BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khởi nghiệp từ nghề bó chổi 

Cập nhật ngày: 15/09/2018 - 19:08

BTN - Chị chia sẻ: “Từ khi theo nghề này, vợ chồng tôi mới tích góp mua được miếng đất rồi cất căn nhà ở ổn định”. Nhìn căn nhà tường mới trong hẻm nhỏ giữa lòng phố, ít ai ngờ rằng chỉ vài năm trước, hai vợ chồng chị Hiếu chỉ có hai bàn tay trắng. Dẫu nhỏ thôi nhưng đó là niềm vui rất lớn mà vợ chồng chị Hiếu đã không ngừng cố gắng.

Chị Hiếu với công việc bó chổi bông cỏ.

Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống bó chổi bông tại tỉnh Phú Yên, khoảng mười năm trước, cô gái trẻ Phạm Thị Thanh Hiếu (33 tuổi, hiện ngụ khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh) chân ướt chân ráo vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân, sau đó theo chồng về Tây Ninh lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, đến giờ vợ chồng chị Hiếu đã có công việc ổn định và tạo thêm việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.

Khi mới về Tây Ninh, vợ chồng chị Hiếu không có tài sản riêng nên chỉ làm thuê kiếm sống. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đủ sống, nên chị quyết định quay lại công việc đã gắn bó với mình từ nhỏ là bó chổi bông. Khoảng 7 năm trước, từ chút vốn liếng ít ỏi, chị Hiếu tìm mua nguyên liệu để bó chổi, cộng với những cây chổi được họ hàng gửi từ quê vào, chị bắt đầu khởi nghiệp... Lúc ấy, chị Hiếu chọn một góc nhỏ ở khu chợ để ngồi bán lẻ vì: “Mình chỉ buôn bán nhỏ vì không có vốn, có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, kiếm đủ chi tiêu mỗi ngày là mừng rồi”, chị kể.

Công việc bó chổi để bán lẻ của chị Hiếu không diễn ra suôn sẻ. Chị loay hoay tìm mối bán chổi. Phải mất một khoảng thời gian dài, nhiều người mới tin tưởng chất lượng cây chổi do chị Hiếu làm ra. Sau đó, chị Hiếu cũng tìm được những đầu mối tiêu thụ lớn không chỉ trong tỉnh mà còn ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước. Chị Hiếu chia sẻ: “Nghề này cũng có nhiều cạnh tranh nhưng nhờ chất lượng, giá cả phải chăng nên tôi vẫn có riêng những mối tiêu thụ cố định cho mình mà không sợ ứ hàng”.

Theo chị Hiếu, bông đót mỗi năm chỉ có một mùa nên phải tranh thủ nhập nguyên liệu về sẵn. Ðây là khó khăn với những người làm nghề bó chổi mà chưa có nguồn vốn dồi dào như chị. Nhưng cô gái trẻ Thanh Hiếu vẫn muốn phát triển thêm nghề truyền thống này. Nhờ đeo đuổi nghề bó chổi, vợ chồng chị Hiếu đã có việc làm ổn định, kinh tế gia đình cũng thoải mái hơn trước đây.

Chị chia sẻ: “Từ khi theo nghề này, vợ chồng tôi mới tích góp mua được miếng đất rồi cất căn nhà ở ổn định”. Nhìn căn nhà tường mới trong hẻm nhỏ giữa lòng phố, ít ai ngờ rằng chỉ vài năm trước, hai vợ chồng chị Hiếu chỉ có hai bàn tay trắng. Dẫu nhỏ thôi nhưng đó là niềm vui rất lớn mà vợ chồng chị Hiếu đã không ngừng cố gắng.

Không chỉ có việc làm ổn định cho mình mà chị Hiếu còn tạo việc làm cho khoảng 10 người trong và ngoài phường. Ðó là những người chưa tìm được việc hoặc những em nhỏ, người già. Em Nguyễn Thị Thuỳ Trang, ngụ cùng khu phố với chị Hiếu vui vẻ cho biết, tranh thủ những ngày không đến trường em đến cơ sở bó chổi của chị Hiếu để làm thêm. Thuỳ Trang năm nay học lớp tám nhưng em đã phụ việc bó chổi bông cỏ tại gia đình chị Hiếu gần 3 năm nay. Mỗi tuần, Trang có thể kiếm hơn 200.000 đồng từ công việc này.

Mới làm việc cho gia đình chị Hiếu khoảng 3 tháng nay, em Ðặng Thị Quỳnh Như (16 tuổi, ngụ phường 3) cho biết, gia đình khó khăn nên em phải nghỉ học giữa chừng, đi phụ bán quán. Tuy nhiên, công việc này vất vả hơn so với việc bó chổi. Hiện tại, Như chưa đủ tuổi vào làm xí nghiệp nên phải tìm việc để phụ giúp gia đình. Như nói: “Việc bó chổi bông rất dễ học, công việc lại nhẹ nhàng. Mỗi ngày, nếu chịu khó ngồi làm, em có thể kiếm được 80.000 đồng”.

Theo chị Hiếu, bó chổi có nhiều công đoạn khác nhau nên việc kiếm tiền cũng nhiều mức khác nhau. Một người siêng làm có thể kiếm 200.000 đồng mỗi ngày. Chị Hiếu cũng không ngần ngại chia sẻ những dự định phát triển nghề nghiệp. Chị nói: “Tôi luôn mong muốn phát triển số lượng chổi bó được để tiêu thụ. Trước tiên là giúp gia đình ổn định kinh tế, sau đó là tạo được việc làm, thu nhập cho nhiều bà con hàng xóm xung quanh”.

VI XUÂN