BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp liên kết vùng Đông Nam Bộ 

Cập nhật ngày: 27/10/2017 - 22:42

BTNO - Trong 2 ngày 25-26.10, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ, đồng thời giao ban ngành KH&CN các địa phương trong vùng.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Theo Bộ KH&CN, hoạt động khởi nghiệp tại Đông Nam Bộ bắt đầu phát triển nhưng chưa có sự đồng đều giữa các địa phương. Do đó, cần kiến tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho khu vực nhằm tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố.

Theo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ KH&CN), hiện Đông Nam Bộ có 8 vườn ươm khởi nghiệp, 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 16 khu làm việc tập trung.

Được xem là trung tâm phát triển phong trào khởi nghiệp của khu vực, TP.HCM đã đào tạo phát triển ý tưởng kinh doanh, đánh giá sản phẩm khởi nghiệp cho hơn 1.500 cá nhân và nhóm; kết nối trên 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước); hỗ trợ đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn.

Tuy nhiên, đại diện các địa phương đánh giá, nhiều đơn vị chưa thực sự hiểu rõ bản chất của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên các hoạt động còn mang tính lồng ghép, chưa thật sự có tác động lớn đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, thông tin về thị trường.

Chia sẻ những khó khăn tại địa phương, ông Mai Thanh Quang- Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, số lượng đơn vị tham gia các hoạt động, sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nhiều, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cộng đồng; hệ sinh thái chưa hình thành đầy đủ dẫn tới khó khăn trong thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...

Ở góc độ liên kết vùng, hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh trong khu vực cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại các địa phương, Giám đốc Sở KHCN Bình Dương Nguyễn Quốc Cường cho rằng, cơ chế đối tác công tư trong hỗ trợ các tổ chức, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần được chú trọng bởi hiệu quả xã hội trong giai đoạn đầu hơn là lợi ích kinh tế.

Cơ chế này trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo mô hình ba nhà (nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học) cũng như hỗ trợ cho các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ cần được thực hiện thí điểm để đánh giá trước khi triển khai mở rộng.

Các đại biểu đánh giá, hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được chú ý, nhất là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phù hợp với sản xuất và chế biến sản phẩm trong vùng.

Hoạt động liên kết còn mang tính hình thức, chưa có cơ quan điều phối quản lý, chưa gắn kết và thiếu cơ chế chỉ đạo, chia sẻ đồng bộ làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi.

Nhằm phát huy tiềm lực KH&CN trong vùng Đông Nam Bộ, các địa phương cũng nhấn mạnh đến yếu tố khởi nghiệp, trong đó thành lập ban điều phối chung để xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trong vùng...

Hoàng Thi