BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó xử lý karaoke... di động 

Cập nhật ngày: 18/08/2017 - 05:10

BTN - Theo ông Nguyễn Thành Tiễn - Chủ tịch HĐND huyện Trảng Bàng, việc quản lý, xử lý loại hình dịch vụ karaoke di động tưởng đơn giản nhưng không hề dễ, vì chưa có văn bản pháp lý nào quy định. Tại thị trấn Trảng Bàng, lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý nhưng đại diện ngành Công an cho biết không thể dẹp hoặc tịch thu thiết bị được vì thiếu cơ sở pháp lý.

Bà Kim Thị Hạnh trao đổi với chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở Trảng Bàng.

Trong hai ngày 16 và 17.8, Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành đợt giám sát tại huyện Tân Biên và Trảng Bàng về kết quả thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thông tin truyền thông, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hoá giai đoạn 2011 - 2016. Dưới đây là một số thông tin ghi nhận từ đợt giám sát này.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Biên, trên địa bàn có 44 cơ sở kinh doanh karaoke, 6 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử. Hiện tại có 17 cơ sở kinh doanh karaoke và 6 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử đã ngưng hoạt động. Toàn huyện có 51 điểm truy nhập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động đều tuân thủ, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2011- 2016, ngành chức năng tiến hành kiểm tra và lập biên bản tạm giữ hơn 1.500 đĩa không dán tem nhãn tại các xã Trà Vong, Mỏ Công và Tân Lập; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8 đại lý internet với số tiền 19 triệu đồng; phạt một đoàn nghệ thuật chưa tuân thủ các quy định về biểu diễn 5 triệu đồng.

Căn cứ quy định của Luật Quảng cáo, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát phân loại biển quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn bao gồm biển hiệu thông thường, biển hiệu có nội dung quảng cáo; kích thước, nội dung, chữ viết biển quảng cáo, vị trí lắp đặt, số lượng biển hiệu của tổ chức, cá nhân… Những biển quảng cáo, biển hiệu không đúng quy định đã được xử lý nghiêm túc, triệt để.

Một trong những khó khăn hiện nay là quy định thủ tục về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Mặc dù quy định đã được ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.2.2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Một số dịch vụ, loại hình giải trí có dấu hiệu biến tướng nhưng chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể để quản lý như trò chơi điện tử, karaoke di động, trò chơi dân gian có thưởng…

Sau khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo, bà Kim Thị Hạnh- Phó ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát nêu thêm một số vấn đề xung quanh công tác quản lý Nhà nước đối với dịch vụ giải trí karaoke, các tụ điểm chơi trò chơi điện tử, quảng cáo trên địa bàn huyện Tân Biên.

Ông Lê Quang Tuấn- Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, thành viên đoàn khảo sát cho rằng, tình trạng sai phạm trong hoạt động quảng cáo, rao vặt diễn ra trong cả nước chứ không riêng gì một địa phương nào. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cũng nên xem lại các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực này có còn phù hợp hay không.

Giải trình một số nội dung, bà Nguyễn Thị Thanh- Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết, việc quản lý loại hình giải trí karaoke di động có một số khó khăn, thiếu căn cứ để xử phạt. Đối với dịch vụ kinh doanh internet, ở cấp huyện, việc kiểm tra còn một số khó khăn vì không được cấp kinh phí.

Ông Lê Thiện Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên nhìn nhận, việc quản lý nội dung trò chơi điện tử tại các điểm kinh doanh internet có những khó khăn nhất định. Về loại hình karaoke, theo ông Lê Thiện Hồ toàn huyện có 21 hộ kinh doanh karaoke di động, ưu điểm của phương thức giải trí này là “bình dân”, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Vấn đề đặt ra là chưa có quy định cụ thể để quản lý những dàn âm thanh di động này, do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, thông tin chỉ nhắc nhở, góp ý.

Kết luận buổi làm việc, trưởng đoàn khảo sát Kim Thị Hạnh cho rằng, đối chiếu với những quy định hiện hành, các loại hình hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hoá, quảng cáo vẫn còn nhiều sai sót cần chấn chỉnh.

Đối với vấn đề thu thuế, bà Hạnh lưu ý lãnh đạo huyện thực hiện đúng chính sách pháp luật nhưng không nên quá cứng nhắc, cần tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, phát triển kinh tế.

Một cơ sở kinh doanh internet ở thị trấn Tân Biên.

Ngày 17.8, đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Trảng Bàng.

Theo báo cáo của UBND huyện, ngày 3.12.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2827/QĐ-UBND về việc công bố, công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Thông tin và Truyền thông.

Quyết định 2827 quy định việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy và  thay đổi thông tin khai báo hoạt động của cơ sở dịch vụ này.

Tuy nhiên, huyện chỉ mới tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tạm thời. Đến nay, huyện đã cấp 27 giấy chứng nhận tạm thời điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho 27 cơ sở.

Thời gian qua, có 7 cơ sở đến nộp tờ khai thông báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy. Hình thức quảng cáo trên địa bàn chủ yếu tập trung vào bảng, biển, hộp đèn có diện tích dưới 10m2 đặt tại các cửa hàng, đại lý của sản phẩm.

Các bảng hiệu có diện tích 40m2 trở lên không nhiều (7 bảng) được đặt tại các tuyến đường quốc lộ. Toàn huyện có 43 điểm kinh doanh dịch vụ karaoke (quy hoạch là 73 điểm), 1 beerclub và 50 điểm hát với nhau.

Các hộ kinh doanh loại hình giải trí đã đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, cách âm tốt, phòng hát được xây dựng kiên cố, trang trí đẹp.

Đa số các cơ sở kinh doanh hoạt động đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động karaoke. Trảng Bàng hiện có 79 điểm kinh doanh loại hình đại lý internet công cộng và hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Từ năm 2011 - 2016, ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính được gần 15 triệu đồng; tịch thu và tiêu huỷ hơn 25 máy trò chơi điện tử bắn cá, 30 máy game bass ăn xèng; 2.500 băng-rôn, phướn không phép, 350 bảng quảng cáo tấm nhỏ. 7.500 đĩa CD, VCD, DVD các loại. Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính hơn 70 thuê bao điện thoại dùng trong quảng cáo rao vặt trái phép. Theo đánh giá của UBND huyện, đa số các tổ chức, cá nhân thực hiện các hình thức quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hoá, dịch vụ trò chơi điện tử công cộng này tuân thủ các quy định của pháp luật.

Từ thực tế của địa phương, UBND huyện Trảng Bàng kiến nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông mở lớp tập huấn hướng dẫn công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực này cho cán bộ, công chức cơ sở có thêm nghiệp vụ xử lý đối các điểm tổ chức hoạt động văn hoá và thông tin.

Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng có quy định về lệ phí khi đề nghị cấp phép hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Trong thủ tục cấp phép trò chơi máy bắn cá, nên hỏi ý kiến địa phương có đồng ý chủ trương trước khi tổ chức thẩm định, cấp phép.

Tại buổi làm việc, giải trình một số vấn đề do thành viên đoàn khảo sát nêu, đại diện Phòng Văn hoá - Thông tin cho biết, loại hình karaoke di động trên địa bàn huyện Trảng Bàng tương đối ổn, dù vẫn có ý kiến phàn nàn về ô nhiễm âm thanh.

Riêng loại hình karaoke cố định trong phòng kín, việc phát hiện ra tệ nạn tại những điểm kinh doanh này không phải là chuyện dễ. Ông Nguyễn Thành Tiễn- Chủ tịch HĐND huyện Trảng Bàng cho biết, hoạt động quảng cáo đang tồn tại những bất cập. Trên địa bàn huyện có một đơn vị kinh doanh đã đặt biển quảng cáo (loại có kích thước lớn) vào ban đêm dù chưa được cấp phép.

Trò chơi máy bắn cá cũng có những diễn biến phức tạp. Trên địa bàn huyện có một trung tâm thương mại lớn có bố trí cả máy bắn cá, lãnh đạo địa phương không ủng hộ nhưng chưa giải quyết được.

Vẫn theo ông Nguyễn Thành Tiễn, việc quản lý, xử lý loại hình dịch vụ karaoke di động tưởng đơn giản nhưng không hề dễ, vì chưa có văn bản pháp lý nào quy định. Tại thị trấn Trảng Bàng, lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý nhưng đại diện ngành Công an cho biết không thể dẹp hoặc tịch thu thiết bị được vì thiếu cơ sở pháp lý.

Kết luận buổi làm việc ở Trảng Bàng, bà Kim Thị Hạnh- trưởng đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo UBND huyện quan tâm đến đội ngũ làm công tác văn hoá, thông tin vì Trảng Bàng là nơi tập trung đông dân cư, trong đó có hàng chục ngàn công nhân. Đại diện đoàn khảo sát cũng lưu ý lãnh đạo các ban, ngành, chính quyền các cấp huyện Trảng Bàng quan tâm đến tình trạng học sinh bỏ học, bỏ tiết để chơi trò chơi điện tử.

Việt Đông