BAOTAYNINH.VN trên Google News

Không là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ 

Cập nhật ngày: 20/11/2017 - 15:09

BTN - Ðối với học sinh trong trường, cô có một tình cảm đặc biệt, coi chúng như những đứa con của mình. Bởi lẽ, cô cũng từng trải qua tuổi thơ đầy mặc cảm do thân thể bị khuyết tật.

Cô Hà chuẩn bị bữa ăn cho các em.

Ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường đều rất quý mến cô Nguyễn Thị Ngân Hà. Cô giáo Hà sinh năm 1975, đảm nhiệm vai trò bảo mẫu tại trường trong suốt 6 năm qua. Dáng người nhỏ nhắn, cô Hà có vẻ ngoài trẻ trung hơn so với cái tuổi 42 của mình. Ðối với học sinh trong trường, cô có một tình cảm đặc biệt, coi chúng như những đứa con của mình. Bởi lẽ, cô cũng từng trải qua tuổi thơ đầy mặc cảm do thân thể bị khuyết tật.

Từ khi mới chào đời, cô Hà đã bị khuyết tật cơ thể, tay phải của cô bị khèo, không phát triển và rất yếu. Hầu hết mọi sinh hoạt cá nhân, cô đều phải dùng tay trái. Những khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt chẳng là gì so với nỗi mặc cảm về cơ thể mà cô Hà phải trải qua từ khi còn nhỏ. Thời đó, chưa có trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, nên tới tuổi đi học, cô Hà học cùng trường với những bạn bè bình thường khác.

Chính điều đó càng làm cho cô thêm mặc cảm, nhất là những lúc bị bạn bè trêu ghẹo, xa lánh. Lớn lên, khi biết trong tỉnh có ngôi trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, cô đã nảy sinh ước muốn được gắn bó lâu dài với mái trường này. Cô bộc bạch: “Mỗi đứa trẻ ở trường có một khuyết tật riêng, các em thật may mắn khi còn có một ngôi trường đặc biệt dành riêng cho mình. Ở đây, các em được học, được chơi, được yêu thương, chăm sóc mà không cần phải mặc cảm với những đứa trẻ bình thường khác”.

Lúc trẻ, do gia cảnh khó khăn, cô Hà không được học hành đến nơi đến chốn, phải nghỉ học từ năm lớp 9 để phụ giúp gia đình. Nghỉ được một thời gian, cô gái trẻ quyết tâm quay lại trường với suy nghĩ học tập là việc chưa bao giờ muộn. Năm 2001, cô Hà được xét tuyển vào ngành thú y của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh.

Sau hơn 4 năm vừa học văn hoá vừa học nghề, năm 2005, cô Hà vui mừng với tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Cô theo nghề thú y được một thời gian. Ðến năm 2011, tình cờ cô biết đến Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh và xin vào đây làm cho đến bây giờ. Hiện tại, cô vẫn đang làm ở đây theo chế độ hợp đồng lao động công việc. Mức lương dành cho vị trí bảo mẫu của cô chỉ hơn 2 triệu đồng. Dù vậy, cô vẫn chấp nhận và xem ngôi trường này như ngôi nhà thứ hai của mình. Do đồng lương ít ỏi, cô phải làm thêm công việc bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.

Công việc của cô Hà chủ yếu là chăm sóc các em học sinh ngoài giờ lên lớp, từ việc chuẩn bị cho các em ăn uống đến việc chuẩn bị chỗ ngủ, tắm rửa... Mỗi tuần, cô trực đêm tại trường 2 ngày. So với người bình thường, công việc hằng ngày của cô ở trường có phần khó khăn hơn do một tay bị khuyết tật. Thế nhưng nhìn cô thoăn thoắt chuẩn bị bữa ăn rồi đút cơm cho các em nhỏ, ai cũng phải nể phục. Với cô, công việc chăm sóc các em học sinh ở trường là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhìn các em nhõng nhẽo với cô Hà, mới thấy rõ tình cảm quyến luyến của các em đối với cô như thế nào.

Trường Dạy trẻ khuyết tật là nơi tập hợp những đứa trẻ khiếm khuyết về thể chất, đòi hỏi những người làm công tác giảng dạy, chăm sóc phải thấu hiểu tâm lý các em để có phương pháp phù hợp. Chính vì lẽ đó, năm 2015, cô Hà tiếp tục đăng ký học lớp trung cấp ngành Giáo dục mầm non tại Trường trung cấp Tân Bách Khoa (TP. Tây Ninh).

Mong muốn của cô khi tham gia lớp học là trau dồi thêm kiến thức chăm sóc trẻ, nhất là cách tiếp xúc, nắm bắt tâm lý trẻ để làm tốt vai trò bảo mẫu của mình. Ðã ở cái tuổi 40, cô Hà vẫn không ngại cắp sách đến trường chỉ để có thêm kiến thức về công việc mà mình yêu thích.

Vừa học vừa làm, quỹ thời gian của cô gần như bị lấp kín. Cô bảo mình may mắn vì được sự giúp đỡ, tạo điều kiện hết mình của ban giám hiệu và các cán bộ, giáo viên trong trường. Ðó cũng là niềm động lực để cô tiếp tục theo đuổi công việc mà mình đã chọn.

Cuối tháng 10 vừa qua, sau hai năm học, cô Hà đã nhận tấm bằng tốt nghiệp trung cấp ngành Giáo dục mầm non loại giỏi. Mới đây, cô cũng lấy được bằng B tiếng Anh sau 3 tháng theo học.

Thầy Võ Thiết Thạch- hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật cho biết: cô Hà là người sống rất tình cảm với học sinh và luôn nhiệt tình, hoà đồng với đồng nghiệp. Thầy Thạch là người tạo điều kiện để cô Hà làm việc ở trường, nhưng điều quan trọng nhất chính là bản thân cô đã biết tự vượt qua cảnh ngộ bản thân. Nói về dự định tương lai của mình, cô Hà chẳng ngần ngại khẳng định: “Hiện tại và tương lai tôi đều chọn gắn bó với mái trường này. Tôi chỉ hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội được tuyển dụng chính thức để cải thiện mức thu nhập của mình”.

THUỲ Dương