BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khởi nghiệp từ cây dược liệu đinh lăng 

Cập nhật ngày: 26/09/2018 - 13:00

BTN - Thông tin về một thanh niên ở Trảng Bàng khởi nghiệp từ cây đinh lăng- một cây dược liệu quý phổ biến ở khắp nơi, thôi thúc tôi tìm về Trảng Bàng.

Anh Việt giới thiệu kỹ thuật chăm sóc đinh lăng cho khách hàng.

Cơn mưa rào buổi sáng vừa dứt cũng là lúc tôi tìm đến được trại giống của Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Ðường nằm sâu trong khu dân cư ấp An Phú, xã An Tịnh. Giám đốc trẻ Trần Hoài Việt đang trao đổi với nhân viên kỹ thuật để chuẩn bị xuất 60 ngàn cây giống đinh lăng đi Bình Thuận.

Cơ duyên nào từ một công an viên xã đưa anh đến với cây đinh lăng để rồi gắn bó và đi lên cùng cây dược liệu này? Anh Việt kể: “Tôi bắt đầu từ cây gấc, không phải đinh lăng, nhưng thấy đất trống giữa vườn gấc lãng phí, tôi bắt đầu tìm hiểu, được biết trồng cây đinh lăng xen cây gấc rất hiệu quả và cho thu nhập cao. Với số vốn từ thu hoạch gấc ban đầu tôi đã đầu tư mua giống đinh lăng trồng xen giữa vườn gấc 2.000m2 sau vườn. Thu nhập từ cây đinh lăng hiệu quả không ngờ và tôi bắt đầu gắn bó với cây dược liệu này”.

Hiện anh Việt trồng gần 300 ha đinh lăng, cung cấp cây giống cho bà con nông dân ở nhiều tỉnh, thành từ Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Ðăk Lăk... Anh Việt còn thu mua lại sản phẩm để chế biến rượu đinh lăng đóng chai và gối thảo dược đinh lăng. Lợi nhuận gần 4 tỷ đồng/năm, công ty của anh Việt giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Cây đinh lăng chịu được hạn, thích hợp với mọi loại đất, ưa mát nên phát triển tốt dưới các tán cây. Trên địa bàn Tây Ninh hiện đã có 45 ha đinh lăng được bà con nông dân trồng xen canh các vườn cao su, mãng cầu, chuối, xoài chanh dây và gấc. Chị Trần Ngọc Hân, ở xã An Tịnh trồng gần 4.000m2 đinh lăng xen canh đu đủ.

Chị cho biết, trước đây chỉ trồng đu đủ nay trồng xen cây đinh lăng giữa các luống đất trống, năng suất đu đủ không giảm mà còn thu thêm được lợi nhuận từ cây đinh lăng. Hay như ông Ðặng Phước Minh, ở Phước Ðông, huyện Gò Dầu đang chăm sóc vườn đinh lăng dưới cây cao su cho biết, ông trồng được gần 20 ngàn cây. Sắp tới, con trai ông Minh sẽ mở rộng trồng thêm đinh lăng trong vườn cao su ở Bến Cầu. Ông Minh cho biết, đinh lăng trồng sau 3 tháng sẽ thu hoạch lá, với giá 2.000 đồng/kg tươi; 6 tháng thu hoạch cành với giá 20.000 đồng/kg.

Theo anh Võ Văn Ðược, phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Ðường, công ty cung ứng giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong vòng 36 tháng, cứ 6 tháng nông dân có thể thu hoạch 600kg lá tươi và 1.500kg thân, rễ tươi. Tức là bình quân 1 gốc cho 0,2kg lá và 0,5kg thân, rễ. Hoàn tất một vòng đời 3 năm của cây đinh lăng, nông dân có thể thu trên 360 triệu đồng/1.000m2.

Vừa qua, công ty ra mắt HTX sản xuất dịch vụ và thương mại nông nghiệp Thiên Ðường để mở rộng sản xuất cho bà con nông dân và thanh niên trong huyện Trảng Bàng. Hiện nay, HTX đang mở rộng sản xuất, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu đinh lăng như trà túi lọc đinh lăng, cao đinh lăng đóng gói...

Ngày 30.7 vừa qua, hội nghị “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” do Chính phủ tổ chức tại Lâm Ðồng, gian hàng các sản phẩm từ cây dược liệu đinh lăng của Công ty nông nghiệp Thiên Ðường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham quan và động viên mở rộng sản xuất.

Việc mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng nằm trong dự án phát triển vùng cây dược liệu, đang triển khai tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An, đây là điều kiện thuận lợi đối với công ty, là tin vui cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Thế Lực