Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làng nghề xôi Phú Thượng

Cập nhật ngày: 10/12/2016 - 04:57

Những gánh hàng xôi - nét đẹp người Phú Thượng.

Công phu nghề làm xôi Phú Thượng

Xôi Phú Thượng ngon đến nỗi mà xôi của bất cứ địa phương nào khó có thể sánh được. Hương, vị đặc biệt của xôi có những nét đặc trưng bởi yếu tố truyền thống của làng nghề. Nó hấp dẫn những đứa trẻ con ham chơi, lười ăn và cả những người đã từng có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn ngon nơi khác. Hương vị thơm ngon từ món xôi sáng đã quyến rũ người ta với những nét bình dị nhất. Cứ như thế, tiếng rao của người hàng xôi bán dạo ở các vỉa hè đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người Hà Nội.

Nghề làm xôi cũng lắm công phu. Xôi Phú Thượng có những yêu cầu khắt khe cần phải tuân thủ. Để nấu được chõ xôi ngon, nhất thiết phải chu đáo trong từng công đoạn. Chọn nguyên liệu phải thật cẩn thận. Làng Phú Thượng có hẳn một chợ, và những đại lý chuyên bán các nguyên, phụ liệu phục vụ nấu xôi như: nếp, đỗ, lạc, vừng, lá sen... Những nguyên liệu cho nghề xôi mua ở chợ Phú Thượng đều đắt hơn nơi khác một, hai giá. Tất nhiên những nguyên liệu đó bao giờ cũng phải là loại ngon nhất. Nếp chỉ chọn nếp Cái hoa vàng, nếp Nhung. Đỗ xanh mua loại đã xát vỏ, hạt tròn đều mà vẫn còn phấn. Lạc phải là loại hạt nhỏ (lạc chay). Ngô thì chỉ chọn loại hạt nhỏ, đều và dẻo. Các phụ liệu khác như vừng, ruốc, hành phi, mỡ... cũng được những người nấu xôi lựa chọn rất kỹ càng.

Tiếp đến là giai đoạn xử lý nguyên liệu. Giai đoạn này đòi hỏi cần có kinh nghiêm tốt. Gạo phải ngâm từ 15 đến 20 giờ tùy theo loại. Ngâm gạo chừng vài tiếng, sau đó phải mang ra đãi sạch, rồi lại ngâm tiếp. Trước khi nấu, lại rửa gạo cho sạch một lần nữa. Lửa phải to, hơi phải nhiều, làm sao đảm bảo khi xôi chín, hạt gạo phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ. Xôi nấu xong được dỡ ra thúng. Chiếc thúng đựng xôi cũng được chuẩn bị khá công phu: “dưới lót bọc mút, trên đậy vỉ cói, cứ nóng, cứ thơm mà không bị hấp hơi nước bao giờ”. Tuy nhiên, việc áp dụng các thao tác nói trên trong quá trình đồ xôi ở mỗi gia đình không hoàn toàn giống nhau. Hiển nhiên, đó chính là yếu tố gia truyền của người sáng tạo ra nó.

Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội không chỉ thể hiện ở cách chế biến món ăn, mà còn thể hiện trong cách thưởng thức. Người Hà Nội rất khéo léo trong “trình độ tổ chức bữa ăn và cách thưởng thức món ăn. Họ rất tinh tế và sành trong việc ăn uống”. Thưởng thức một món ăn ngon là sự kết hợp của nhiều yếu tố: Món ăn phải hợp khẩu vị, gia vị hợp lý, thức ăn nóng sốt, người ăn cùng chia sẻ tình cảm với nhau.

Những gói xôi thật công phu. Xôi ngon chưa đủ, nguyên liệu gói xôi cũng được người đồ xôi rất quan tâm. Xôi được đặt vào một miếng lá sen, kế đó là một lớp giấy, gói lại bằng dây thun, trao gửi đến người thưởng thức tình cảm mặn mà của người làm ra nó. Ngày nay, trong xã hội công nghiệp hiện đại với nhịp sống sôi động, đầy bận rộn, gói xôi còn được đặt thêm vào một túi ni lông, cẩn thận đưa cho khách qua đường. Họ có thể thưởng thức món ngon này ở công sở khi mà giờ làm việc chưa bắt đầu.

Nghề xôi Phú Thượng nức tiếng Hà Thành

Xôi Phú Thượng rất dẻo và thơm, khi tấm lá sen tròn trịa mở ra, mùi xôi thơm phức hòa trong hương sen bốc lên ngào ngạt, quyến rũ. Cái ngon đã khẳng định luôn trong ánh mắt của người được thưởng thức. Xôi Phú Thượng là thế, hạt nào hạt nấy no tròn, bóng láng, dẻo thơm lạ kỳ. Hình ảnh của món ngon đó đã ăn sâu vào tâm trí người thưởng thức, với một sức lôi cuốn kỳ lạ, nó đã khiến người ta lại tìm đến bà hàng xôi vào sáng hôm sau. Cứ thế, như có lực hút vô hình, ngày càng nhiều người tìm đến với gánh hàng của người bán xôi sáng.

Gánh xôi vỉa hè vô tình làm sống lại một đặc sản làng nghề mà người Hà Nội không dễ gì được thưởng thức. Món ngon đó được người làm xôi thực hiện cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ nhất của nghề đồ xôi ở làng mình, và trân trọng gửi nó đến người ăn.

Những người khách sành ăn sẽ cảm nhận được sự dẻo thơm trong từng gói xôi Phú Thượng. Những sản phẩm đó là sự kết hợp tinh tế giữa chuẩn làng nghề và chuẩn trong yêu cầu ẩm thực của xã hội hiện đại. Bởi thế, dù chỉ là từng gói xôi bán trên vỉa hè, “người Phú Thượng vẫn giữ được quan điểm: ngon, sạch và trân trọng người ăn”.

Xôi không chỉ dành cho người còn sống thưởng thức, tận hưởng cái ngon của nó... Trong các món ăn được sắp cho mâm cúng lễ ông bà, tổ tiên và những người đã khuất, tất nhiên không thể thiếu được món xôi. Xôi được đóng khuôn, làm oản cho cúng tế. Món xôi trong mâm cúng lễ, tỏa hương sắc, tạo một không gian riêng, độc đáo, gợi lòng thành kính, gọi mỗi linh hồn trở về trong một không khí gia đình đầm ấm. Một niềm xúc động trào dâng, mỗi người đứng trước mâm cúng, chắp tay cung kính thần linh và linh hồn những người đã khuất, cầu mong những điều tốt lành...

Như thế, có thể hiểu món xôi giống như một sợi chỉ đỏ, chiếc cầu nối thế giới tâm linh với cuộc sống hiện tại. Cơ chế thị trường vô tình đến khắc nghiệt. Nó đã thổi bay nhiều yếu tố truyền thống, mà những khi lắng lại với khoảnh khắc để trở về với chính mình, mỗi người trong chúng ta đều giật mình thảng thốt. Dù thế, người làng Phú Thượng vẫn chung tình với món xôi truyền thống. Thời gian cứ trôi qua với biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử..., nhưng món xôi, nghề đồ xôi vẫn còn đó, sự chung tình đó đã được đền đáp. Những gánh xôi đã đem lại sự no đủ cho họ - những cư dân làng Phú Thượng.

Xôi đã giúp cho kinh tế của mỗi gia đình thêm ổn định. Các hộ làm xôi đã có của ăn, của để, gia đình thuận hòa và có điều kiện nuôi dạy con cái học hành tử tế. Người dân đã phục vụ từ món quà sáng đến xôi cúng, cỗ cưới, tiệc chiêu đãi, làm quà biếu... Trong làng, đã có những đại lý lớn chuyên bán các loại nguyên liệu từ gạo nếp, đỗ xanh, lạc, vừng, ngô... Mỗi ngày, cả làng tiêu thụ ngót bảy tấn gạo nếp. Nghề xôi ở Phú Thượng giúp nhiều hộ cải thiện đời sống nhờ thu nhập ổn định.

Theo Làng Việt