BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân:

Lấy Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm trung tâm 

Cập nhật ngày: 21/11/2018 - 06:12

BTN - UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Thành lập bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là một bước đi cụ thể đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) và Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 27.3.2018 của Tỉnh uỷ, tháng 5.2018, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Thành lập bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là một bước đi cụ thể đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

GIẢM BÉO PHÌ, TĂNG CHIỀU CAO

Mục tiêu chung của kế hoạch là  nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ y học tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Mục tiêu cụ thể, UBND đề ra, đến năm 2025, tuổi thọ trung bình người dân khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm. Theo kế hoạch, năm 2025, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc-xin, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5; dưới 1 tuổi còn 12,5. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156 cm.

Năm 2025, phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Về tỷ lệ giường bệnh, đến thời điểm đó, phấn đấu đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân, riêng tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%. Về chỉ số hài lòng, năm 2025, có trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế.

Năm 2030, tuổi thọ trung bình người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 30%. Theo kế hoạch, năm 2030, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc-xin, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 15     dưới 1 tuổi còn 10      .

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ 157,5cm. Đến năm 2030, phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Về giường bệnh, đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ; 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Năm 2030, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90% và cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

THÀNH LẬP BỆNH VIỆN VỆ TINH

Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền phải đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hoá… vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Các cấp, các ngành, đoàn thể phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, trước hết là trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng và chữa bệnh.

Đối với vấn đề nâng cao sức khoẻ nhân dân, cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân. UBND tỉnh yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người dân. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, đặc biệt là ở vùng sâu, biên giới.

Mặt khác, khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khoẻ trên bao bì. Các ngành chức năng thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ; sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá. Lĩnh vực giáo dục thể chất, công tác thể thao phải đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể, tăng cường công tác y tế học đường.

Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các hệ thống cấp thoát nước; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm các dòng sông, các cơ sở sản xuất, tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao, chống lạm dụng hoá chất trong nuôi trồng.

Đối với việc phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, UBND tỉnh yêu cầu bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét, củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Ngành Y tế và các ngành liên quan, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Trong đó, chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.  Đối với y tế cơ sở, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân, có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ.

Về tổ chức bộ máy, theo kế hoạch của UBND tỉnh, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống sốt rét và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ. Dự kiến đến cuối năm 2020, tiếp tục hợp nhất Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Nhằm cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, kế hoạch của UBND tỉnh là phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng huyện, thành phố bên cạnh các cơ sở thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y. Trong chuyên môn, hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả tỉnh.

Thực hiện đánh giá, kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và các năm sau. Đồng thời, thực hiện dự án triển khai bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (phát triển chuyên khoa tim mạch với Bệnh viện Chợ Rẫy là hạt nhân).

Tương tự, tiếp tục phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh với các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình trong các năm tiếp theo, bảo đảm cho Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đủ năng lực làm hạt nhân hỗ trợ phát triển chuyên môn, kỹ thuật cho mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đối với tuyến cơ sở, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh tuyến huyện với Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là trung tâm. Bệnh viện, trung tâm y tế tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Theo thông tin trong đề án nâng cấp toàn diện Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, việc thành lập bệnh viện vệ tinh được thực hiện trong hai năm 2018-2019.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế. Cụ thể là triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền phân phối thuốc, không để các doanh nghiệp không được phép nhưng vẫn thực hiện phân phối thuốc trá hình, cùng với đó, tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

ĐẦU TƯ CHO NHÂN LỰC, CÔNG NGHỆ

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương hỗ trợ đào tạo và thu hút phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh được ban hành theo các quyết định đã được thông qua. Để làm được điều đó, cần chủ động liên hệ, liên kết với các cơ sở đào tạo để tăng thêm chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu của tỉnh, nhất là chỉ tiêu đào tạo bác sĩ. Mặt khác, mở các lớp liên kết đào tạo tại tỉnh để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ; liên kết đào tạo nâng cao trình độ các chuyên ngành hiếm và các chuyên khoa đặc thù khác.

Cùng với đó, có cơ chế thu hút chuyên gia y tế từ tuyến trên về tỉnh làm việc ngắn hạn dưới nhiều hình thức linh hoạt. Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong.

Tập trung xây dựng đề án thu hút chuyên gia y tế từ các đơn vị y tế tuyến trên về hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong tỉnh với nhiều hình thức làm việc linh hoạt để vừa thuận tiện cho chuyên gia, vừa tạo điều kiện cho cán bộ y tế trong tỉnh tiếp thu kiến thức tại chỗ, thực hành ngay tại chỗ. Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đối với y, bác sĩ nhưng cũng phải có biện pháp an ninh để bảo vệ đội ngũ thầy thuốc. Trong lĩnh vực công nghệ, cần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế.

VIỆT ĐÔNG

Công tác khám, chữa bệnh được cải thiện, ngành Y tế đang triển khai thực hiện 4 dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong thời gian tới. Với việc khởi công các Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hưng và Xuyên Á (Hồng Hưng 300 giường, Xuyên Á 300 giường), dự kiến đến năm 2020, tỉnh sẽ có thêm 600 giường bệnh phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình năm 2017-2018 tại 9 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia đến cuối năm đạt 81% (77/95 xã, phường). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 11,2% (kế hoạch 2018: 11,2%), số giường bệnh/vạn dân ước đạt 19 giường (KH 2018: 19 giường) và đạt 6,7 bác sĩ/vạn dân (kế hoạch 2018: 6,5 bác sĩ). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,3% so với dân số toàn tỉnh (kế hoạch 2018: 81,3%). (Trích báo cáo của UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ, ngày 17.11.2018).