Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó khăn cho trường sư phạm 

Cập nhật ngày: 16/04/2018 - 05:32

BTN - Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp như quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, giảm và kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và gần đây là đặt ra ngưỡng tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên từ năm 2018, ban hành dự thảo chuẩn nghề nghiệp của giảng viên sư phạm với 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí để các cơ sở góp ý nhằm nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên..

giaoduc.jpg

Chỉ hơn một tháng, ngành Giáo dục liên tiếp xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng, đến mức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường đối thoại, lập đường dây nóng.

Chuyện nào cũng đáng buồn, đáng lo, nhưng lo nhất là những chuyện bắt nguồn từ chính bản thân người thầy. Đó là chuyện cô giáo phạt học sinh quỳ, cô giáo không giảng bài suốt mấy tháng trời, cô giáo bắt học sinh uống nước lau bảng và cả chuyện giáo viên chủ nhiệm bị học sinh cầm dao đâm...

Nhiều người cho rằng, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, đã đến lúc “phát lộ” những hạn chế, yếu kém của ngành Sư phạm, ngành được xem là “máy cái, là nơi quyết định chất lượng giáo dục phổ thông”.

Có giai đoạn, các trường đại học, cao đẳng được phát triển rầm rộ, trong đó có các trường sư phạm. Trường trung cấp nâng lên thành cao đẳng, các trường cao đẳng nâng thành đại học.

Hiện nay, trên cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành và một số cơ sở đào tạo khác.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GD&ĐT: “Chất lượng đội ngũ giảng viên các trường vẫn là dấu hỏi lớn...”. Do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, một bộ phận giảng viên vẫn “chung thuỷ” với phương pháp truyền thống bảng đen phấn trắng.

Không thể không nhắc đến ảnh hưởng của cơ chế thị trường khiến một số cán bộ, giảng viên không giữ được phẩm chất, đạo đức mẫu mực cần có của người thầy trường sư phạm, không thật sự là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo.

Mặt khác, kinh phí hoạt động được cấp theo chỉ tiêu tuyển sinh nên các cơ sở hạ chuẩn đầu vào để mở rộng quy mô đào tạo. Trong quá trình đào tạo, sinh viên không được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp để đối mặt với thực tế sư phạm ở trường phổ thông.

Hệ luỵ là sinh viên ra trường thất nghiệp, điểm chuẩn vào sư phạm năm 2017 đã xuống đến mức thấp nhất.

Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp như quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, giảm và kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và gần đây là đặt ra ngưỡng tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên từ năm 2018, ban hành dự thảo chuẩn nghề nghiệp của giảng viên sư phạm với 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí để các cơ sở góp ý nhằm nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên...

Các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, như thế, con đường phía trước của ngành Sư phạm sẽ gập ghềnh, khó khăn hơn. Việc quy hoạch đến nay vẫn chưa có đề án, giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm (và sẽ ảnh hưởng đến thu nhập) của cán bộ, giảng viên.

Đặt ra ngưỡng tuyển sinh cho sư phạm là cần thiết để bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực, trình độ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0 nhưng sẽ rất nan giải vì sức hút của sư phạm gần đây giảm...

Do vậy, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo giáo viên sắp tới vẫn rất nặng nề. Đó là bồi dưỡng giáo viên, giúp họ nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đủ bản lĩnh giải quyết những vấn đề thực tế của giáo dục phổ thông (để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như thời gian vừa qua); bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa; tuyển được sinh viên theo quy định mới, đào tạo sinh viên có khả năng dạy học liên môn, tích hợp của chương trình, sách giáo khoa mới...

Lường được những khó khăn, nhiều trường đã có kế hoạch, chủ động giúp giảng viên nâng cao năng lực thông qua thực tế dạy học ở phổ thông. Một số trường đã có kế hoạch tuyển sinh như: mở các lớp sư phạm chất lượng cao, chọn những học sinh xuất sắc, miễn giảm học phí, cam kết ra trường có việc làm; kết hợp với các tỉnh mở các môn, ngành đào tạo từ 15 - 20 sinh viên, ra trường tỉnh bố trí việc làm...

Nhiều trường cũng đã thành lập các Ban liên môn như Vật lý - Hoá học - Sinh học, Lịch sử - Địa lý... thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới, tăng cường thời gian thực hành, thực tập của sinh viên...

Khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi trường phải cố gắng, vượt lên chính mình để phát triển và tạo thương hiệu. Hy vọng sẽ có bước đột phá trong việc đào tạo, bồi dưỡng từng bước giải quyết những vấn đề nóng của ngành.

Trường CĐSP Tây Ninh là một trong số 35 trường cao đẳng sư phạm địa phương chưa nâng cấp, sáp nhập.

Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018 và phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Trường CĐSP Tây Ninh đã xác định tầm nhìn: “Từ nay đến năm 2020, Trường CĐSP Tây Ninh lấy việc đào tạo ngành sư phạm, bồi dưỡng giáo viên làm nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng trường thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên THCS, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non có chất lượng cao của tỉnh...”. Định hướng như thế là đúng, cần thiết nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng.

Ở thời điểm “thịnh vượng” nhất, trường có gần 150 cán bộ, giảng viên với cơ cấu hợp lý, trình độ đáp ứng yêu cầu, ý thức trách nhiệm cao và có kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng các loại hình giáo viên.

Theo năm tháng, một số nghỉ hưu, một số chuyển công tác, tính đến tháng 3.2018, tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường chỉ còn 106 người, trong đó có 3 tiến sĩ, 52 thạc sĩ, 38 cử nhân, 13 trình độ khác nhưng cơ cấu không cân đối, một số môn/ngành chỉ còn 1,2 giảng viên (Vật lý: 2, Hoá học: 1, Sinh học: 1, Lịch sử: 1, Địa lý: 2..); nhưng có môn/ngành lại khá đông (Tiếng Anh: 15, Tâm lý - Giáo dục học: 10)... Với cơ cấu này, việc thực hiện nhiệm vụ đề ra sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm của trường - là 150 (75 mầm non, 75 tiểu học) có tuyển đủ hay không chưa thể biết trước, bởi rất nhiều sinh viên của các ngành Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Tiểu học, Mầm non thuộc các khoá 37, 38, 39 vẫn chưa được tuyển dụng.

Ngưỡng của Bộ GD&ĐT đặt ra là đăng ký vào cao đẳng phải có học lực lớp 12 từ khá trở lên sẽ là một trở ngại, bởi từ năm 2017 trở về trước, học sinh chọn vào ngành tiểu học, mầm non tại Trường CĐSP tỉnh đa số có học lực trung bình.

Việc tham gia bồi dưỡng theo chuyên đề cho giáo viên phổ thông chưa làm được nhiều. Còn việc chuẩn bị bồi dưỡng giáo viên dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới sẽ lúng túng bởi nhiều giảng viên còn thiếu kinh nghiệm...

Có thể nói rằng, chặng đường phía trước của trường biết bao gập ghềnh. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo, giảng viên, cán bộ nhân viên, nhà trường cần có sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều của chính quyền, ngành Giáo dục và các cơ quan, ban, ngành khác mới có điều kiện duy trì và phát triển.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, cái gốc, cái chắc chắn, bền vững nhất, trước hết cần đầu tư cho ngành sư phạm bởi có thầy tốt, thầy giỏi, thầy mẫu mực... mới tạo ra được những sản phẩm tương ứng. Cần nhanh chóng chỉnh sửa một số quy định về nhà giáo bao gồm xác định vai trò, vị thế của nhà giáo, định danh nghề giáo là nghề đặc thù để đảm nhận trọng trách lớn trong sự nghiệp trồng người.

DIỆU MAI