BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lần đầu công du và phép thử cho ông Trump 

Cập nhật ngày: 18/05/2017 - 11:39

Các điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump sẽ là Saudi Arabia, Israel, đến Bỉ tham dự hội nghị NATO và đến Ý tham dự hội nghị G7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau 4 tháng nhậm chức, đến Trung Đông và châu Âu. Cụ thể các điểm đến của ông Trump sẽ là Saudi Arabia, Israel, đến Bỉ tham dự hội nghị NATO và đến Ý tham dự hội nghị G7.

Nếu so sánh với chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người tiền nhiệm Barack Obama – đến Canada, Anh, Đức, Pháp, chuyến công du của ông Trump không chỉ trễ hơn mà còn có nhiều khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất là ông Obama đã không chọn Israel trong chuyến công du Trung Đông đầu tiên.

Chuyến đi được lên lịch trước lúc ông Trump gây sóng gió lớn ở Nhà Trắng bằng quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey, rồi sau đó bị tố tiết lộ thông tin tình báo mật cho phía Nga.

Chuyên gia Aaron David Miller là Phó Chủ tịch và là một học giả tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, là tác giả cuốn sách “Kết thúc của sự vĩ đại: Tại sao nước Mỹ không thể có một tổng thống vĩ đại lần nữa”. Ông Miller cũng từng là một nhà thương lượng ở Trung Đông trong các chính phủ cả Dân chủ và Cộng hòa trước.

Trong bài viết ngày 17-5 trên CNN, ông Miller cho rằng với thực tế rối rắm ông Trump gây ra trong nước, giờ nguyên thủ các nước sẽ tò mò xem ông Trump hành xử thế nào khi công du nước ngoài, sẽ thi hành chính sách đối ngoại thế nào.

Sau sự kiện bị tố tiết lộ thông tin tình báo mật cho Nga, ông Trump giờ sẽ phải đối mặt với sự e dè của các đồng minh và đối tác về độ tin cậy của mình. Đặc biệt khi thông tin tình báo này là do phía Israel – điểm đến trong chuyến công du của ông Trump - cung cấp.

lan dau cong du va phep thu cho ong trump

Công du nước ngoài sẽ là bước kiểm tra thực tế với ông Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump đã và đang nỗ lực tạo sự khác biệt với người tiền nhiệm Obama. Và theo ông Miller, Saudi Arabia và Israel sẽ là nơi ông Trump thể hiện các nỗ lực này.

Nỗ lực thứ nhất thể hiện qua việc ông Trump không bỏ qua điểm đến Israrel như ông Obama đã làm trong chuyến công du Trung Đông đầu tiên. Chưa hề có tổng thống Mỹ nào thăm Israel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ông Trump cũng sẽ là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm bức tường Than Khóc ở Jerusalem. Bên cạnh đó, việc chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên là nhằm xóa bỏ suy nghĩ ông Trump chống Hồi giáo. Ông Trump sẽ có bài phát biểu ở Jerusalem cũng như trước cộng đồng người Hồi giáo ở Saudi Arabia.

Nỗ lực thứ hai là thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nhiều với Iran – đối thủ của cả Israel và Saudi Arabia.

Tuy nhiên theo ông Miller, nếu ông Trump thật sự nghiêm túc muốn bàn về vấn đề hòa bình Israel-Palestine, hai điểm đến đầu tiên của ông Trump sẽ không hoàn toàn suôn sẻ. Ông Trump đang hy vọng có thể dùng thái độ cứng rắn của mình với Iran như một biện pháp khiến các nước Ả Rập chìa tay hơn với Israel cũng như chịu làm áp lực hơn với Palestine.

Theo ông Miller, đây là một bài toán khó và không nắm chắc được đáp án. Chưa chắc Mỹ đã sẵn lòng thực hiện các bước đi chống Iran mà Saudi Arabia muốn: đối đầu Iran và Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Ông Trump tháng trước dù lệnh nã tên lửa vô Syria nhưng vẫn khẳng định ưu tiên của Mỹ ở Syria là đánh IS chứ không phải lật đổ ông Assad.

Cũng chưa thể chắc Saudi Arabia sẽ hành động như Mỹ muốn một khi không có sự nhượng bộ từ Israel. Tổng thống tiền nhiệm Obama đã thất bại trong các biện pháp xây dựng niềm tin với Saudi Arabia, dù đã bán vũ khí sang nước này nhiều hơn các người tiền nhiệm.

So với Saudi Arabia, chuyến thăm Israel của ông Trump sẽ còn phức tạp hơn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang không tránh khỏi lo lắng không biết ông Trump đang tính toán điều gì, giữa lúc có thông tin Mỹ đang cân nhắc công nhận nhà nước Palestine. Trong khi đó ông Trump cũng biết rõ nếu không thúc được Israel phải nhượng bộ thì tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ không có cơ hội thành công.

Theo chuyên gia Miller, chuyến công du nước ngoài lần này là cơ hội để ông Trump định hình lại suy nghĩ của các nước về chủ trương “Nước Mỹ đầu tiên” của mình.

Chủ trương này có thể dễ dàng khiến người khác hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ là hành động đơn phương không cần đồng minh hay đối tác. Trong khi đó thực tế ông Trump và Mỹ không thể tự mình tìm kiếm được hòa bình Israel-Palestine, không thể tự mình tiêu diệt IS, hay không thể tự mình kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên. Việc ông Trump tham dự hội nghị NATO là sự công nhận thực tế này.

Nguồn PLO