BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19.8.1945 - 19.8.2022) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2.9.1945 - 2.9.2022):

Khởi nghĩa tháng Tám ở Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 16/08/2022 - 23:56

BTN - Ngày 19.8.1945, khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi. Trong khi đó ở Tây Ninh, Mặt trận Việt Minh đã kịp thời lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh” và kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8.1945, tại sân vận động Thị xã, nhân dân Tây Ninh tham gia cuộc mít tinh, biểu dương lực lượng, chuẩn bị giành chính quyền. 30 năm sau, cũng tại sân vận động Thị xã, người dân Tây Ninh tham gia mít tinh mừng Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh sưu tầm: Đ.H.T

 

Ngày 23.8.1945, được tin Sài Gòn đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đồng chí Trần Kim Tấn và đồng chí Trương Mỹ Lan liên lạc với Xứ uỷ để xin chỉ đạo hành động. Ngay ngày này, đồng chí Trương Mỹ Lan trở về Tây Ninh báo cáo tình hình, còn đồng chí Trần Kim Tấn ở lại Sài Gòn dự mít tinh.

Nhận được chỉ thị của Xứ uỷ, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập hội nghị gồm đảng viên và cán bộ nòng cốt tham dự. Hội nghị bàn việc tổ chức một cuộc mít tinh có đông đảo quần chúng tham gia để Mặt trận Việt Minh tỉnh ra hoạt động công khai, đồng thời kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh. Hội nghị còn quyết định cử ra Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Thanh, Trần Văn Mạnh, Phạm Tung, Trương Mỹ Lan, Trần Văn Đẩu, Nguyễn Văn Chấn, về sau bổ sung thêm đồng chí Trần Kim Tấn.

Thực hiện chủ trương của hội nghị, ngay trong đêm 23.8.1945, Ban lãnh đạo hành động cử người đi các nơi huy động nhân dân, lực lượng Thanh niên tiền phong và học sinh về dự mít tinh ở Thị xã. Băng, cờ, khẩu hiệu trang bị cho đoàn người đi dự mít tinh do cơ sở Việt Minh ở hãng đường Thanh Điền lấy vải của nhà máy đem về nhuộm đỏ và cắt may cho các nhóm. Mọi việc được tiến hành hết sức khẩn trương và chu đáo.

Chiều ngày 24.8.1945, lực lượng quần chúng đầu tiên từ vùng Bến Cầu được ghe xuồng đưa lên hãng đường, sau đó tập trung tại xóm Dốc (ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền) để ổn định tổ chức và chuẩn bị xuất phát. Mặt khác, Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền còn thực hiện chủ trương tranh thủ, trung lập hoá quân đội Nhật không tấn công chúng nếu chúng không can thiệp vào các hoạt động khởi nghĩa.

Sáng sớm ngày 25.8.1945, từ Thanh Điền, Xóm Vịnh, Quán Cơm, lực lượng quần chúng giương cờ đỏ sao vàng, mọi người đều có băng trắng chữ Việt Minh màu đỏ hoặc băng đỏ đeo ở cánh tay, các đồng chí đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ rầm rập tiến vào sân vận động Thị xã. Cùng lúc lực lượng Thanh niên tiền phong có trang bị súng và tầm vông từ đình Hiệp Ninh lên đường tiến vào sân vận động. Quần chúng tín đồ Cao Đài mang theo cờ đạo, đội ngũ chỉnh tề, từ Toà thánh cũng đến sân vận động Thị xã dự mít tinh. Thế là một cuộc mít tinh lớn chưa từng thấy ở Tây Ninh đã diễn ra.

Tại buổi mít tinh, đồng chí Huỳnh Văn Thanh- Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh đọc diễn văn nêu rõ: quân đội Nhật đã đầu hàng quân đồng minh, chính quyền Hà Nội và khắp miền Bắc, Trung đã thuộc về Việt Minh và kêu gọi đồng bào Tây Ninh hãy đứng lên sẵn sàng giành chính quyền.

Quần chúng dự mít tinh hết sức phấn khởi, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh của quần chúng chuyển thành đoàn biểu tình kéo qua dinh tỉnh trưởng, quanh chợ và các đường phố chính trong Thị xã. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, chính quyền bù nhìn không dám phản ứng. Đến trưa, đoàn biểu tình mới trở về Thị xã.

Khoảng 14 giờ ngày 25.8.1945, đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị giành chính quyền của Xứ uỷ lên Tây Ninh. Ban lãnh đạo giành chính quyền tỉnh triệu tập hội nghị mở rộng gồm các thành viên Ban lãnh đạo hành động và một số cán bộ nòng cốt để lập kế hoạch giành chính quyền.

Xuất phát từ điều kiện khách quan, chính quyền bù nhìn rệu rã đang chờ giao chính quyền, bọn Nhật đã bị cô lập, trung đội cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng có viên chỉ huy ngã theo cách mạng, thời cơ đang đến nhanh, hội nghị quyết định chỉ huy động lực lượng khoảng 500 quần chúng có trang bị đầy đủ, đột nhập dinh tỉnh trưởng và chiếm các công sở.

Theo kế hoạch, một bộ phận xung kích đã đột nhập vào bên trong dinh tỉnh trưởng, tước súng của hai tên lính gác giao lại cho lực lượng bảo vệ để chiếm giữ và bảo vệ trật tự, an toàn trong khu vực dinh tỉnh trưởng. Mọi việc đều tiến hành nhanh gọn, không gặp phải một sự kháng cự nào của địch.

Các đồng chí trong Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ đi từ Sài Gòn lên bằng ô tô có cắm cờ đỏ sao vàng vào dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh được gọi ra, yêu cầu nộp sổ sách, giấy tờ và giao chính quyền. Trước khí thế cách mạng, Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đáp lại: “Chúng tôi đã có chuẩn bị chờ các ông”.

Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền buộc Lê Văn Thạnh phải gọi những người cầm đầu các công sở đến, ai có vũ khí phải mang theo (lúc này, lực lượng tự vệ đã triển khai chiếm xong các công sở), lực lượng cách mạng tước hết súng. Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25.8.1945.

Sau đó, lực lượng cách mạng chỉ bắt giữ Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh, Jean Baptiste Hà Văn Sua- y sĩ có quốc tịch Pháp và Đốc phủ Đường- tên tay sai đắc lực của Pháp. Những người còn lại được cho về tiếp tục công việc, trừ một vài nơi trọng yếu như nhà máy đèn, nhà máy nước, do lực lượng cách mạng trực tiếp nắm giữ. Các công sở của huyện Châu Thành đóng ở Thị xã, cũng được tiếp quản ngay sau khi bộ máy chính quyền nguỵ cấp tỉnh không còn.

Ở Trảng Bàng, cán bộ Việt Minh cũng nhận được chỉ thị của Xứ uỷ về tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh và chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ban lãnh đạo khởi nghĩa được thành lập kịp thời gồm đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba, Lên, Dú. Sáng sớm 25.8.1945, một cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức tại bãi chợ Trảng Bàng, toàn bộ lực lượng Thanh niên tiền phong của quận và đông đảo nhân dân ở các xã tham dự.

Tại cuộc mít tinh, đồng chí Huỳnh Hà nhân danh đại biểu của quận bộ Việt Minh phát biểu nhấn mạnh: Nhật đầu hàng, ở miền Bắc, miền Trung, chính quyền đã về tay Việt Minh, đồng thời kêu gọi quần chúng sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền ở quận. Những người dự mít tinh háo hức hô to khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Minh muôn năm”. Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng tham gia thành đoàn biểu tình thị uy quanh phố chợ rồi toả về các xã.

Dốc cầu Quan thị xã Tây Ninh. Ảnh sưu tầm: Đ.H.T

 

Tối 25.8.1945, anh Phiên- thư ký hành chính quận đã được vận động theo cách mạng, khôn khéo ra lệnh cho bọn lính cất hết súng vào kho. Cùng lúc, một lực lượng nhỏ Thanh niên tiền phong bao vây bên ngoài dinh quận. Sau đó, hai đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba cùng với anh Phiên vào quận đường buộc tên Quận trưởng Huỳnh Tường Tấn đầu hàng và chuyển giao chính quyền. Trước đó, tên Tấn nghe động đã đóng kín các cửa, nhưng liệu bề không chống nổi nên xin chấp nhận chuyển giao chính quyền.

Lực lượng khởi nghĩa chiếm quận đường, tên Quận trưởng Huỳnh Tường Tấn bị bắt giam. Việc giành chính quyền ở Trảng Bàng hoàn thành. Sáng hôm sau (26.8.1945), cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Thị trấn.

Tại vùng Phước Chỉ, sau khi nhận lệnh từ Đức Hoà, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đảng viên đã họp bàn kế hoạch và thành lập Ban Tuyên truyền vận động khởi nghĩa gồm các đồng chí Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thanh, Lê Đặng Côn, Bùi Quang Tấn, thầy giáo Quang và Ba Màng. Theo kế hoạch, một đội võ trang bao vây đồn Rạch Tràm và gọi hàng. Bọn lính trong đồn mất hết tinh thần trước khí thế sôi sục của quần chúng, vội vàng hạ súng đầu hàng. Bọn cầm quyền ở khu vực chợ Rạch Tràm cũng hoang mang dao động cao độ, nên khi đoàn biểu tình của quần chúng kéo đến đã chấp nhận giao chính quyền.

Sau khi giành chính quyền ở tỉnh và quận, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử một số đồng chí về các vùng nông thôn hướng dẫn nhân dân giành chính quyền ở tổng, xã. Việc giành chính quyền ở nông thôn cũng diễn ra thuận lợi do bọn hương lý đã tan rã từ những ngày trước đó, không dám hành động chống lại.

Chỉ trong một ngày đêm (25.8.1945), chính quyền nguỵ từ tỉnh đến quận đều sụp đổ hoàn toàn, và ba ngày sau, chính quyền các xã đều thuộc về tay nhân dân. Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi đó là do Ban Cán sự Đảng tỉnh nhạy bén tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các đảng viên, các cơ sở Đảng.

Từ khi các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập, là hạt nhân cho sự ra đời của Ban Cán sự Đảng tỉnh (9.1944) đến khởi nghĩa giành chính quyền, đội ngũ đảng viên chỉ có 25 đồng chí, nhưng các đảng viên đều vượt qua thử thách, tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, luôn gắn bó với quần chúng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng đứng trong tổ chức cách mạng, tạo được đội quân chính trị đông đảo vùng lên thành cao trào rộng khắp toàn tỉnh, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám thành công.

Đình Chung

(Lược trích từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)