BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ký ức đồng bưng 

Cập nhật ngày: 12/11/2017 - 08:20

BTN - Sinh ra ở huyện biên giới Bến Cầu, vùng quê nghèo khó với ruộng đồng sông nước, với tôi, cánh đồng bưng hoang cứ đeo đẳng mãi trong ký ức.

Giăng lưới ven sông. Ảnh: Đ.H.T.

Từ chân cầu Gò Dầu đến Gò Dầu thượng hơn ba cây số. Hai bên quốc lộ là ruộng lúa xanh tốt, do phù sa từ dòng Vàm Cỏ. Qua An Thạnh kéo dài hơn bảy cây số đến Mộc Bài, hai bên là bưng hoang với cỏ năn trải dài, mặt Bắc đến Bàu Gõ, mặt Nam đến tận Ðồng Tháp Mười. Xen giữa những bưng năn mênh mông là những rừng tràm lâu năm, năn lác mọc cao quá đầu người. Ðó là nơi kiếm ăn lý tưởng của nhiều giống chim như kềnh kềnh, cò…

Bưng hoang trải dài với những đồng năn ngút ngàn. Người nghèo buộc phải dựa vào tự nhiên, mà hình thành cái nghề nặng công nhẹ vốn là giã bàng, đan đệm- cái nghề được lưu truyền qua ca dao, nói lên sự chịu thương, chịu khó của người xứ này: “Lấy chồng về Bàu Gõ/ Nước mắt nhỏ hai hàng/ Dọn mâm cơm để đó/ Giã chín neo bàng mới được ăn”.

Trong lòng bưng thường ẩn giấu những lung lầy, hình thành do những khu đất trũng quanh năm nước ứ đọng. Nhìn bề mặt như nhau, nhưng nếu ta nhúng chân xuống nơi này, có thể làm rung một mảng đất chung quanh đến vài trăm mét vuông. Người còn có thể lội qua còn trâu bò mà sa xuống thì thật khó cứu. Nhất là trâu già, gân cốt mềm yếu thường phải chịu chết giữa lung lầy.

Ðất nghèo nuôi người nghèo, đồng bưng là nơi có nhiều cá và rắn nước. Nên thêm một nghề nữa là nghề soi cá đêm. Nhổ bàng cần sức khoẻ chịu được mưa nắng, trong khi nghề soi cá chỉ cần có đèn soi. Cái nghề soi cá thấy vậy mà cũng lạ, chim trời cá nước mà cũng có người thuận, người không.

Cùng một nhóm đi soi cùng một khu vực, mà riêng ông hai Mẫm bao giờ cũng được nhiều hơn, người trong nghề nói ông có tay sát cá. Thật ra, ông Mẫm tướng nhỏ con, động tác nhanh lẹ, qua các lung lầy ông có cách đi trên những thân năn, cỏ, nhanh nhẹn khác thường.

Ðêm ấy, ông cũng đi soi cá như mọi khi, hướng đến một lung lầy có nhiều cá ông ưa thích, các bạn soi chung của ông rất ngại độ lún sâu của lung này. Ðột nhiên ông nghe những âm thanh lạ. Một cái gì đó náo động trong đêm giữa bưng sâu dễ khiến người ta bỏ của chạy lấy người. Nhưng với ông Mẫm, một tay soi lão luyện trên một địa bàn quen thuộc, sự tò mò đã thắng nỗi sợ hãi. Tắt đèn.

Ông nhẹ nhàng tiến vào lung lầy giữa những luồng năn cao quá đầu người. Dưới ánh sáng mờ mờ của những vì sao, một đàn kền kền đang tranh giành phần xác trâu bị lún lầy bị bỏ lại. Rất nhanh, gần như không kịp suy nghĩ, hai tay ông tóm chặt chân của hai con kền kền. Ðàn kền kền hoảng loạn bay lên.

Hai con bị bắt cố thoát, đập mạnh cánh lôi ông Mẫm lướt trên mặt lung lầy, đôi chân hổng khỏi mặt đất. Với bản năng sinh tồn, ông thả nhanh một con, hai tay tóm chặt con còn lại. Từ hôm ấy cả làng đã đổi tên cho ông, từ ông Mẫm Cá thành ông Mẫm Chim.

Ngày nay, những lung lầy, bưng bàng dọc theo con lộ từ cầu Gò Dầu sang cửa khẩu Mộc Bài chỉ còn thưa thớt, trơ trọi. Ðồng hoang vẫn còn đó nhưng những ngôi nhà bắt đầu mọc lên, cuộc sống gian nan khổ cực khi xưa dần dần lùi xa...

Hàm Chương