BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chống lạm thu trong trường học:

Không khả thi nếu không có sự chỉ đạo kiên quyết

Cập nhật ngày: 02/12/2016 - 02:32

Chỉ ít ngày nữa, kỳ họp cuối năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ khai mạc, và một trong những nội dung được cử tri quan tâm tại kỳ họp là chuyện tăng học phí. Việc điều chỉnh mức đóng học phí không phải được quyết định bởi cơ quan quyền lực địa phương, đây là quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, với quyết định điều chỉnh mức đóng học phí, khiến cho các chi phí mà người học phải đóng ngày càng cao. Vì thế, một điều cần làm là, nên chăng, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân có thể xem xét ban hành một nghị quyết để chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng lạm thu (có người nói là loạn thu) ngoài học phí trong nhà trường.

Cách nay hơn một tháng, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức đợt khảo sát về tình hình thu các khoản tiền trong nhà trường (Báo Tây Ninh đã đưa tin). Một trong những vấn đề nổi lên qua đợt khảo sát này là tình hình lạm thu vẫn chưa được chấm dứt. Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, người học chỉ phải đóng hai khoản tiền bắt buộc là học phí và lệ phí tuyển sinh. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, trong nhà trường (tuỳ từng cấp học, bậc học) đang tồn tại hàng chục khoản thu khác nhau.

Theo tính toán, khoản tiền học phí chỉ chiếm từ 5% đến dưới 10% so với tổng số tiền mà người học phải đóng cho nhà trường. Như vậy, các khoản thu ngoài quy định chiếm ít nhất là 90% “nghĩa vụ tài chính” đối với người học. Có thể chia các khoản thu ngoài bắt buộc thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những khoản thu “do cơ quan có thẩm quyền quy định”. Nhóm thứ hai, là do cơ sở giáo dục tự thu. Nói cho công bằng, không phải không có những khoản thu ngoài quy định (được cơ quan có thẩm quyền cho phép) là cần thiết và chính đáng.

Vì nếu không có những khoản thu này, cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục mầm non không thể hoạt động được, đặc biệt là những trường tổ chức bán trú. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngày càng có dấu hiệu cho thấy, tình hình thu ngoài quy định đang ngày càng lan rộng. “Cơ quan có thẩm quyền” cho phép thu các khoản ngoài quy định ở đây chính là Uỷ ban nhân dân các cấp. Nhưng, cho dù uỷ ban cấp nào thì cũng không thể ban hành các quy định trái với Luật Giáo dục – văn bản có tính pháp lý cao nhất đối với ngành Giáo dục. Người viết không tiện nhắc lại cụ thể các khoản thu ngoài quy định ở đây, nhưng rõ ràng đang có nhiều khoản thu để phục vụ cho một mục tiêu khác mà ngay cả nội bộ ngành giáo dục, thậm chí tại trường học cũng không muốn thu.

Một vấn đề đặt ra trong nhóm thu ngoài bắt buộc “do cơ quan có thẩm quyền quy định” là chuyện phân cấp quản lý giáo dục. Theo quy định hiện hành, bậc học mầm non, cấp tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý. Sở GD-ĐT, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về giáo dục của tỉnh lại gần như không can thiệp được, ngoại trừ chuyện chuyên môn. Đây là một trong những “hạn chế” về phân cấp quản lý bởi tính thiếu thống nhất giữa các huyện, thành phố với nhau.

Điều này giải thích vì sao, mặc dù Sở GD-ĐT, hồi đầu năm học này đã ban hành công văn hướng dẫn các khoản thu trong nhà trường, nhưng văn bản này hầu như không mấy tác dụng. Ngay trong những ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đợt khảo sát (đã nêu ở trên), trong giờ giải lao của một buổi làm việc, một vị lãnh đạo Sở GD-ĐT đã thẳng thắn bày tỏ với người viết: “Tôi biết rất rõ tình trạng lạm thu, nhất là khoản thu ngoài quy định tại các trường. Nhưng tôi, dù là lãnh đạo ngành Giáo dục vẫn không thể làm gì hơn, vì đã phân cấp cho Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý. Đúng ra, ngoài những khoản thu bắt buộc theo Luật Giáo dục thì những khoản thu ngoài quy định chỉ có Sở GD-ĐT hướng dẫn, ban hành mới đúng chức năng. Chuyện thu các khoản tiền ngoài quy định, chủ tịch, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có biết không? Biết chứ! Người đứng đầu chính quyền không cho phép thu, hiệu trưởng nào dám làm việc đó”?

Nhóm thứ hai thực hiện các khoản thu ngoài bắt buộc chính là cơ sở giáo dục. Có thể nói, hiện nay hiếm có trường học nào lại không xảy ra chuyện này. Nhà trường đã tự đặt các khoản thu mà gần như không có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ xin đơn cử, hiện có rất, rất nhiều trường cho giáo viên chủ nhiệm thu “tiền quỹ lớp”. Khoản thu này diễn ra phổ biến tại các trường bán trú, nhất là trường ở đô thị, kể cả các thị trấn vùng nông thôn. Điều đáng nói ở đây là, nhà trường tự đặt ra các khoản thu rồi giao cho giáo viên chủ nhiệm thu, nhưng vì sợ trách nhiệm nên giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp đứng ra thu tiền, mà giao công việc này cho lớp trưởng, thủ quỹ lớp. Tuy nhiên, các “cán bộ lớp” không được quản lý quỹ này, mà thu xong thì gom lại nộp cho thầy cô giáo. Tại nhiều trường tiểu học bán trú, mức thu quỹ lớp đối với mỗi học sinh lên đến hai trăm ngàn đồng. Mỗi lớp thường dao động từ 35 – 40 học sinh, gần như không mấy người biết số tiền thu được dùng vào việc gì. Bởi vì kinh phí khen thưởng cho học sinh cuối năm học đã có quỹ Hội phụ huynh và vô số khoản “tự nguyện” khác.

Tình trạng “loạn thu” trong trường học không phải là điều gì mới mẻ, khiến chi phí cho việc học nhiều năm qua không ngừng tăng. Tuy nhiên, “cái mất” lớn nhất ở đây từ việc “loạn” này không hẳn là về kinh tế mà chính là niềm tin và sự tôn trọng của xã hội đối với ngành Giáo dục. Giáo dục, với tư cách là “nhà cung cấp dịch vụ” đã và đang gây mất niềm tin ở chính “khách hàng” của mình. Một trong những căn nguyên dẫn đến tình trạng “xói mòn niềm tin” chính là tình trạng thu các khoản tiền ngoài quy định, thậm chí có dấu hiệu trái pháp luật. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng hầu như chưa thấy biện pháp nào ngăn chặn có hiệu quả. Để khắc phục và tiến đến chấm dứt nạn “loạn thu”, nên chăng, tại kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một nghị quyết yêu cầu Uỷ ban nhân dân các cấp và ngành giáo dục chấm dứt ngay tình trạng lạm thu trong nhà trường.

Đ.V.T