Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó xử lý những điểm bán cây mì giống tự phát 

Cập nhật ngày: 20/11/2019 - 17:12

BTN - Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tổ chức kiểm tra vài lần, nhưng rất khó xử lý những điểm bán cây mì giống tự phát, vì không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là điểm cung cấp giống có đăng ký kinh doanh.

Một điểm bán giống cây mì tự phát trên đường 781, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.

Thời gian qua, các ngành chức năng vẫn đang tìm giống mì có khả năng kháng virus gây ra bệnh khảm lá trên cây mì, trong khi nhu cầu trồng mì của người nông dân rất nhiều. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tiêu huỷ giống cây mì bị nhiễm bệnh, cắt vụ để trồng giống cây ngắn ngày khác hạn chế bệnh khảm lá. Tuy nhiên, dù biết việc trồng mì có khả năng nhiễm bệnh rất cao, năng suất thấp nhưng nhiều nông dân vẫn trồng, vì hiệu quả kinh tế còn ở mức “chấp nhận được”.

Hiện đang chuẩn bị vào vụ trồng mì mới nên nhu cầu về cây giống rất cao, nhiều điểm bán cây mì giống tự phát. Trên đường 781 - đoạn từ cầu K13 đến xã Phan, huyện Dương Minh Châu, có nhiều điểm bán mì giống.

Theo anh Sang (ngụ ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) - một người đang bán cây mì giống, hiện nay anh bán 2 loại giống: một loại được đưa về từ các tỉnh miền Trung và một số tỉnh ít có dịch bệnh, giá 30.000 đồng/bó; còn giống cây mì được thu hoạch trong tỉnh giá thấp hơn, chỉ 13.000 đồng/bó. 

Anh Sang cho biết, phần lớn người dân chọn mua giống cây mì trong tỉnh vì giá thấp, bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh khảm lá cao. Theo anh, nếu được chăm sóc tốt, cây mì bị bệnh khảm lá cũng cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Với giá thu mua hiện nay, người trồng vẫn có lãi. Đối với giống mì ngoài tỉnh, anh Sang không thể khẳng định có bị nhiễm mầm bệnh hay không, mà chỉ nói chung chung là “ít có nhiễm bệnh”.

Ông Huỳnh Hưng Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, địa phương tìm hiểu những giống cây mì đang được bán trên địa bàn, có nguồn gốc từ các huyện Tân Châu, Tân Biên và một số tỉnh khác, còn để xác định mì giống có nhiễm bệnh hay không, xã không đủ khả năng. 

Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tổ chức kiểm tra vài lần, nhưng rất khó xử lý những điểm bán cây mì giống tự phát, vì không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là điểm cung cấp giống có đăng ký kinh doanh. Vì thế, để hạn chế dịch khảm lá mì lây lan từ cây giống, nhiệm vụ chủ yếu của ngành và các địa phương hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân.

THẾ NHÂN