BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sai phạm hàng tỷ đồng ở Trường THCS thị trấn Tân Biên

Kỳ 2: UBND huyện Tân Biên chính thức đề nghị Công an vào cuộc 

Cập nhật ngày: 07/04/2017 - 15:37

BTNO - Người phải chịu trách nhiệm lớn trong vụ việc tiêu cực ở Trường THCS thị trấn Tân Biên là ông Đỗ Ngọc Hiền (người có thời gian khá dài làm Hiệu trưởng trước khi được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Hiệp). UBND huyện Tân Biên đã chính thức đề nghị Công an điều tra ông Hiền về tội tham ô tài sản.

Trường THCS thị trấn Tân Biên.

CÓ DẤU HIỆU THAM Ô TÀI SẢN

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của ông Đỗ Ngọc Hiền. Cụ thể, ông Hiền phân công kế toán vừa kiểm soát, thống kê cùi biên lai vừa trực tiếp tham gia thu tiền là sai quy định. Ông Hiền đã buông lỏng trong công tác quản lý để xảy ra các sai phạm. “Không kịp thời mua cùi biên lai học phí để thu, kế toán hướng dẫn người thu ghi sang ngày đầu tháng sau đối với các khoản thu từ ngày 25 đến cuối tháng trước.

Năm học 2014 – 2015, bà Nguyễn Thị Kim Liên (giáo viên được giao thu tiền) không giao cho người nộp tiền 338 biên lai thu học phí (liên 2), năm 2016 – 2017, bà Nguyễn Thị Quỳnh chỉnh sửa ngày thu trên 26 biên lai; năm học 2015-2016, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh không nộp số tiền 7.060.000 đồng, chậm nộp số tiền đã thu hơn 49 triệu đồng (làm tròn)… tại đơn vị mà hiệu trưởng không biết là thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính của trường” - kết luận thanh tra nêu.

Với cương vị, vai trò hiệu trưởng, ông Hiền không đôn đốc nộp kịp thời số tiền BHYT đã thu của học sinh từ đầu năm học đến tháng 12.2014 hơn 27 triệu đồng (làm tròn) về Bảo hiểm xã hội huyện, qua tháng 1.2015 mới nộp dẫn đến bị thu theo bảng giá năm thực nộp, số tiền chênh lệch tăng hơn 13 triệu đồng.

Ông Đỗ Ngọc Hiền đã không làm rõ trách nhiệm của cá nhân việc chậm nộp để xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, mà lấy tiền của nhà trường để nộp chênh lệch cho Bảo hiểm xã hội là sai quy định. Đáng nói hơn, ông Hiền đã buông lỏng quản lý để cho thủ quỹ là bà Trần Thị Lộc chiếm giữ hơn 171 triệu đồng học phí, không có chứng từ chi kèm theo (tháng 2.2015).

Do thực hiện thu - chi không bảo đảm nguyên tắc tài chính, giữa hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ không thống nhất số liệu, nên khi chuyển công tác, ông Hiền đã không thể bàn giao tài chính với hiệu trưởng mới, dẫn đến việc chậm nộp số tiền BHYT hơn 246 triệu đồng. Năm học 2015-2016, ông Hiền kê dạy thừa giờ 36 tiết là không trung thực (thực tế ông chỉ dạy 22 tiết). Việc dạy thay cho các giáo viên khác, ông Hiền thực hiện không theo quy định (không qua tổ trưởng tổ chuyên môn, hiệu phó phụ trách chuyên môn để sắp xếp lịch dạy thay nên không thể hiện trong sổ theo dõi dạy bù, dạy thay của trường).

Trong giai đoạn làm hiệu trưởng, ông Đỗ Ngọc Hiền luôn “trung thành” theo cách làm của người tiền nhiệm bằng cách cấn trừ các khoản của các cá nhân qua lương, chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của thủ quỹ và giáo viên phụ trách công đoàn, cấp uỷ chi bộ.

Vậy mà đến tháng 7.2015, ông Hiền lại thực hiện trừ các khoản vay của Ngân hàng Quân đội qua lương chuyển khoản vào tài khoản cá nhân kế toán, dẫn đến kế toán lợi dụng cơ hội tăng số tiền và số lần vi phạm. Khi ký duyệt các bảng lương, bảng chuyển khoản qua ngân hàng, bảng trừ các khoản hằng tháng do ông Hiền tin tưởng không kiểm tra kế toán nên không phát hiện sai phạm, để cho kế toán và 2 thủ quỹ hưởng sai số tiền hơn 101 triệu đồng.

Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, khi để xảy ra tham nhũng, ông Đỗ Ngọc Hiền vi phạm mức độ “thiếu tinh thần trách nhiệm” theo Khoản 1, Điều 54 Luật Phòng, chống tham nhũng - kết luận thanh tra chỉ rõ. Liên quan đến quỹ phúc lợi (căn-tin, xe đạp, quầy văn phòng phẩm), đoàn thanh tra kết luận: Hiệu trưởng thực hiện các khoản chi của năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016 sai quy định tổng số tiền hơn 74 triệu đồng; chi khoán công tác phí năm 2015 cho ban giám hiệu, thủ quỹ và kế toán tổng số tiền 5.800.000 đồng không có quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ là sai (trong đó, cá nhân ông Hiền được hưởng 2.400.000 đồng).

Đối với quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, việc nhà trường không có kế hoạch sử dụng kinh phí là sai quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, “Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến”. Việc thu hội phí 100.000đ/học sinh/năm cũng sai quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT: “…Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh…”.

Tính ra, Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Hiền đã thực hiện các khoản chi trong 3 năm học sai quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT tổng số tiền hơn 172 triệu đồng (làm tròn số). Về quỹ VNPT, Hiệu trưởng thực hiện các khoản chi năm học 2013-2014, 2015-2016 sai quy định tổng số tiền hơn 27 triệu đồng.

Một trong những sai phạm lớn của ông Hiền mà đoàn thanh tra chỉ ra là khoản tiền chi cho giáo viên dạy buổi thứ hai (còn gọi là tăng tiết). Theo đó, Hiệu trưởng đã thực hiện chi không đúng định mức theo Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh.

Cụ thể là chi chưa đủ 80% cho giáo viên trực tiếp dạy (tăng tiết); chia tỷ lệ % cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác quản lý chưa có sự bàn bạc, thống nhất. Việc nhà trường dùng nguồn thu từ hoạt động dạy tăng tiết để mua lục bình trang trí phòng hội đồng, mua cá, thuê mai tết nguyên đán, mua văn phòng phẩm… của năm học 2013-2014,  2014-2015, 2015-2016 cũng sai quy định theo Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tổng số tiền chi sai quy định là hơn 830 triệu đồng. Tính ra trong ba năm học, 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016, Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Hiền chỉ đạo và trực tiếp chi sai quy định các quỹ ngoài ngân sách tổng số tiền hơn 1 tỷ 327 triệu đồng, trong đó chi sai quy định có dấu hiệu tội phạm “tham ô tài sản” theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 với số tiền hơn 1 tỷ 151 triệu  đồng, gồm các khoản chi không có chứng từ gần 1 tỷ 128 triệu đồng, chi không đúng thực tế hơn 23,9 triệu đồng.

Ngoài chuyện thu, chi tài chính, khi đoàn thanh tra làm việc tại Trường THCS thị trấn Tân Biên, có một tin báo cho biết, trong thời gian làm hiệu trưởng, ông Đỗ Ngọc Hiền còn lấy vật liệu xây dựng thừa của trường đem về nhà riêng 3,5 khối cát và 2 bao xi măng (ông Hiền đã thừa nhận có đem vật liệu còn thừa ở trường về nhà riêng). Đồng thời ông Hiền cũng còn giữ số tiền ngân hàng trích hoa hồng cho trường vì nhà trường ký bảo lãnh các khoản vay của giáo viên. Số tiền được trích từ hai ngân hàng chỉ hơn ba triệu đồng, ông Hiền cũng chưa chi cho những người trực tiếp được hưởng.

CÔNG AN ĐIỀU TRA BA TRƯỜNG HỢP

Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, thái độ,

trách nhiệm của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, kết luận thanh tra của UBND huyện Tân Biên đã quyết định xử lý những cá nhân có liên quan. Trong số đó, có ba trường hợp phải chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm của các cá nhân. Cụ thể như sau:

Đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Anh- kế toán Trường THCS thị trấn Tân Biên đã làm sai, gây thất thoát ngân sách Nhà nước tổng số tiền 135.975.788 đồng.  Trong đó, cá nhân bà trực tiếp cố ý hưởng sai 129.721.650 đồng, có dấu hiệu phạm tội theo khoản 4, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”; trực tiếp thu tiền học phí và các khoản khác của trường năm học 2015-2016 số tiền 7.060.000 đồng không nộp vào nhà trường là có dấu hiệu tội phạm theo Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 “tham ô tài sản”.      

Đối với bà Trần Thị Lộc- giáo viên Trường THCS thị trấn Tân Biên, nguyên thủ quỹ đã chiếm giữ số tiền mặt từ nguồn học phí tại thời điểm tháng 2.2015 là 171.141.499 đồng. Bà Lộc đã nộp lại 146.454.000 đồng, hiện nay còn chiếm giữ 24.687.499 đồng là có dấu hiệu tội phạm “tham ô tài sản” theo Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, bà Lộc có thái độ không hợp tác, không cầu thị tiếp thu sai phạm mà đổ lỗi cho chủ tài khoản và kế toán. Bà Lộc cũng không thừa nhận chiếm giữ số tiền nêu trên, không cung cấp được số quỹ tiền mặt và tài liệu, chứng từ để chứng minh cho việc đã chi số tiền này. Do đó, đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với ông Đỗ Ngọc Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên, kết luận thanh tra chỉ rõ: Ông Hiền đã chỉ đạo và trực tiếp chi sai quy định các quỹ ngoài ngân sách năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016 tổng số tiền 1.151.882.231 đồng, trong đó chi không có chứng từ 1.127.953.231 đồng, chi không đúng thực tế số tiền chênh lệch 23.929.000 đồng so với số tiền thực chi, có dấu hiệu tội phạm “tham ô tài sản” theo Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Do đó, đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ dấu hiệu tội phạm tham ô vụ lợi cá nhân của các khoản chi trên để xử lý theo quy định pháp luật.

UBND huyện giao Phòng Nội vụ tham mưu thành lập hội đồng xử lý kỷ luật đối với ông Đỗ Ngọc Hiền – Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn và bà Nguyễn Thị Hoàng Anh – kế toán Trường THCS Thị trấn theo đúng quy định (sau khi có quyết định khởi tố hoặc không khởi tố bị can của cơ quan điều tra). UBND huyện cũng giao Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm theo quy định đối với những người có liên quan.

Phòng GD-ĐT chủ trì cùng với ban giám hiệu Trường THCS thị trấn Tân Biên và ông Đỗ Ngọc Hiền- nguyên Hiệu trưởng trước đây của trường có biện pháp quy trách nhiệm các cá nhân có liên quan để thu hồi số tiền 13.765.500 đồng nộp trả lại quỹ của trường.

Vụ việc xảy ra ở Trường THCS thị trấn Tân Biên là một điều đáng tiếc. Với những sai phạm mà đoàn thanh tra đã nêu ra, không loại trừ khả năng ba cá nhân (gồm hiệu trưởng, giáo viên và kế toán) sẽ đối mặt với pháp luật.

VIỆT ĐÔNG

Vụ tiêu cực tại Trường THCS thị trấn Tân Biên còn liên quan đến ông Phan Thanh Chương, hiện giữ chức hiệu trưởng trường này. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho rằng, ông Chương mới nhận nhiệm vụ hiệu trưởng từ tháng 9.2016. Từ ngày 7.11.2016 đến 18.1.2017, ông Chương đi học lớp “bồi dưỡng cán bộ quản lý”. Ông Chương có kiểm tra nhưng do không có chuyên môn nghiệp vụ nên không phát hiện được việc làm sai trái của kế toán. Mặt khác, kế toán thừa nhận cố ý làm sai để cá nhân mình được hưởng lợi, không thông đồng với hiệu trưởng Phan Thanh Chương. Vì vậy, không xử lý kỷ luật nhưng phải kiểm điểm theo đúng quy định.

 

Tin liên quan