BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng lương trước thời hạn:

Làm thế nào để bảo đảm tính công bằng ? 

Cập nhật ngày: 05/01/2018 - 05:48

BTN - Điều quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách cần phải tìm cho được những kẽ hở để hạn chế tiêu cực. Không phải tự nhiên mà có người nói, trong công tác thi đua đang tồn tại hiện tượng “đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể Hội LHTN Việt Nam. Ảnh: Hoàng Trương

Năm 2013, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Quy định về chế độ nâng lương trước thời hạn nhằm khích lệ, động viên, kích thích tinh thần làm việc, đẩy mạnh phong trào thi đua của người lao động là việc làm đúng. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là thực hiện chế độ nâng lương trước thời hạn như thế nào để bảo đảm tính công bằng, khách quan, dân chủ.

KHÔNG QUÁ 10%

Chế độ nâng lương trước thời hạn được áp dụng cho rất nhiều nhóm đối tượng đang hưởng lương từ ngân sách. Theo tinh thần của Thông tư 08, để được xem xét nâng lương trước thời hạn, đối tượng phải có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc khi thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao biên chế (đối với cán bộ, công chức) hoặc phê duyệt số lượng người làm việc (đối với viên chức và người lao động) tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Về cách tính số người thuộc tỷ lệ được nâng bậc lương trước thời hạn, cứ mỗi 10 người trong danh sách trả lương (không tính số dư ra dưới 10 người sau khi lấy tổng số người trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị chia cho 10), cơ quan, đơn vị được xác định có 1 người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc.

Căn cứ vào cách tính nêu trên, vào quý IV hằng năm, cơ quan, đơn vị (bao gồm cả cơ quan, đơn vị có dưới 10 người trong danh sách trả lương) có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để theo dõi và kiểm tra về số người trong tỷ lệ được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc của năm sau liền kề và số dư ra dưới 10 người của cơ quan, đơn vị mình.

Thông tư 08 quy định, không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh. Về việc xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc: thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết

định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác, trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

Thông tư 08 quy định không áp dụng nâng lương trước thời hạn đối với ba nhóm đối tượng, gồm cán bộ thuộc diện xếp lương theo bảng lương chức vụ đã được xếp lương theo nhiệm kỳ; cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động; công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

CẦN CÔNG BẰNG

Tại thời điểm này, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp trong tỉnh Tây Ninh đang xét việc nâng lương trước thời hạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Căn cứ vào Thông tư 08, các huyện, thành phố đã, đang hoặc sắp ban hành quyết định về việc nâng lương trước thời hạn (thực hiện hằng năm) đối với những người có thành tích cao trong công tác. Để cụ thể hoá chính sách nâng lương trước thời hạn, một số địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn. Theo tinh thần này, đối với cán bộ, công chức những trường hợp được xem xét nâng lương trước thời hạn phải được cấp có thẩm

quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Đối với viên chức và người lao động, nhóm đối tượng này được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Thời hạn bảo lưu thành tích thi đua, khen thưởng để xét nâng bậc lương trước thời hạn là 6 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thời hạn nâng bậc lương thường xuyên 3 năm 1 lần.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thời hạn nâng bậc lương thường xuyên 2 năm 1 lần thì thời hạn bảo lưu thành tích thi đua khen thưởng là năm tính từ thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích. Trình tự ưu tiên trong việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được thực hiện như sau: xét hết diện có cấp độ thành tích được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng mới xét lần lượt đến diện có cấp độ thành tích được nâng bậc lương trước thời hạn 9 tháng, 6 tháng và 3 tháng.

Việc xét nâng lương trước thời hạn 12 tháng, 9 tháng, 3 tháng được căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện khác nhau. Ví dụ, để được nâng lương trước thời hạn 12 tháng, đối tượng phải thoả mãn một trong các điều kiện: được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, chẳng hạn danh hiệu Anh hùng lao động; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; hai năm liền được bằng khen của bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với trường hợp nâng lương trước thời hạn 6 tháng, đối tượng cần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và 5 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét theo thứ tự ưu tiên sau: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thành tích được phong tặng, khen thưởng, công nhận ở cấp cao hơn; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngoài thành tích dùng làm căn cứ xét nâng bậc lương trước thời hạn còn có nhiều thành tích khác; những người thuộc diện được xét nâng lương trước thời hạn nhưng chưa được xét do lần xét trước đó đơn vị đã vượt quá chỉ tiêu.

Những trường hợp cao tuổi, không còn cơ hội được xét nâng lương, trường hợp có thâm niên công tác hoặc trường hợp người lao động có hệ số lương thấp cũng thuộc diện được ưu tiên xét nâng lương trước thời hạn… Sau khi các địa phương trong tỉnh ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện để được nâng lương, nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp bắt đầu họp cơ quan để xét.

Và rắc rối bắt đầu nảy sinh. Theo ý kiến của nhiều vị cán bộ quản lý, các cấp có thẩm quyền nên xem lại quy định thời hạn bảo lưu thành tích là 6 năm. Lý do, với người có bằng đại học, cứ 3 năm tăng lương một lần, trong khi quy định bảo lưu thành tích 6 năm có cần thiết và hợp lý hay không? Theo nhóm ý kiến này, chỉ cần bảo lưu thành tích 3 năm là được.

Mặt khác, trong thực tế ở cơ quan, đơn vị có trường hợp, bảng thành tích “tổng sắp” 6 năm của người này cao hơn người kia nhưng khi xét thì lại ưu tiên cho người đạt thành tích cao ở 3 năm cuối (thời điểm mức lương đang hưởng). Nói cách khác, người có thành tích 3 năm gần nhất lại được ưu tiên xem xét nâng lương trước thời hạn dù thành tích chung của người này thua người có thành

tích trong 6 năm (trong đó có thành tích cao nhất). Hơn nữa, nếu ưu tiên xét nâng lương trước thời hạn tại thời điểm đang giữ bậc lương (3 năm/bậc) thì quy định bảo lưu thành tích 6 năm làm gì? Đối với trường hợp nâng lương trước thời hạn 6 tháng, ngoài danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đối tượng phải có thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

“Nếu các cơ quan, đơn vị ưu tiên nâng lương trước thời hạn cho những người đạt thành tích trong 3 năm cuối thì lấy đâu ra con số 5 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, vì việc xét nâng lương chỉ căn cứ vào tại thời điểm lương đang hưởng. Trong khi lương đang hưởng thì ba năm hoặc hai năm thay đổi một lần- một vị cán bộ quản lý nêu băn khoăn.

Ngoài những bất cập trong việc so đo thành tích, quy định về chế độ khuyến khích nâng lương trước thời hạn còn có những điều cần xem lại. Chẳng hạn, việc đưa những người có thâm niên công tác vào diện xét nâng lương trước thời hạn bị cho là không thuyết phục. Bởi vì những người có thâm niên công tác thường mức lương, phụ cấp đã tương đối ổn. Nhưng quan trọng hơn, không phải cứ có thâm niên công tác cao thì đồng nghĩa với việc có nhiều công trạng.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những người có thâm niên công tác lại chính là những người trì trệ, làm việc kém hiệu quả nhưng lại được tạo dựng thành hình ảnh “cây cao bóng cả”. Với trường hợp những người có hệ số lương thấp, quy định ưu tiên xem xét nâng lương trước thời hạn cho nhóm đối tượng này, mới nghe qua có vẻ hợp lý nhưng sòng phẳng mà xét, điều này cũng không thuyết phục.

Toàn bộ quá trình học hành, chi phí đào tạo của người có bằng trung cấp trở xuống đều thấp hơn nhiều so với người học đại học. Chi phí thấp, thời gian đào tạo ngắn, lực học làng nhàng thì có nên đưa vào diện ưu tiên xem xét nâng lương trước thời hạn không? Ngoài những vấn đề nêu trên, việc quy định nâng lương trước thời hạn cũng được nhìn nhận là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy thành tích”.

Người nào càng có nhiều thành tích càng có cơ hội nâng lương trước thời hạn. Chính sách nâng lương trước thời hạn nhằm động viên, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, phấn đấu vì mục tiêu chung- đây là cách làm hay. Song, điều quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách cần phải tìm cho được những kẽ hở để hạn chế tiêu cực.

Không phải tự nhiên mà có người nói, trong công tác thi đua đang tồn tại hiện tượng “đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”.

VIỆT ĐÔNG