BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế:

Khó mấy cũng phải làm 

Cập nhật ngày: 17/11/2017 - 06:30

BTN - Sắp xếp lại bộ máy không chỉ là việc sáp nhập các cơ quan, tổ chức một cách cơ học, mà thực chất của vấn đề ở đây còn là tinh giản biên chế - một vấn đề đã được đề cập, triển khai từ hàng chục năm nay nhưng kết quả thu được gần như không đáng kể, thậm chí càng tinh giản, số người hưởng lương từ ngân sách càng tăng.

Sắp xếp lại bộ máy hành chính để phục vụ người dân tốt hơn. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện. Ảnh: Công Điều

Tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính đang là một trong những vấn đề có tính thời sự. Ngày 25.10 vừa qua, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sắp xếp lại bộ máy không chỉ là việc sáp nhập các cơ quan, tổ chức một cách cơ học, mà thực chất của vấn đề ở đây còn là tinh giản biên chế - một vấn đề đã được đề cập, triển khai từ hàng chục năm nay nhưng kết quả thu được gần như không đáng kể, thậm chí càng tinh giản, số người hưởng lương từ ngân sách càng tăng.

CHỈ CÒN 4 NĂM ĐỂ GIẢM 10% BIÊN CHẾ

Nghị quyết số 18 nêu mục tiêu tổng quát: tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Nghị quyết 18 yêu cầu việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Về mục tiêu cụ thể, theo Nghị quyết 18, đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

Đến năm 2021, thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn. Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn (ấp), tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Từ năm 2021 đến năm 2030, hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, từ nay đến năm 2030 thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Với những mục tiêu cụ thể như vừa trình bày, bài toán đặt ra là, làm gì và làm như thế nào để tinh giản được 10% biên chế từ nay đến năm 2021, đồng thời cải thiện chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức bộ máy Nhà nước?

LẠI PHẢI SỬA LUẬT

Nhiều thập niên qua và cho đến hôm nay, chủ trương tinh giản biên chế mặc dù rất đúng đắn nhưng không những không đạt mục tiêu, ngược lại bộ máy còn ngày càng phình ra là có nhiều nguyên nhân. Một điều không ngờ là, chính sách tinh giản biên chế lại bị “cản trở” bởi chính các bộ luật cũng như văn bản dưới luật do Nhà nước ban hành.

Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và đến ngày 1.1.2018 sắp tới sẽ chính thức có hiệu lực. Trước tiên cần nói, hiếm có văn bản luật nào được Quốc hội thông qua lại gây nhiều ý kiến trái chiều như Luật BHXH.

Ngoài Điều 60 liên quan đến chuyện lĩnh BHXH một lần từng gây tranh cãi khiến phải tạm dừng áp dụng, Luật BHXH còn một số điều khoản khác gây thiệt thòi cho người lao động. Trong đó, Điều 56 và Điều 74 liên quan đến cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu.

Theo tinh thần này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%, trong khi trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%. Điều này có nghĩa, sau ngày 1.1.2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH, tức mất 10% lương hưu so với những người nghỉ hưu năm 2017.

Thực ra, chuyện thay đổi cách tính lương hưu không chỉ liên quan đến lao động nữ mà cả lao động nam, không chỉ liên quan đến mức thu nhập sau khi về hưu mà còn liên quan đến chuyện tinh giản biên chế.

Trước đây, khi chưa có Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, lao động nam chỉ cần đóng 30 năm BHXH là khi về hưu được hưởng 75% lương so với thời điểm đang làm việc, còn nữ chỉ đóng 25 năm. Nghĩa là, Luật BHXH 2014 đã kéo dài thời gian đóng BHXH của người lao động thêm 5 năm, nếu người nào về hưu trước thì bị thiệt.

Chính điều này đã khiến cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn nghỉ hưu trước tuổi nhưng lại chần chừ, vì sợ thiệt thòi. Trao đổi với người viết, nhiều người đang làm trong các cơ quan, đơn vị công lập cho biết, họ sẵn sàng về hưu ở tuổi 53 (đối với nữ) và 57 - 58 (đối với nam) với điều kiện vẫn hưởng tỷ lệ 75% lương.

Một vị trưởng phòng cho biết, bản thân ông có nguyện vọng nghỉ hưu, nhường cái ghế đang ngồi cho lớp trẻ, nhưng thời gian đóng BHXH của ông lại chưa đủ 35 năm. Vì vậy, “nếu về hưu bây giờ, lương hưu của tôi thấp, còn muốn hưởng tỷ lệ 75% lương, bản thân tôi phải bỏ tiền túi ra tiếp tục đóng bảo hiểm” - người này phân tích.

Tương tự, giám đốc một trung tâm thuộc khối sự nghiệp cho biết, ông cũng có nguyện vọng nghỉ trước tuổi, nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 35 năm như Luật BHXH năm 2014 quy định, nên ông chưa thể về.

Theo phân tích của nhiều người, quy định thời gian đóng BHXH và tỷ lệ lương hưu là một trong những “chướng ngại vật” trong việc tinh giản biên chế, cải thiện hiệu suất làm việc. Bởi vì, ngoài vấn đề tài chính, quyền lợi, phần lớn những người làm công ăn lương đều muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 52-53 (đối với nữ) và 57-58 (đối với nam).

Theo một vị lãnh đạo ngành Giáo dục, những giáo viên mầm non 52-55 tuổi dù có kinh nghiệm, nhưng chất lượng nuôi dạy trẻ không cao vì sức khoẻ giảm, ngọn lửa yêu nghề cũng không còn. “Tôi đến trường mầm non, nhiều cháu học sinh gọi cô giáo là bà ngoại, bà nội khiến nhiều cô giáo… tủi thân”- vị này thông tin. Với giáo viên phổ thông, độ tuổi 55 trở lên hầu như không còn đủ sức khoẻ để dạy 5 tiết liên tục.

Tại bộ phận giải quyết thủ tục hành chính một cửa.

VÀ KHÓ VÌ… AI CŨNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Ngoài Luật BHXH, một văn bản dưới luật khác liên quan trực tiếp đến tinh giản biên chế từ cấp trung ương đến cấp xã, đó là Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20.11.2014. Điều 6 của Nghị định 108 quy định 6 nhóm thuộc diện tinh giản biên chế, trong đó ở nhóm thứ nhất (điểm đ, điểm e và điểm g) ghi rõ những trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.

Cụ thể, có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật BHXH, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý trong các đơn vị sự nghiệp và cơ quan hành chính, đối chiếu với quy định như trên, muốn tinh giản biên chế cũng không đơn giản. Trước hết, những người muốn được về hưu trước tuổi hoặc nghỉ việc vì một lý do nào đó, tự thân họ không muốn mang tiếng là làm không được việc, năng lực hạn chế nên mới nghỉ.

Họ- những người muốn nghỉ việc, về hưu sớm lại càng không chấp nhận trong hồ sơ là “không hoàn thành nhiệm vụ”. Với bản năng “tự vệ”, không mấy ai tự nhận khuyết điểm của mình, nhất là khi chuyện “năng lực hạn chế hoặc không hoàn thành nhiệm vụ” là không có thật mà chỉ vì muốn nghỉ hưu nên phải ghi như thế! Mặt khác, trong trường hợp viên chức, nhân viên thật sự không đáp ứng được yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ, tạo gánh nặng về quỹ tiền lương, thủ trưởng cơ quan cũng “không nỡ” liệt cấp dưới của mình vào diện vừa nêu.

Lý do, điều này liên quan đến chuyện thi đua khen thưởng. Nếu một người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật (cho dù chưa đến mức buộc thôi việc) thì không chỉ bản thân người đó mà cả cơ quan cũng bị “vạ lây”: mất hết danh hiệu thi đua đã đăng ký, thậm chí lãnh đạo cơ quan còn bị kiểm điểm. Đó còn chưa kể, chính thủ trưởng cơ quan cũng e dè cấp dưới “phản công” khi bỏ phiếu bình bầu danh hiệu này kia. Điều này giải thích vì sao, trong hệ thống cơ quan hành chính, sự nghiệp, hầu như 100% cán bộ nhân viên đều hoàn thành, hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm.

Việc cải tổ bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, tinh giản biên chế, sa thải những người lười biếng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được đặt ra từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng việc triển khai thực hiện khó hơn rất nhiều so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, dù khó mấy cũng phải làm bằng được.

VIỆT ĐÔNG