Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khốn khổ vì mua đất bán đấu giá 

Cập nhật ngày: 05/06/2017 - 22:56

BTN - Đó là nỗi niềm bức xúc của vợ chồng ông Hồ Văn Hân và bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ tổ 2, ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), bởi phần đất họ mua trúng đấu giá đã được cấp sổ đỏ gần 10 năm nhưng vẫn… không được sử dụng.

Gia đình ông Tiển trồng mì trên đất được cấp sổ đỏ cho gia đình ông Hân.

Tiền mất… thương tích mang

Ngày 13.12.2007, tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Châu Thành, vợ chồng ông Hân có mua tài sản đấu giá là một phần đất nông nghiệp diện tích 11.005m2 (toạ lạc tại tổ 3, ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành). Số tiền họ bỏ ra mua đất là 121.920.000 đồng.

Nguồn gốc đất này là của ông Lê Văn Tiển và bà Lê Thị Thắm, ngụ cùng địa phương, do cơ quan Thi hành án kê biên bán đấu giá để thi hành Bản án số 07/2006/DSST ngày 20.1.2006 của TAND huyện Châu Thành.

Ngày 27.2.2008, UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người mua trúng đấu giá là ông Hân và bà Hằng. Chi cục THADS Châu Thành cũng đã tiến hành giao tài sản (sau khi cưỡng chế thi hành án đối với ông Lê Văn Tiển và bà Lê Thị Thắm) và cắm 12 trụ mốc xi măng để phân định ranh đất.

Thế nhưng, ngay sau khi cơ quan Thi hành án ra về, vợ chồng ông Tiển liền ngang nhiên nhổ bỏ 10 trụ mốc xi măng, chiếm đoạt lại đất. Nghiêm trọng hơn, khi ông Hân đến khu đất mới mua để trồng mì thì vợ chồng ông Tiển dùng dao, rựa hăm doạ, ngăn cản không cho sử dụng đất.

Từ đó, vợ chồng ông Tiển chiếm luôn phần đất để canh tác nông nghiệp. Đáng nói hơn, trong phần đất diện tích 11.005m2, ông Tiển chỉ canh tác 6.673m2, còn lại 4.332m2 đem thế chấp cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Giang và bà Lê Thị Hằng (hàng xóm của ông Tiển). Chính ông Tiển xác nhận  việc thế chấp đất bắt đầu từ năm 2005 cho đến nay vẫn chưa giao lại.

Đến năm 2014, gia đình ông Hân nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành. Dù đã được Toà án tống đạt triệu tập hợp lệ nhiều lần, nhưng vợ chồng ông Tiển và ông Giang đều vắng mặt không lý do. Toà quyết định tuyên, ông Tiển và bà Thắm phải trả lại đất cho ông Hân và bà Nguyễn Thị Hằng.

Vậy mà, ông Tiển và bà Thắm vẫn cứ giao đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Hân. Sau khi toà tuyên xử, vợ chồng ông Tiển không kháng cáo, mà cũng không chấp hành bản án, và tiếp tục sử dụng đất bình thường.

Đến ngày 29.7.2016, Chi cục THADS Châu Thành lại một lần nữa tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với ông Lê Văn Tiển và bà Lê Thị Thắm, buộc giao đất đã được cấp giấy cho gia đình ông Hân. Đồng thời, đoàn cưỡng chế còn tiến hành đóng lại 12 trụ xi măng làm ranh, lần này có cả việc đổ bê tông chân trụ cho… chắc chắn.

Lúc tiến hành cưỡng chế, vợ chồng ông Tiển không nói năng gì, nhưng sau khi cơ quan chức năng ra về, họ lập tức thể hiện hành động ngang ngược, xem thường pháp luật, ngang nhiên nhổ bỏ toàn bộ trụ xi măng làm ranh, san lấp luôn các lỗ chôn trụ, rồi dùng máy xới đất, sạ lúa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

“Sự việc đã được vợ chồng tôi trình báo với cơ quan chức năng và nhận được câu trả lời (bằng miệng) là đất đã giao rồi, ông bà cứ làm”, bà Nguyễn Thị Hằng kể lại.

Theo đơn trình bày của vợ chồng ông Hân, ngày 6.12.2016, ông đã thuê người vào trồng lại các trụ ranh đất, đồng thời thuê máy cày đất để canh tác. Máy cày bị mắc lầy, trong lúc ông Hân đang dùng cuốc san lấp đất trước đầu xe thì bà Lê Thị Thắm đứng trong nhà chửi ra, doạ đòi đâm và đánh nếu ai dám động vào phần đất nói trên.

Không lâu sau đó, bà Thắm từ trong nhà tiến ra chỗ ông Hân, tay phải cầm hung khí là một cây chĩa nhọn tự chế, tay trái cầm một cây rựa loại dùng để chặt mía. Theo sau bà Thắm, có ông Tiển cũng cầm một cây rựa tương tự và người con dâu.

Trong lúc ông Hân đang lom khom cuốc đất, bà Thắm tiến đến từ phía đối diện, khi còn cách khoảng chừng 1,5m, bà dùng cây chĩa đâm một cái vào đầu ông Hân. Cùng lúc này người bị đâm vừa đứng thẳng lên và dùng tay trái gạt đỡ, cây chĩa chệch sang trúng vào trán bên trái ông Hân gây thương tích đổ máu. Sau đó bà Thắm cầm cây chĩa và cây rựa bỏ đi chỗ khác tiếp tục chửi bới.

Chẳng lẽ bó tay?

Ngay sau khi bà Thắm động thủ, gia đình ông Hân liền báo cho Công an xã Phước Vinh đến để giải quyết. Sau đó, Công an xã tiếp tục báo cáo Công an huyện Châu Thành về vụ việc “cố ý gây thương tích” này.

Nhận được đơn tố cáo của ông Hân, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành đã kết hợp với lực lượng liên quan đến nhà bà Thắm để xác minh làm rõ vụ việc nhưng bà Thắm không hợp tác.

Ngày 18.4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành đã có Công văn số 47 “về việc thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, Công an xã Phước Vinh và ông Hân được biết.

Công văn có nội dung thông báo: Ngày 28.12.2016, Trung tâm pháp y tỉnh Tây Ninh có Kết luận số 239/2016/TgT về tỷ lệ tổn thương trên cơ thể của ông Hồ Văn Hân là 3%. Căn cứ theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

Ông Nguyễn Anh Sang, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Châu Thành cho biết: “Do không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, nên Công an huyện Châu Thành đã chuyển vụ việc về cho Công an xã Phước Vinh xử lý theo hướng xử phạt hành chính về hành vi xâm hại đến sức khoẻ của người khác. Nếu bà Thắm vẫn không hợp tác, Công an xã phải báo cáo lên huyện để có hướng xử lý tiếp”.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu áp dụng Nghị định 67/2013 thì bà Thắm sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng. Vợ chồng ông Hân thắc mắc: “Ông Tiển và bà Thắm đã nhiều lần chống lại việc thi hành án của cơ quan Nhà nước, lại cố ý dùng hung khí nguy hiểm để đâm vào vùng đầu người khác mà chỉ xử phạt hành chính thì có quá nhẹ, có đủ sức răn đe”?

Ông Đỗ Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nêu ý kiến: “Thực tế mỗi lần chính quyền địa phương vào làm việc với vợ chồng ông Tiển đều bị gia đình này chửi mắng thậm tệ và đuổi về. Riêng việc bà Thắm gây thương tích cho ông Hân, Công an xã cũng đã nhiều lần vào nhà mời bà Thắm lên làm việc, chỉ có 1 lần bà chịu nhận giấy mời nhưng vẫn không hợp tác. Những lần mời sau đó họ đều có dấu hiệu tránh né không gặp”.

Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nhận xét: “Tình hình giữa hai gia đình này đang rất căng thẳng, cần phải có hướng xử lý dứt điểm. Không thể làm theo cách chờ cho gia đình ông Tiển thu hoạch xong vụ mùa mới giao đất cho ông Hân được. Bởi như nắm được “cách xử lý có phần thông cảm” này từ phía cơ quan chức năng, nên vợ chồng ông Tiển luôn không để đất ở không”.

Ông Hồ Văn Hân và bà Nguyễn Thị Hằng ngao ngán nói: “Gia đình tôi tưởng mua đất đấu giá từ cơ quan Nhà nước là an toàn nhất, không ngờ chẳng những tiền mất, thương tích mang, mà còn phát sinh nhiều chi phí trong suốt hành trình gần 10 năm đi “đòi” lại đất. Đó là chưa kể thiệt hại về giá trị sử dụng đất, bởi trong ngần ấy năm, dù là đất của vợ chồng tôi nhưng toàn bị người khác chiếm dụng sản xuất… Phải có cách nào đó chứ, chẳng lẽ bó tay?”.

Quốc Sơn

Từ khóa
Quốc Sơn