BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 2 giờ với Đại tướng Lê Đức Anh 

Cập nhật ngày: 25/04/2019 - 18:53

Trong quá trình làm báo, tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ Đại tướng Lê Đức Anh; được lắng nghe về những năm tháng trận mạc của Đại tướng và cuộc sống thời bình sau chiến tranh, dù chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ ngắn ngủi, nhưng để lại những kỷ niệm sâu sắc, không thể quên...

Vẫn biết rằng “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật của đời người và không ai có thể tránh khỏi nhưng hay tin Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, từ trần, nhân dân cả nước không khỏi xúc động, tiếc thương. Trong quá trình làm báo, tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ Đại tướng Lê Đức Anh; được lắng nghe về những năm tháng trận mạc của Đại tướng và cuộc sống thời bình sau chiến tranh, dù chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ ngắn ngủi, nhưng để lại những kỷ niệm sâu sắc, không thể quên...

Bí mật vào Nam trên tàu không số

Đó là một buổi sáng trung tuần tháng 4 cách đây tròn 10 năm, sáng 17-4-2009, nhóm phóng viên Báo SGGP may mắn được Đại tướng Lê Đức Anh tiếp riêng tại nhà công vụ (số 5A phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình). Trên căn phòng khách tầng 2 của ngôi nhà, Đại tướng đang ngồi đọc sách, khi chúng tôi vào, tặng ông các ấn phẩm Báo SGGP, ông vui vẻ nhận và liền nói: “Báo SGGP là báo hay lắm. Vậy là cũng sắp tới 30-4 rồi đó. Từ ngày giải phóng, thống nhất đất nước tới giờ, tôi vẫn thường đọc báo của các bạn...”.

Bắt tay Đại tướng và ngồi hầu chuyện với ông, tôi mới có dịp quan sát căn phòng khách của Đại tướng - người từng là nguyên thủ quốc gia - lại vô cùng giản dị. Căn phòng không quá rộng, ngoài hai bộ bàn ghế, dãy tủ sách thì trên tường, ở vị trí trang trọng nhất là bức tranh sơn mài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở một vị trí khác là tấm hình đen trắng, ghi lại kỷ niệm của “anh Sáu Nam” - Đại tướng Lê Đức Anh - cùng các đồng chí của mình tại mặt trận Nam bộ, trước thời điểm bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Một chữ “Tâm” được đặt ngay ngắn ngay phía sau chiếc bàn làm việc của ông.

Câu chuyện của chúng tôi với Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu bằng ký ức của ông về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là những năm tháng vô cùng gian khổ, ác liệt mà ông không thể nào quên. Thời gian như dừng lại, ông trầm ngâm một lúc để nhớ lại những ký ức về cuộc chiến, rồi kể lại cho chúng tôi về những ngày đầu khi ông từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đó là một đêm mùa đông giá rét cuối tháng 12-1963, khi đó ông bí mật bước lên con tàu không số xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng).

Theo hồi ức của ông, lúc đó, đồng chí Tâm (quê ở Long Mỹ, Cần Thơ) là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đã đưa ông lên con tàu không số. Là người từng chinh chiến nhiều trận mạc từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng lần này theo Đại tướng Lê Đức Anh, nhiệm vụ Đảng và quân đội giao cho ông là rất nặng nề.

Chiếc tàu ông đi đêm đông năm đó chở vũ khí cho chiến trường miền Nam và 2 tấn thuốc nổ. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, lúc đó, tàu chở theo thuốc nổ để nếu không may bị rơi vào vòng vây địch sẽ cho nổ, cả người và vũ khí đều tan chìm xuống biển, quyết không để lọt vào tay kẻ thù. Nếu đi trót lọt, sẽ có vũ khí, đạn dược cung cấp cho bộ đội ta ở chiến trường miền Nam... 

Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu bí mật đưa ông tới Đất Mũi Cà Mau. Từ đó, ông đi bộ lên biên giới Campuchia, rồi về Tây Ninh, chính thức nhận nhiệm vụ quan trọng: Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

Cũng từ đó, khi thì ở chiến trường Đông Nam bộ, khi thì về miền Tây với nhiều vị trí chỉ huy quan trọng, Đại tướng lăn lộn cùng bộ đội, cùng đồng chí, đồng bào trải qua rất nhiều trận chiến đấu ác liệt, cho đến 8 giờ 30 ngày 30-4-1975 lịch sử, ông đã đặt chân lên đường phố Sài Gòn - thời khắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Nhắc lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Đại tướng Lê Đức Anh chia sẻ: “Sau Hiệp định Paris, khi địch không thi hành hiệp định với chủ trương “tràn ngập lãnh thổ”, đánh ác liệt nhưng quân ta rất anh dũng chiến đấu, quyết giữ từng tấc đất vùng giải phóng, mở rộng địa bàn, tạo thế chiến lược cho cuộc chiến cuối cùng giải phóng toàn bộ miền Nam”.

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1987. Ảnh: Tư  liệu
 
Tầm cao chiến lược của một nhà quân sự

Có lẽ chính sự xét đoán ở tầm cao chiến lược của một nhà quân sự lỗi lạc, sự quyết đoán của một vị tướng chiến trường vô cùng sâu sát trong thời điểm quan trọng đã mở ra thời cơ to lớn cho toàn bộ cục diện.

Mùa khô năm 1974, đó là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với chiến trường Nam bộ, khi quân đội ta đã liên tục giành được những thắng lợi quan trọng, trong đó có vai trò then chốt của Tướng Sáu Nam - Lê Đức Anh. Tình thế chiến trường thay đổi, thế cân bằng địch - ta đã nghiêng về lực lượng cách mạng và là lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 bắt đầu.

Trong chiến dịch lịch sử này, ông là Phó Tư lệnh quân giải phóng, Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Cùng với toàn bộ chiến trường, cánh quân Tây Nam của Tướng Lê Đức Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Bởi lẽ, khu vực Tây Nam là địa bàn đồng nước, nhiều kênh rạch, sông ngòi chia cắt, mưa xuống, cả vùng mênh mông nước, sình lầy, việc hành quân chiến đấu là cực kỳ gian nan vất vả.

Cánh quân Tây Nam dưới sự chỉ huy của ông cùng một lúc hoàn thành nhiều nhiệm vụ: một mũi quân cắt đường số 4 không cho địch từ Sài Gòn xuống Cần Thơ và cũng không cho địch từ Cần Thơ lên Sài Gòn; một mũi quân khác đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Chi khu Đức Hòa, tiến vào Biệt khu Thủ đô; mũi thứ 3 từ Cần Đước, Cần Giuộc đánh vào Tổng nha Cảnh sát… Tất cả nhắm đến mục tiêu tiến vào Sài Gòn, hợp quân ở Dinh Độc Lập. 

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4 không chỉ giải phóng miền Nam mà đất nước còn được thống nhất, non sông thu về một mối. Nói về chiến thắng lịch sử này, Đại tướng trải lòng, đó không chỉ là sự gian khổ, ác liệt của cuộc chiến mà còn là những vấn đề mang tầm quốc tế. Là người từng trải qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp, ông so sánh, nếu như khi chúng ta đánh Pháp được bè bạn khắp năm châu ủng hộ, nhất là các dân tộc thuộc địa ủng hộ thì khi đánh Mỹ, không phải đã có sự nhất trí ủng hộ hoàn toàn.

“Thế giới ủng hộ ta có mức độ, thậm chí có nước không ủng hộ vì không tin là ta thắng Mỹ. Cũng có người thương ta nhưng không tin là ta sẽ thắng...”, Đại tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Đại tướng, khi chúng ta huy động được sức mạnh, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì kẻ địch dù mạnh cỡ nào, nhân dân Việt Nam đều đánh thắng, đó chính là ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4.

Trở lại với cuộc sống thời bình, Đại tướng tâm sự: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang ngày một phát triển nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn dai dẳng.

“Những nạn nhân chiến tranh còn sống, ta phải làm gì cho họ? Bom mìn trên đất nước ta vẫn còn. Không tháng nào, năm nào không có người chết, người bị thương vì bom mìn. Chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia chiến tranh, mà còn di hại đến các thế hệ sau của họ”, ông trăn trở.

Đại tướng nhắn nhủ, lớp trẻ cần phải cố gắng nỗ lực học hỏi hơn nữa để kế tục sự nghiệp của lớp người trước. Bởi theo Đại tướng, vinh quang không chỉ có được trong chiến tranh mà vinh quang còn là chiến thắng trong vô vàn khó khăn của thời bình. Điều đó đòi hỏi lớp trẻ hôm nay cần vượt qua được những khó khăn đó để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn SGGPO