BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuỗi hoạt động nghĩa tình Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7:

Khởi đầu tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 15/07/2018 - 23:58

BTN - Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết, dịp 27.7 năm nay, toàn quốc sẽ có nhiều hoạt động nghĩa tình, trong đó, hội nghị toàn quốc tại Tây Ninh là điểm khởi đầu của chuỗi hoạt động này.

Lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Bộ LÐ-TB&XH, Ban Chỉ huy lực lượng TNXP Trung ương, Hội cựu TNXPVN và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài TNXP trên Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Ðồi 82).

Trong hai ngày 14 và 15.7, Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức đợt sinh hoạt truyền thống tại Tây Ninh với nhiều hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 và Ngày truyền thống TNXP 15.7, bao gồm hội nghị TNXP toàn quốc tại hội trường Tỉnh uỷ, đêm Thắp nến tri ân tại nghĩa trang Ðồi 82 và sinh hoạt về nguồn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Ðến tham gia đợt sinh hoạt này cùng với hơn 300 đại biểu cựu TNXP trên toàn quốc, có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 - Tây Nguyên; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh; Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN Nguyễn Thị Xuân Thu; Chỉ huy trưởng lực lượng TNXPVN, Trưởng Ban TNXP Trung ương Ðoàn Trần Minh Huyền cùng nhiều vị đại diện các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh nhà có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và nhiều lãnh đạo sở, ngành.

TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG VÀ BI TRÁNG

Theo báo cáo đề dẫn cuộc hội thảo với chủ đề “Thực trạng và đề xuất xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP” do Chủ tịch Hội Cựu TNXPVN Vũ Trọng Kim trình bày, ngày 15.7.1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Ðoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) công tác trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên với 225 đội viên phục vụ Chiến dịch Biên giới trong kháng chiến chống Pháp. Việc thành lập lực lượng TNXP nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Ðảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai”.

TNXP chống Pháp đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Ðặc biệt, trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ, đội viên TNXP đã bảo đảm giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa trên đường quân ta tiến công cứ điểm chiến lược của kẻ địch…

Sau hiệp định Genève, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Giai đoạn này, cùng với bộ đội quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP chống Mỹ bảo đảm huyết mạch giao thông với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”.

Ngày 20.4.1965, tại vùng rừng núi Bắc Tây Ninh, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam được thành lập với quân số ban đầu là 108 người. Tiếp theo đó, trên 5.000 nam, nữ thanh niên từ các tỉnh Nam Trung bộ đến đất mũi Cà Mau và cả Việt kiều ở Campuchia đã hăng hái tham gia TNXP phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Trong 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam đã tham gia hầu hết các chiến dịch quan trọng như chống cuộc càn Junction City, tổng tấn công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh… với 614 trận đánh.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, thế hệ thứ 4 của TNXP lại tiếp tục lên đường. 300.000 TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã cống hiến sức trẻ và xương máu cho việc khai hoang phục hoá, xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. 99 liệt sĩ TNXP đã ngã xuống trong giai đoạn này và 47 đội viên TNXP khác trở về cuộc sống đời thường với một phần thân thể không lành lặn.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, TNXP cũng như bộ đội đã có những hy sinh, mất mát to lớn. Trên khắp mọi miền đất nước đã có hơn 6.000 liệt sĩ, gần 43.000 thương binh TNXP cống hiến xương máu và hơn 18.000 TNXP và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam.

Trải qua 68 năm (1950-2018) xây dựng, cống hiến và trưởng thành, hơn nửa triệu TNXP các thế hệ trong cả nước đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công vẻ vang, lực lượng TNXP Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều huân chương cao quý, 43 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đó, riêng tỉnh Tây Ninh có tập thể đơn vị TNXP 2311- Hoàng Lê Kha cùng hai liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng và Võ Thị Rậm được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này.

Trên các nẻo đường chiến đấu, TNXP đã lập biết bao thành tích vẻ vang, cùng những chiến công huyền thoại tại các địa danh đã đi vào lịch sử như Núi Hồng, Nà Cù, Cò Nòi, Lưu Xá, Truông Bồn, Pha Ðin, Chăn Nưa, đường Hạnh Phúc, đường 12B - Hoà Bình, đường 20 Quyết thắng, đường 10 - Ðông Trường Sơn, Nước Oa, Ða Kai, Ðồng Lộc, Ðồi 82 - Tân Biên, Long Phước - Bến Cầu… Theo thống kê của Trung ương hội Cựu TNXP, hiện cả nước có 56 địa danh, di tích lịch sử; đã có 35/56 di tích đã được xây dựng, tôn tạo, trong đó có 22 di tích được xếp hạng, còn 15 di tích chưa được xếp hạng.

Tuy nhiên, không ít di tích đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa xứng tầm với sự hy sinh, mất mát của TNXP. Một số di tích xây dựng đã lâu, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, nay đã xuống cấp, chưa được tu bổ kịp thời.

Một số di tích đã được phát hiện nhưng chưa được đầu tư do vướng mắc về thủ tục. Ða số các di tích chưa huy động được nguồn lực từ xã hội hoá nên gặp nhiều khó khăn. Một số di tích mới phát hiện nhưng chưa lập được hồ sơ đề nghị công nhận. Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác di tích còn nhiều bất cập. Nhiều di tích chưa có ban quản lý hoặc người có trách nhiệm trông coi, dẫn đến xuống cấp…

Có 11 đơn vị, địa phương trình bày tham luận tại hội nghị; chủ yếu là nêu bật ý nghĩa, giá trị di tích tại địa phương, ngành và thống nhất với các kiến nghị của Trung ương hội Cựu TNXP về khai thác, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích.

NHỮNG NGHĨ SUY SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH

Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết, trong khoảng một năm qua, Bộ đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giải quyết chính sách đối với người có công. Trong đó, riêng với lực lượng TNXP các thời kỳ, hiện còn hàng chục ngàn trường hợp chưa được công nhận, hàng ngàn trường hợp hy sinh, bị thương tật chưa được hưởng chính sách và hàng chục địa danh, di tích lịch sử cũng chưa được công nhận, xếp hạng để xây dựng, trùng tu, tôn tạo…

Theo Bộ trưởng, tình trạng tồn đọng này hầu hết là do vướng mắc về thủ tục xác nhận đối tượng. Chẳng hạn đối với những trường hợp hy sinh đã bảy, tám chục năm làm sao có được nhân chứng, chứng cứ.

Vì thế, Bộ đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp mạnh dạn tháo gỡ vướng mắc, và đã giải quyết được hàng trăm trường hợp không thể bảo đảm đầy đủ các thủ tục quy định. Sắp tới đây, trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ sẽ công bố danh sách đối tượng chính sách được công nhận.

Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết thêm, dịp 27.7 năm nay, toàn quốc sẽ có nhiều hoạt động nghĩa tình, trong đó, hội nghị toàn quốc tại Tây Ninh là điểm khởi đầu của chuỗi hoạt động này. Riêng đối với cựu TNXP, Bộ trưởng đề nghị các cấp Hội chuyển toàn bộ hồ sơ tồn đọng cho ngành LÐ-TB&XH.

Bộ sẽ lập tổ công tác chuyên môn đến các địa phương, phối hợp với Hội Cựu TNXP để xem xét giải quyết từng trường hợp. Còn về vấn đề địa danh, di tích TNXP chưa được xác định, xếp hạng để xây dựng, tôn tạo, ông Ðào Ngọc Dung nói: “Cả nước có tới hơn 6.000 di tích lịch sử cách mạng, địa danh, nghĩa trang, tượng đài đã làm được, chẳng lẽ chỉ có chưa tới 60 địa danh, di tích TNXP lại không làm được!”.   

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Trung ương hội Cựu TNXP đã chọn đúng thời điểm để tổ chức đợt hoạt động nhiều ý nghĩa truyền thống này.  Trung tướng Nguyễn Quốc Thước- một vị lão tướng, năm nay đã 92 tuổi, nổi tiếng qua nhiều cuộc chiến tranh cho biết, 41 năm trước,

Quân đoàn 3 do ông làm Tư lệnh từ Tây Nguyên được điều động đến vùng biên giới Tây Ninh, đóng quân tại cao điểm 82 để bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Sau đó, Quân đoàn đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Ðồi 82), các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông đã có tới khoảng 7.000 liệt sĩ nằm lại nơi này.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, TNXP là bạn chiến đấu không thể thiếu của bộ đội, nếu không có TNXP phục vụ chiến đấu, bộ đội rất khó mà chiến đấu, chiến thắng quân thù. Vì thế, không thể không gìn giữ, phát huy di tích của TNXP để giáo dục truyền thống cho đời sau.

Về ý nghĩa phát huy giá trị di tích, địa danh TNXP, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đồng thuận với các kiến nghị của Trung ương hội Cựu TNXP. Ông góp ý thêm: “Các địa phương có di tích, địa danh lịch sử không chỉ xây dựng, bảo tồn mà quan trọng hơn là phải sưu tầm, ghi chép, biên soạn thành tài liệu để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là thanh niên, thiếu nhi ở địa phương. Có như thế mới thực sự phát huy được giá trị của di tích, địa danh lịch sử”.

NGUYỄN TẤN HÙNG