Kinh tế   Chuyện quản lý

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện quản lý

Không có chi phí bảo trì nào chịu nổi !

Cập nhật ngày: 27/05/2018 - 09:34

BTN - Một đại biểu kết luận, phải thẳng thắn nhìn nhận và quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế ngay từ cái gốc của vấn đề mới giải quyết hiệu quả bức xúc về thực trạng hạ tầng giao thông hiện nay. Chứ nếu chỉ giải quyết phần ngọn, chờ đường hư rồi sửa thì “không có chi phí bảo trì nào chịu nổi”.

Trong đợt khảo sát về thực trạng đầu tư, bảo trì, sửa chữa hạ tầng giao thông của Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh vừa qua, nhiều vấn đề bức xúc được phân tích, mổ xẻ. Tuy hầu hết đó là những tồn tại, hạn chế đã cũ nhưng cho đến nay, tỉnh vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Trước tiên là việc sửa chữa đường bị hư hỏng. Hiện nay, việc sửa chữa đường sá phải tuân thủ theo quy trình xây dựng cơ bản. Theo Sở Giao thông - Vận tải, quy trình thủ tục sửa chữa đường mất rất nhiều thời gian. Nếu chi phí sửa chữa đường có giá trị trên 500 triệu đồng phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Nếu từ 1 tỷ đồng trở lên phải tổ chức đấu thầu.

Thời gian thực hiện từ bước lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đến tổ chức đấu thầu, chọn thầu thi công phải mất khoảng... 4 tháng.  Ðây là một trong những lý do khiến cho nhiều tuyến đường hư phải “nằm chờ” mới đến lượt được tu bổ.

Một đại biểu HÐND huyện nọ thẳng thắn nói: Thực tế trong thời gian qua, công tác giặm vá đường kém hiệu quả và gây bức xúc trong nhân dân. Có những “ổ gà” thay vì được giặm vá ngay sẽ ít tốn kém thời gian và tiền bạc, ít gây tác động xấu đến kết cấu chung của đường, giảm được nguy cơ tai nạn giao thông nhưng lại để kéo dài từ “ổ gà” thành “ổ voi”.

Chưa hết, khi giặm vá, nhiều “ổ gà” được đơn vị thi công đào bới rồi để đó. Cho đến khi xảy ra tai nạn, dân bất bình phản ánh, đơn vị thi công mới vội vã đắp lại.

Một đại biểu khác cũng cho rằng thời gian qua, tỉnh ta đầu tư còn dàn trải trong lĩnh vực hạ tầng giao thông nên nhiều tuyến đường không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, cần “đầu tư đường nào ra đường đó” để tránh gây lãng phí do tốn kém kinh phí sửa chữa, nâng cấp.

Nhiều đại biểu cùng phản ánh thực trạng nhiều tuyến đường “vá trước hư sau”. Cụ thể là, lẽ ra, trên một số tuyến đường đang giặm vá hoặc vừa sửa chữa xong, ngành chức năng cần có biện pháp hạn chế phương tiện lưu thông, nhất là xe có tải trọng lớn để những chỗ vừa được tu bổ có thời gian “lành” lại.

Tuy nhiên, do không có giải pháp ngăn ngừa nên nhiều tuyến đường vừa được giặm vá, tu bổ đã nhanh chóng hư hỏng. Ðó là chưa kể tình trạng đơn vị thi công giặm vá “ẩu”, khiến mặt đường nhấp nhô, loang lổ, xấu xí.

Một đại biểu HÐND tỉnh cho rằng, “tỉnh cần có cơ chế nào đó”, như việc lập đội duy tu sửa chữa đường chẳng hạn để kịp thời sửa chữa ngay những hư hỏng phát sinh trên đường, không để “ổ gà” thành “ổ voi”, thậm chí dẫn đến hư hỏng nặng phải đầu tư làm lại.

Hoặc tỉnh có thể đề ra chủ trương thí điểm như tổ chức đấu thầu, giao cho một số đơn vị tư nhân có đủ điều kiện chịu trách nhiệm giặm vá, duy tu một số tuyến với chế tài ràng buộc cụ thể để nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa, giặm vá tức thì những chỗ hư trên đường.

Ngoài những nguyên nhân như chất lượng đường thấp, xe tải nặng lưu thông “cày xới”, việc giặm vá chậm chạp... còn có nguyên nhân khác khiến “tuổi thọ” của đường ngắn: ý thức bảo vệ đường của người dân. Ðó là việc người dân sử dụng vỉa hè, lề đường, lòng đường không đúng quy định.

Nhiều người để nước thải chảy ra đường hoặc xả thẳng ra đường khiến kết cấu mặt đường dễ bị phá vỡ... Tình trạng này cần được Thanh tra giao thông tăng cường xử lý theo quy định.

Một đại biểu kết luận, phải thẳng thắn nhìn nhận và quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế ngay từ cái gốc của vấn đề mới giải quyết hiệu quả bức xúc về thực trạng hạ tầng giao thông hiện nay. Chứ nếu chỉ giải quyết phần ngọn, chờ đường hư rồi sửa thì “không có chi phí bảo trì nào chịu nổi”.

THẢO DÂN