BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi phóng sự, ký sự:

Làng nghề xứ Trảng 

Cập nhật ngày: 03/06/2017 - 06:10

BTNO - Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, cư dân Trảng Bàng xưa còn làm nhiều nghề thủ công bằng đôi tay khéo léo của mình, như in gạch ngói, làm lò đường, đóng xe bò, xe ngựa, rèn, đan lát mây tre, chằm nón lá, đương đệm, làm bánh tráng…

Huyện Trảng Bàng là một trong những địa phương được hình thành rất sớm của tỉnh Tây Ninh. Trong hành trình “Nam tiến” của những người miền Trung vào lập nghiệp, có một bộ phận đến địa phận huyện Trảng Bàng khai hoang mưu sinh.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, cư dân Trảng Bàng xưa còn làm nhiều nghề thủ công bằng đôi tay khéo léo của mình, như in gạch ngói, làm lò đường, đóng xe bò, xe ngựa, rèn, đan lát mây tre, chằm nón lá, đương đệm, làm bánh tráng…

Xã hội ngày càng văn minh, điện khí hoá, cơ giới hoá không ngừng phát triển, khiến một số nghề thủ công không còn phù hợp, như in gạch ngói, làm lò đường, đóng xe bò, xe ngựa... Tuy nhiên cũng có những nghề vẫn phát triển như lò rèn, chằm nón lá, đan mây tre, đương đệm, vót đũa…

Đương đệm- cực mà vui

Anh Nguyễn Văn Reo (SN 1965)- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Bình, nhà ở ấp Bình Nguyên 1 cho biết, gia đình anh có truyền thống đương đệm từ lâu. Không rõ cha mẹ anh bắt đầu nghề đương đệm từ lúc nào, nhưng khi sáu, bảy tuổi, anh đã thấy mẹ hằng ngày ngồi đương đệm. Năm nay bà đã 87 tuổi, do già yếu, bà mới nghỉ đương đệm năm rồi.

Còn anh Reo, từ năm 16, 17 tuổi đã theo ghe đi nhổ bàng về cho gia đình đương đệm. Hồi đó, không riêng gia đình anh, trong ấp, ngoài nghề làm ruộng ra, nhà nào cũng đương đệm và đương nhiều loại mặt hàng khác như cặp học sinh, giỏ xách, manh em bé, bao tay đập lúa, nóp đi ruộng… Nhưng nhiều nhất là đệm phơi lúa, bởi hồi đó rất ít nhà có sân gạch để phơi.

Nhà nhà đương đệm thì cũng nhà nhà rủ nhau đi nhổ bàng. Hồi đó ở những cánh đồng bưng còn nhiều vùng đất hoang, bàng mọc hoang dã, ai nhổ cũng được. Cứ ba, bốn người gom lại đi chung một ghe, mỗi lần đi năm bảy ghe. Lúc đó ai cũng nghèo, không có máy “đuôi tôm” nên phải thay nhau chèo tay. Có lúc phải qua tận địa phận tỉnh Long An nhổ bàng, 3-4 ngày mới về, nên phải mang theo gạo, củi, mắm muối… Sau một ngày nhổ bàng cực nhọc, anh em tập trung lại nấu cơm ăn, lai rai mấy xị đế, rồi thi nhau kể chuyện tiếu lâm, cười rôm rả. “Cực mà vui”- anh Reo nhớ lại. Cứ năm bảy ngày thì đi một chuyến. Chuyện đi nhổ bàng là của đàn ông, thanh niên, còn đàn bà, con gái ở nhà đương đệm. Việc ai nấy làm, năm này qua năm khác.

Chị Lê Thị Gái (SN 1969) cũng ở Bình Nguyên 1 cho biết, gia đình chị làm nghề đương đệm từ 60 năm qua. Chị nối nghiệp cha mẹ từ năm 15 tuổi. Ngoài việc trực tiếp đương đệm, chị Gái còn làm vựa bán bàng và sang đệm của bà con trong xóm. Chị Gái nói: “Đâm bàng cũng vui lắm!”. Bàng cắt về phơi khô, trước khi đương phải đâm (giã) cho mềm. Chày giã bàng bằng gỗ nặng khoảng 15kg. Bàng khô để lên tấm ván rồi đâm. Người đương đệm ở Bình Nguyên thường giã bàng hai đợt trong đêm: hoặc chập tối, hoặc lúc gần sáng. Giã chập tối thì vui hơn, bởi nhà nào có con gái, thanh niên trong làng đến chơi, cùng nhau đem bàng ra giã, tiếng nói, tiếng cười vang cả xóm. Rồi hát hò trêu ghẹo nhau, cho đến khuya mới tan. Từ công việc giã bàng, có nhiều cặp trai gái nên duyên vợ chồng.

Bà Nguyễn Thị Rẹt chuẩn bị đương đệm.

Theo chị Gái, trước năm 1990, mỗi ngày chị vừa làm, vừa mua lại của người khác, bán được hơn 50 tấm đệm phơi. Thương lái trong ấp và các nơi khác đến mua. Từ sau năm 1990, xã hội ngày càng phát triển mạnh, nhiều nông dân xây sân gạch, thương lái thì mua lúa tươi, nên đệm phơi không còn cần thiết đối với nông dân nữa. Từ đó, mặt hàng đệm phơi ở Bình Nguyên 1 trở nên ế ẩm. Nhiều người bỏ nghề, thất nghiệp… Cũng vào giai đoạn này, các khu, cụm công nghiệp ở các nơi trong và ngoài huyện Trảng Bàng bắt đầu hình thành và phát triển. Thế là nhiều lao động trẻ ở làng nghề đương đệm Bình Nguyên vào làm công nhân. Anh Reo- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định, nếu không có các khu, cụm công nghiệp, không biết những người chuyên sống bằng nghề đương đệm ở đây phải sống bằng nghề gì, khi mà nghề đương đệm đã lỗi thời. Hiện nay, số hộ còn theo nghề đương đệm ở đây chỉ chừng 50 hộ. Chủ yếu là những phụ nữ cao tuổi, đương đệm nằm là chính.

Chị Gái cho biết thêm, nghề đương đệm ngày nay không còn vất vả như trước kia nữa. Người đương không còn phải tự đi nhổ bàng mà đặt mua bàng trồng (ở Long An). Bàng trồng, nhờ bón phân nên cao lớn hơn bàng mọc hoang, thân cũng mềm hơn. Còn người đương đệm cũng không cần giã bàng nữa mà người ta ép bàng bằng máy chạy mô tơ điện. Tiếng chày giã bàng đã lùi vào dĩ vãng.

Trước khi chia tay với làng nghề đương đệm của xã Gia Bình, anh Reo đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Rẹt (75 tuổi). Trong căn nhà đại đoàn kết, bà Rẹt đang sắp xếp lại mấy bó bàng, chuẩn bị đương tấm đệm mới. Bà cho biết, nghề đương đệm gắn bó và nuôi sống bà đã hơn 60 năm qua. Khi còn trẻ, bà đương được nhiều, cuộc sống ổn định. Nay tuổi cao sức yếu, bà đương 3 ngày mới được một tấm đệm nằm, bán được 150.000 đồng. Trừ tiền mua bàng 50.000 đồng, bà còn được 100.000 đồng- sau ba ngày cặm cụi ngồi đương. Tuy thu nhập chẳng là bao, nhưng bà cũng cảm thấy vui, vì còn giữ được nghề này.

Chị Nguyễn Thị Gái sắp xếp đệm.

Thương sao nón lá An Hoà

Xã An Hoà đất hẹp người đông. Xưa kia, ngoài nghề nông ra, An Hoà có nghề làm nón lá truyền thống khá thịnh hành, tập trung nhiều nhất ở hai ấp An Quới và An Phú. Về mẫu mã thì nón lá An Hoà không sánh kịp với nón bài thơ xứ Huế, hay nón lá Nha Trang. Nhưng về chất lượng thì không thua kém nơi nào.

Trước kia, mỗi ngày xã An Hoà cung cấp cho người lao động các nơi hàng ngàn chiếc nón lá. Những ai đã từng “một nắng hai sương” thì càng thấy rõ hơn giá trị của nón lá. Thế nhưng không phải ai cũng biết quy trình tạo nên chiếc nón này. Người làm nón không phải dầm mưa dãi nắng, nhưng cũng phải thức khuya, dậy sớm. Mỗi ngày có khi phải làm việc đến từ 14-16 giờ. Bởi muốn có được một chiếc nón thành phẩm, người làm nón lá phải qua rất nhiều công đoạn.

Ngày đó, ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét, cứ 3- 4 giờ sáng là làng nón lá An Hoà rộ lên những âm thanh quen thuộc “cộp cộp, cạch cạch…”. Đó là tiếng chẻ củi đốt lửa để “vuốt” lá mật cật. Để có đủ lá cho một người chằm nón trong một ngày, phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ cho công đoạn vuốt lá. Công đoạn chính làm nón lá là chằm nón, thường chỉ làm ban ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối. Còn cột vành và xoè lá thì kéo dài đến gần nửa đêm.

Đang cặm cụi rút từng “đường kim mũi chỉ”, bà Lê Thị Trỷ- 73 tuổi, ở ấp An Quới cho biết, không rõ nghề làm nón lá ở đây có từ lúc nào. Khi bà biết là đã có nhiều người chằm nón rồi. Bà học chằm nón từ lúc lên 10 tuổi. Hơn sáu mươi năm qua, bà vẫn gắn bó với nghề. Bà là người chằm nón khéo nhất xóm, nên đến nay vẫn còn người đặt nón. Tuỳ theo sở thích của người đặt, bà nhận chằm với tiền công từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc. Còn những người không được khéo léo bằng  thì chằm nón hàng bán cho thương lái. Tuỳ theo chất lượng nón, giá bán  từ 110.000 đồng đến 160.000 đồng một chục cái (loại nón mê chưa kết bìa- NV). Trừ chi phí đầu vào, người chằm nón còn lời được từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/10 chiếc nón (chưa tính công lao động).

Chị Đặng Thị Dung (46 tuổi), nhà ở ấp An Quới đã có 30 năm trong nghề mua bán nón lá cho biết, trước đây xã An Hoà có cả ngàn người làm nón lá và cũng có rất nhiều thương lái đi sang bán nón. Hiện nay, chỉ còn khoảng 30 hộ làm nón lá và cũng tập trung ở hai ấp An Quới và An Phú. Mỗi ngày, chị đi gom toàn xã chỉ được 70- 80 chiếc nón. Sau khi gia công thêm (kết vành, trét dầu), chị sang bán cho các nơi từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/chiếc.

 Ngoài nghề nón lá truyền thống, xã An Hoà còn có nghề sản xuất hàng mây tre, đã tồn tại từ rất lâu đời và được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Làng quê An Hoà còn có một khu vực chuyên làm đũa tre, được duy trì từ rất lâu đời và trở thành địa danh “xóm Đũa”. Xóm Đũa thuộc địa bàn ấp Hoà Phú, với khá nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề thủ công truyền thống này.

Anh Trần Văn Hiệp (bên phải) và thợ phụ rèn rựa.

Ô Lò Rèn Tân Lộc

Ở xã Gia Lộc có một ô tên “Lò Rèn” (thuộc ấp Tân Lộc). Sở dĩ gọi là ô Lò Rèn vì trước đây hầu hết các hộ dân khu vực này sống bằng nghề rèn. Nghề rèn đã tồn tại ở đây khoảng một trăm năm.

Từ năm 1990 về trước, nghề rèn phát triển rất mạnh, hầu hết người dân sống bằng nghề rèn. Bất kỳ ngày nào trong năm (trừ mấy ngày tết), vừa đặt chân đến địa phận ô Lò Rèn là người ta nghe âm thanh “cốp cốp”, “kẻng, kẻng” của búa tạ đập lên sắt thép. Các mặt hàng rèn được sản xuất ở ô Lò Rèn rất đa dạng như: cày, cuốc, liềm, phảng, rựa, dao, kéo cân xách tay…

Đã gần 16 giờ, trời mùa hạ oi bức, anh Trần Văn Hiệp và một thợ phụ, mình trần tay búa đang tranh thủ rèn rựa cho kịp giao khách hàng. Dừng tay nghỉ vài phút, anh Hiệp cho biết, nghề rèn của gia đình anh là cha truyền con nối.

Riêng anh bắt đầu làm nghề từ năm 18 tuổi, đến nay vẫn duy trì. Mặt hàng anh làm thường là dao, rựa theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ làm hàng bảo đảm chất lượng, anh thường xuyên có người đặt hàng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày anh Hiệp có thu nhập khoảng 200.000 đồng từ nghề rèn, sau khi trừ hết các khoản tiền vật tư và tiền thuê một công thợ.

Anh Hiệp cho biết thêm, trước kia làm nghề rèn vất vả hơn bây giờ. Muốn làm được một sản phẩm đồ rèn, phải cần đến 3 lao động có sức khoẻ tốt, gồm một người ngồi kéo ống bể (thổi lửa quạt than), một thợ chính và một thợ phụ đập sắt thép. Ngày nay, làm nghề rèn đỡ vất vả hơn trong khâu thổi lửa, vì nhờ có quạt điện. 

Làng nghề rèn ở ô Lò Rèn giờ đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do công nghiệp ngày càng phát triển, cơ giới hoá từng bước thay thế sức lao động con người, nên các mặt hàng rèn thủ công ngày càng khó tiêu thụ. Từ đó nhiều người ở ô Lò Rèn lần lượt bỏ nghề. Hiện nay, ở ô Lò Rèn chỉ còn 63 hộ duy trì nghề rèn, chủ yếu làm dao, rựa, liềm, cuốc... 

Đến thị trấn Trảng Bàng, sau khi thưởng thức đặc sản bánh canh, bánh tráng phơi sương với rau rừng ngon, lạ, an toàn, du khách có thể ghé thăm các làng nghề truyền thống, vừa tham quan, vừa tìm hiểu, vừa có thể mua sắm các mặt hàng thủ công về làm quà cho người thân.

N.H