thức đúng giá trị của rừng, chấp nhận phá bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp và tiến hành trồng lại rừng, đây là vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Thời gian qua, nhờ sự kiên trì, vận động tuyên truyền của cả hệ thống chính trị địa phương mà xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đã cơ bản thu hồi xong GCNQSDÐ được cấp trùng trên đất lâm nghiệp, và vận động người dân trồng lại rừng.

Ông Dương Minh Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây trên toàn xã có khoảng 22,5 ha diện tích đất lâm nghiệp bị dân bao chiếm, trong đó có hơn 50 trường hợp đã được cấp GCNQSDÐ. Khi Nhà nước có chủ trương thu hồi GCNQSDÐ cấp trùng trên đất lâm nghiệp, lãnh đạo xã đã trực tiếp đến gặp từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời tiến hành trồng lại cây rừng.  Dần dần người dân hiểu rõ tầm quan trọng của rừng và chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước, giao nộp GCNQSDÐ cấp trùng trên đất lâm nghiệp và bắt tay vào việc trồng lại cây rừng như tràm vàng, dầu...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc thu hồi rất “tế nhị” này, địa phương gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như việc người dân đã dùng GCNQSDÐ để thế chấp vào ngân hàng, vay vốn làm ăn và một số lý do khác. Ðược sự vận động, thuyết phục của chính quyền, đoàn thể, người dân đem nộp lại giấy GCNQSDÐ khi trả xong nợ ngân hàng.

Ðặc biệt, có 4 hộ dân trước đây đã sản xuất, cất nhà ở trên đất lâm nghiệp, nay tự nguyện di dời. Chính quyền xã cũng đã có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống sau khi cấp đất để người dân cất nhà ở khu tái định cư. Phần đất lâm nghiệp được cấp trùng trước đây đã được các hộ dân trên trồng lại các loại cây rừng.

Bà Võ Thị Hạnh, một trong 4 hộ dân di dời ra khỏi đất lâm nghiệp cho biết, cách đây khoảng 4 năm, sau khi nộp lại GCNQSDÐ cấp trùng, gia đình bà đã được cấp một phần đất có chiều ngang 10m, dài 40m ở khu tái định cư tại ấp Hiệp Phước để cất nhà. Riêng 1 ha đất lâm nghiệp mà gia đình đã nộp GCNQSDÐ, gia đình bà đang trồng cao su và tràm vì đây là rừng sản xuất. Hiện nay, cuộc sống gia đình bà Hạnh đã ổn định, thuận lợi hơn so với những ngày sống cặp bìa rừng trước đây, nhất là các điều kiện sinh hoạt đi lại, học hành của con cháu.

Theo UBND huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện có 367 hộ bao chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích 204,22 ha. Trong đó, tổng số hộ được cấp giấy chứng nhận QSDÐ là 331 hộ, 354 giấy chứng nhận QSDÐ đã được cấp với tổng diện tích 182,01 ha. Tính đến ngày 1.11.2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã thu hồi GCNQSDÐ và chỉnh lý hồ sơ địa chính của 231 hộ, 235 giấy chứng nhận QSDÐ với tổng diện tích 108,7 ha.

Ðối với 100 hộ với 119 GCNQSDÐ đã cấp có tổng diện tích 76,68 ha, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi, thông báo thu hồi. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh huyện Châu Thành làm thủ tục thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Tuy nhiên, đến nay, các hộ này vẫn chưa giao nộp GCNQSDÐ cấp trùng.

Theo ý kiến của một đội trưởng Ðội Bảo vệ rừng cấp xã ở huyện Châu Thành, công tác triển khai thu hồi GCNQSDÐ cấp trùng, cũng như vận động người dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp cần phải làm một cách kiên trì, có sức thuyết phục để người dân nhận thức đúng và chấp hành nghiêm. Bản thân ông trước đây khi làm công tác bảo vệ rừng đã gặp không ít khó khăn, nguy hiểm, một số đối tượng là dân địa phương thường vào rừng kiếm lâm sản đã ganh ghét ông.

Nhiều đối tượng còn manh động phá rẫy của gia đình ông, đốt ruộng lúa khi ông chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng, sau một thời gian dài gặp gỡ, vận động, những người trên đã nhận thức được giá trị của rừng, không còn có những hành vi tác động đến diện tích rừng đang được khoanh nuôi bảo vệ tại địa phương.

THIÊN TÂM