Trong buổi làm việc chiều 6.5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe
và cho ý kiến vào việc sửa đổi Nghị quyết 66 ngày 29.6.2006 của Quốc hội về
dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương
đầu tư.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí về sự cần
thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66 ngày 29.6.2006 của Quốc hội, để
phù hợp với tình hình mới và đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử
dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị
cần có đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua để có cơ sở
cho việc sửa đổi, bổ sung.
 |
Một số đại biểu tán
thành điều chỉnh nâng quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng lên
35.000 tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước. |
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành 2
Nghị quyết mới về 2 loại dự án - công trình quan trọng đầu tư trong nước và
đầu tư ra nước ngoài, để thay thế Nghị quyết 66. Tuy nhiên, đề nghị này
không nhận được sự đồng tình của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng: “Uỷ ban Kinh tế
của Quốc hội đề nghị chỉ ban hành 1 Nghị quyết áp dụng cho cả 2 loại dự án,
công trình”. Vì theo ông Hiền, hầu hết các điều trong 2 dự tháo Nghị quyết
đều có nội dung tương tự.
Nghị quyết chung sẽ quy định tiêu chí cụ thể đối với từng dự
án-công trình đầu tư trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, với dự án-công
trình đầu tư ra nước ngoài thì không nên gọi là “quan trọng quốc gia” vì
tính chất quan trọng quốc gia do pháp luật nước sở tại quy định.
Về các tiêu chí, một số đại biểu tán thành điều chỉnh nâng
quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng đối với dự án đầu tư
trong nước. Các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi này phù hợp với sự phát
triển của nền kinh tế, quy mô các dự án đầu tư càng ngày lớn và có tính đến
yếu tố trượt giá.
Về quy mô vốn đối với dự án, công trình quan trọng đầu tư đầu
tư ra nước ngoài, các đại biểu đề nghị quy định mức vốn phải trình Quốc hội
của các dự án này cần thấp hơn mức vốn của các dự án, công trình đầu tư
trong nước.
Về tỷ trọng vốn Nhà nước trong vốn đầu tư của dự án-công
trình, ý kiến chung là đồng tình với quy định như dự thảo Nghị quyết, là từ
30% vốn Nhà nước trở lên tổng vốn đầu tư dự án, công trình.
Ngoài ra, theo một số đại biểu, Nghị quyết cần bổ sung tiêu
chí các dự án, công trình sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở nên với
quy mô lớn, vì thực tế có nhiều dự án sử dụng nhiều diện tích đất trồng lúa,
tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng dự án và bảo đảm an ninh
lương thực.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, đất nông
nghiệp rất quan trọng, nhưng diện tích lại đang ngày càng thu hẹp. Bởi vậy,
cần có quy định để phù hợp với quy định giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an
ninh lương thực.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình bổ sung quy định cụ thể
hơn trường hợp dự án, công trình kéo dài thời gian từ 1 năm trở lên phải báo
cáo Quốc hội.
(Theo VOV News)