BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc !

Kỳ 3: Ai là người điều hành hoạt động Công ty Việt Dương? 

Cập nhật ngày: 19/01/2017 - 05:51

BTNO - Mọi hoạt động của Công ty Việt Dương đều do ông Việt điều hành, chỉ đạo nhân viên làm việc, chứ không phải là ông Hùng hay ông Tùng nào cả.

Trước đây, Báo Tây Ninh có đưa tin về việc ông Đặng Thanh Việt bị Sở Tài nguyên & Môi trường ra quyết định buộc thôi việc, trong tin có nêu chi tiết ông Việt đang là viên chức Nhà nước, chức danh Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lại tham gia điều hành hoạt động Công ty Việt Dương. 

Sau đó, ông Việt hai lần gửi đơn khiếu nại đến Báo Tây Ninh, trong đơn có đoạn: “Đó là thông tin không đúng sự thật, đề nghị phóng viên chứng minh việc tôi tham gia điều hành, lãnh đạo cụ thể như thế nào? Tôi không phải là thành viên Công ty Việt Dương, lấy tư cách gì để lãnh đạo doanh nghiệp theo quy định pháp luật doanh nghiệp?”.

Biên nhận nguyên viên chức Đặng Thanh Việt nộp hồ sơ thay đổi đăng ký tên Công ty Việt Dương.

VIÊN CHỨC “GIẤU MẶT” ĐIỀU HÀNH CÔNG TY

Có lẽ trước khi đặt câu hỏi này với cơ quan báo chí, cũng như khi thực hiện “điều khiển từ xa” hoạt động Công ty Việt Dương do người anh ruột Đặng Thanh Tùng đứng tên làm giám đốc, ông Việt quá hiểu rằng, ông không được phép tham gia điều hành công ty vì bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật đối với viên chức Nhà nước.

Bởi vậy, từ khi dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có chủ trương cho Công ty Việt Dương hợp tác với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà), ông Việt đã chủ động sử dụng tên Tuấn trong giao dịch với các đối tác. Ông Việt không chỉ dùng tên Tuấn để lừa gạt ông Tĩnh mà còn sử dụng danh xưng này để giao dịch với đối tác khác. Về hành vi này, đến ngay cả những người làm việc cho ông Việt lúc đó cũng không thể hiểu được vì sao.

Ông Ngô Tấn Đức (sinh 1963, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) - nhân viên Công ty Việt Dương cho biết, ông và ông Đặng Văn Sương (cha ông Việt) là bạn với nhau. Năm 2013, ông Đức bắt đầu làm việc cho Công ty Việt Dương, lúc này giám đốc là ông Đặng Thanh Hùng (sau này là ông Đặng Thanh Tùng) để thực hiện dự án trồng rừng, nhưng thực chất người trực tiếp điều hành công ty là ông Việt.

Mọi hoạt động của Công ty Việt Dương đều do ông Việt điều hành, chỉ đạo nhân viên làm việc, chứ không phải là ông Hùng hay ông Tùng nào cả. Những ngày đầu làm việc, ông Việt không trả lương cho ông Đức mà chỉ “phụ tiền xăng” 3 triệu đồng/tháng, đưa trực tiếp bằng tiền mặt từ tháng 7.2014 đến 1.2015.

(Đối với ông Dương Văn Hiền, người làm nhiệm vụ “quản gia” văn phòng Công ty Việt Dương mà chúng tôi đã đề cập trong số báo trước, ông Việt còn trả lương kém hơn, chỉ 2 triệu đồng/tháng), kèm lời hứa sẽ giao vườn ươm cho ông Đức để sau này ông cung cấp cây giống cho dự án trồng rừng.

Là người sát cánh bên ông Việt trong suốt quá trình thực hiện dự án, ông Đức cùng ông Việt đi Hà Nội, Bình Dương rất nhiều lần. Ông Đức nhớ rất rõ, ông đi Hà Nội với ông Việt tất cả là 8 lần (từ năm 2013 – 2015) với mục đích là đến Bộ NN&PTNT xin chủ trương thực hiện dự án. Thời gian đi Hà Nội, thông thường từ thứ năm hoặc thứ sáu, đến chủ nhật hoặc thứ hai về.

Đồng thời, ông Đức, ông Hiền cùng ông Việt ra vào liên hệ với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà rất nhiều lần vào các ngày làm việc trong tuần, buổi sáng từ 9 giờ (đến trưa về), buổi chiều từ 15 giờ (đến hết giờ hành chính về), nội dung bàn về thực hiện dự án trồng rừng trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng.

Ông Đức cũng cho biết, rất nhiều lần ông cùng ông Việt đến Bình Dương gặp bà Đỗ Thị Xuân Hồng (DNTN ở Bình Dương); đến các xã Tân Phú, Tân Hưng, Thạnh Đông, Suối Dây, Suối Ngô, Thị trấn, Tân Thành, Tân Hoà (Tân Châu) và xã Suối Đá, Phước Minh (Dương Minh Châu) vào các ngày làm việc trong tuần để liên hệ triển khai dự án trồng rừng. Khi đi ra Hà Nội để liên hệ với Bộ NN&PTNT hay đến Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà, ông Việt đều xưng tên Tuấn và nói ông làm việc tại Công ty Việt Dương, giấu biến tung tích của mình là viên chức Nhà nước tại Trung tâm PTQĐ thuộc Sở TN&MT Tây Ninh.

Trong khi đó, tại cơ quan công tác của mình, ngoài việc thường xuyên gọi điện thoại, sử dụng địa chỉ e-mail để trao đổi công việc, ông Việt còn kêu ông Đức đến phòng làm việc của mình tại Trung tâm PTQĐ để chỉ đạo công việc liên quan đến dự án trồng rừng, bất kể sự có mặt của cán bộ, nhân viên của trung tâm, ông Việt cũng chẳng ngại ngần.

Ông Dương Văn Hiền cũng xác nhận, mọi giao dịch liên hệ công tác với các đơn vị có liên quan đến Công ty Việt Dương, ông Việt đều tự nhận là đại diện Công ty Việt Dương. Ông Hiền khẳng định, ông Việt là người trực tiếp chỉ đạo ông làm việc, chứ không có bất cứ sự chỉ đạo nào từ ông Tùng, cũng như ông Hiền chưa bao giờ thấy ông Tùng đến văn phòng Công ty Việt Dương.

Ông Hiền là người trực tiếp lái xe của ông Việt chở ông Việt, ông Đức đến Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà, và ông Hiền rất ngạc nhiên khi thấy mỗi lần đến gặp ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà, ông Việt đều xưng tên là Tuấn. Thấy lạ, ông Hiền có hỏi nhưng chưa dứt câu thì ông Việt ngắt lời không cho nói và không cho biết lý do. Cả ông Hiền, ông Đức đều cho biết, mặc dù trên danh nghĩa ông Tùng là người đứng tên giám đốc Công ty Việt Dương, nhưng thực chất ông Việt mới là “ông chủ” của Công ty Việt Dương.

Trở lại chuyện lọc lừa, tráo trở trong công việc làm ăn của ông Đặng Thanh Việt, ngoài chuyện quỵt tiền công hợp đồng dịch vụ làm thủ tục dự án của ông Nguyễn Văn Tĩnh, trong quá trình thực hiện dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, ông Việt còn quỵt tiền công của ông Bùi Văn Đàm, Giám đốc Công ty TNHH Đo đạc và bản đồ Nguyên Phương khi công ty của ông thực hiện đo đạc đất bán ngập hồ Dầu Tiếng.

Ông Đàm cho biết, ông Việt gửi e-mail đề nghị Công ty Nguyên Phương đo đạc khu vực đất dự án trồng rừng, về giá cả tiền công đo địa hình đất bán ngập tại huyện Dương Minh Châu và Tân Châu là 650.000đ/ha; đo hiện trạng đất ở các xã Tân Hoà, Tân Thành, Suối Ngô (Tân Châu), xã Suối Đá, Phước Minh (Dương Minh Châu) là 350.000 đồng/ha.

Khi công ty ông Đàm tiến hành thực hiện đo đạc, Công ty Việt Dương có chuyển khoản cho ông Đàm 1 tỷ đồng (tương đương 15 – 20% giá trị thoả thuận) nhưng khi ông Đàm thực hiện được 50% công việc ở xã Suối Đá, xã Phước Minh thì ông Việt không thanh toán tiếp.

Ông Đàm nhiều lần đến Trung tâm PTQĐ và gọi điện thoại yêu cầu thanh toán số tiền chưa trả nhưng ông Việt chỉ hứa mà không thực hiện. Sau đó, ông Đàm có nhận được giấy mời do ông Đặng Thanh Tùng ký tên, mời ông đến Công ty Việt Dương để bàn về việc đo đạc vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, nhưng ông Đàm không đến với lý do, ông không biết ông Tùng là ai. Được biết, đối với trường hợp của ông Tĩnh, khi ông có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, ông cũng nhận được thư mời do ông Tùng ký tên với nội dung giải quyết công việc (!?) nhưng ông Tĩnh cũng không đến. Bởi vì, lúc này ông Tĩnh đã ngộ ra, đó chẳng qua là “chiêu trò” của ông Việt, vì ông đã một lần “mặt đối mặt” với ông Việt tại văn phòng của Giám đốc Sở TN & MT đòi nợ nhưng ông Việt vẫn “đánh bài lờ”, không trả.

Sự “biến hoá, xảo quyệt” của viên chức giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đặng Thanh Việt trong điều hành Công ty Việt Dương không chỉ thể hiện ở việc lập lờ tên tuổi (với cái tên Tuấn không có trong hồ sơ lý lịch đảng viên, viên chức hoặc đăng ký hộ tịch tại địa phương) để tiếp xúc với những đối tác làm ăn “ngoài luồng”, mà còn cả trong việc làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Quá trình tìm hiểu chúng tôi phát hiện, vào ngày 18.4.2014, ông Việt đã đến Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư nộp hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho Công ty Việt Dương và ký tên Đặng Thanh Việt vào biên nhận.

Đáng chú ý là hồ sơ thay đổi lần này xuất hiện một kế toán mang tên Đặng Thanh Tuấn có số điện thoại 0983789210, nhưng khi phóng viên liên hệ số này và hỏi: Có phải số của anh Tuấn - kế toán Công ty Việt Dương không ạ? thì được nghe trả lời: “Gọi nhầm số rồi anh ơi!”.

Trong khi trước đó, lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty Việt Dương vào ngày 14.10.2013, người nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch & Đầu tư là ông Phạm Mạnh Tiến, một chuyên viên thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, được ghi trong hồ sơ là kế toán trưởng của Công ty Việt Dương (?!).

TIỀN GÓP VỐN CỦA BÀ HỒNG CHUYỂN CHO ÔNG TÙNG “ĐI ĐÂU”?

Quá trình thực hiện dự án trồng rừng bán ngập, Giám đốc công ty, bà Đỗ Thị Xuân Hồng đã nghiêm túc thực hiện việc góp vốn vượt mức góp đợt 1 với tổng số tiền 10,580 tỷ đồng. Theo thông tin mà Báo Tây Ninh thu thập, thời gian này, các nhân viên của bà Hồng liên tiếp chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ông Đặng Thanh Tùng số 06008653… thể hiện bằng các uỷ nhiệm chi tại Phòng giao dịch Tân Phước Khánh - Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín chi nhánh Bình Dương, Phòng giao dịch Tân Phước Khánh - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Bình Dương với mức tiền các lần chuyển cụ thể như sau: 80 triệu đồng, 200 triệu đồng, 300 triệu đồng, 500 triệu đồng, 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng…

Sau những lần bà Hồng chuyển tiền, lập tức ông Tùng chuyển tiền cho ông Việt. Cụ thể, ngày 18.7.2014, bà Hồng chuyển tiền cho ông Tùng 1 tỷ đồng, sau đó tài khoản của ông Việt thể hiện nhận 500 triệu đồng từ người chuyển là ông Tùng; ngày 28.7.2014, bà Hồng chuyển cho ông Tùng 1 tỷ đồng, sau đó tài khoản ông Việt nhận từ ông Tùng 400 triệu đồng; ngày 19.8.2014, bà Hồng chuyển cho ông Tùng 1 tỷ đồng, tài khoản ông Việt cũng nhanh chóng nhận được 500 triệu đồng từ ông Tùng; ngày 25.8.2014, bà Hồng chuyển cho ông Tùng 1 tỷ đồng, tài khoản ông Việt nhận từ ông Tùng 500 triệu đồng; ngày 14.2.2015, bà Hồng chuyển vào tài khoản ông Tùng 700 triệu đồng, sau đó tài khoản ông Việt nhận được 150 triệu đồng từ ông Tùng; ngày 11.9.2015, bà Hồng chuyển ông Tùng 300 triệu đồng, sau đó ông Việt nhận được 100 triệu đồng từ ông Tùng…

Ngoài ra, ông Việt còn xin số tài khoản của một số viên chức trong Trung tâm PTQĐ để “quá giang chuyển tiền”, sau đó rút tiền ra giao lại cho ông Việt. Mặc dù, tài khoản của ông Việt và ông Tùng tăng liên tục nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi biết được, Công ty Việt Dương đăng ký thành lập lần đầu từ 2008, sau đó thay đổi đến lần… thứ 13 vào năm 2015, nhưng suốt khoảng thời gian đó, công ty không phát sinh doanh thu, không phát sinh chi phí.

Vì thế, khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, bà Hồng có văn bản yêu cầu ông Tùng cung cấp các chứng từ kế toán, chứng từ sổ sách ngân hàng về việc góp vốn 30% như hợp đồng góp vốn ký ngày 10.6.2014 và chứng từ tài chính liên quan đến việc thực hiện dự án, thì ông Giám đốc Đặng Thanh Tùng… “làm lơ”.

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)

Phóng viên Báo Tây Ninh đã nhiều lần điện thoại cho ông Đặng Thanh Việt (số 0949.705…) để tìm hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến hoạt động điều hành Công ty Việt Dương không công khai như đã nêu trên, nhưng không liên lạc được. Phóng viên cũng đã hai lần gọi số 0903.388… đề nghị được gặp ông Đặng Thanh Tùng– Giám đốc Công ty Việt Dương, nhưng ông từ chối vì bận việc ở TP. Hồ Chí Minh. Ông Tùng đề nghị phóng viên đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao đổi, mọi chi phí ông sẽ lo hết. Ông Tùng nói: “Về khách quan, bên PC 46 (Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Tây Ninh-NV) đã thụ lý vấn đề này và đã có kết luận rồi. Nói về vấn đề khách quan, em nói theo ý của em, còn bà Hồng nói theo ý của bà Hồng thì không rõ ràng lắm. Anh có thể liên hệ cơ quan điều tra thì sẽ rõ, chính xác… Hoặc nếu anh muốn rõ, em sẽ tổ chức một buổi họp báo ở Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh – NV), sẽ mời Báo Tây Ninh và các báo ở Trung ương luôn. Em sẽ công bố rộng rãi công ty em như thế nào, các anh cứ hỏi. Em sẽ báo cho anh biết gồm những báo nào ở Trung ương”. Hy vọng sau khi hoàn tất loạt bài điều tra này, chúng tôi sẽ chính thức được mời tham dự cuộc họp báo của Công ty Việt Dương.
Tin liên quan
  • Kỳ 1: Khi viên chức Nhà nước “hợp tác” với doanh nghiệp tư nhân. 

    Kỳ 1: Khi viên chức Nhà nước “hợp tác” với doanh nghiệp tư nhân.

    Tháng 10.2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ra quyết định kỷ luật ông Đặng Thanh Việt– lúc đó đang là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) với hình thức buộc thôi việc. Lý do ra quyết định kỷ luật buộc ông Việt thôi việc dựa trên cơ sở kết quả xác minh đơn tố cáo viên chức này có hành vi giả mạo chữ ký, làm giả hồ sơ để chuyển đổi giấy phép kinh doanh, chiếm giữ hồ sơ pháp lý công ty, có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Đỗ Thị Xuân Hồng.

  • Kỳ 2: Bị tố “lật lọng, tráo trở” với các đối tác làm ăn 

    Kỳ 2: Bị tố “lật lọng, tráo trở” với các đối tác làm ăn

    Là đảng viên, viên chức Nhà nước, giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) Tây Ninh, ông Đặng Thanh Việt chẳng những không tận tâm với chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn có những việc làm trái với quy định, đứng phía sau công ty của gia đình để hoạt động kinh doanh.