Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lời kêu cứu của một công nhân bị tai nạn lao động:

Lẽ nào nạn nhân lại… “tự đưa cánh tay vào máy” (?!) 

Cập nhật ngày: 19/05/2017 - 06:35

BTNO - Anh Nguyễn Thành Tây (36 tuổi, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành) gửi đơn đến Báo Tây Ninh khiếu nại Công ty TNHH GNG (đặt tại ấp 3, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) chưa giải quyết chế độ tai nạn lao động cho anh.

Anh Tây đang được điều trị tại BVÐK Tây Ninh.

Theo đơn khiếu nại, anh Tây trình bày, anh vào làm việc tại Công ty TNHH GNG từ ngày 16.2.2016, với mức tiền lương khoán theo ngày (cao nhất 700.000đ/ngày - thấp nhất 180.000đ/ngày). Tuy nhiên, công ty không cho ký hợp đồng lao động chính thức. Công việc anh Tây phải làm là công nhân tinh bột, thời gian anh làm, chưa được công ty tập huấn vận hành máy và tập huấn về an toàn lao động trong quá trình làm việc.

Anh Tây nhớ lại, vào khoảng 5 đến 6 giờ ngày 15.1.2017, lúc anh đang làm việc, thao tác bình thường, nhưng khi đưa bột từ băng tải ra, cánh tay trái của anh bị cuốn vào máy. Lúc anh bị cuốn cánh tay vào máy không có ai phát hiện vì máy chạy quá ồn ào. Anh kêu cứu rất nhiều nhưng không có ai nghe thấy.

Sau gần 20 phút anh Tây bị treo lơ lửng trên máy, rất may có anh Duy thủ kho nghe tiếng anh Tây cầu cứu, anh Duy liền kêu lên. Lúc này có ông Nguyễn Lương Minh Quốc là giám đốc công ty và một số công nhân các bộ phận khác đến trợ giúp đưa anh Tây xuống đất, anh Tây được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh điều trị, rồi được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển qua Bệnh viện Phục hồi chức năng.

Ngày 7.3, anh Tây được ra viện, nhưng đã bị cụt mất cánh tay trái, được bệnh viện chẩn đoán “vết thương mỏm cụt vai trái (Z47)”. Ðến nay, sau nhiều ngày điều trị, vết thương tái phát vì bị nhiễm trùng, anh Tây bị đau đớn liên tục và phải chịu đựng mổ đi mổ lại tổng cộng 5 lần. Mới đây, ngày 17.5, anh Tây lại được các y, bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh thông báo sẽ tiếp tục mổ vì vết thương bị  “nhiễm trùng mỏm cắt cụt vai trái”.

Nằm trên giường bệnh, anh Tây nghẹn ngào cho biết, hiện tại hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ chồng anh đã ly dị, anh đang nuôi con trai 12 tuổi, cha mẹ đã mất cách nay gần 1 năm sau cơn bạo bệnh, anh còn nuôi ông bà ngoại, các chị em đều có gia đình riêng, nhưng ai cũng khó khăn nên không giúp được gì cho anh. Những ngày nằm viện, con trai anh vừa đi học vừa phải tranh thủ đến bệnh viện nuôi cha. Cũng may, địa phương hỗ trợ anh mỗi tháng được gần 500.000 đồng.

Trong khi đó, cho đến nay, Công ty TNHH GNG không tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn để giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn lao động cho anh Tây theo quy định pháp luật. “Quá trình cấp cứu và điều trị với chi phí gần 70 triệu đồng, nhưng Công ty mới cho tôi tạm ứng 40 triệu đồng”- anh nói.

Anh Tây cho biết, ngày 13.3, anh đã làm đơn khiếu nại đến Giám đốc Công ty TNHH GNG, nhưng công ty không tiến hành giải quyết. Ngày 30.3, anh làm đơn yêu cầu Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngày 9.4, Công ty TNHH GNG có Văn bản số 03-2017/CV-GNG về việc “trả lời đơn khiếu nại của người lao động” và Biên bản “điều tra tai nạn lao động” số 01-2017/BB-GNG ngày 7.4 trả lời cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc điều tra tai nạn lao động và giấy xác nhận hỗ trợ chi phí tiền điều trị tai nạn của anh Tây.

Ðối với nội dung văn bản trả lời này, anh Tây bức xúc cho rằng:  “Về tiền chi phí điều trị, công ty nói đã chi cho tôi 56 triệu đồng là không đúng, tôi chỉ nhận từ công ty số tiền 40 triệu đồng”. Anh cũng không đồng ý với việc công ty cho rằng anh tự đưa tay trái vào băng tải. Anh khẳng định: “Trong lúc tôi đang thao tác bình thường khi đang đưa bột từ băng tải ra, thì cánh tay trái bị máy cuốn vào”.

Theo ông Nguyễn Văn Nho, Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh- Liên đoàn Lao động tỉnh: “Biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 9.4.2017: Thành phần và thời gian đoàn điều tra tai nạn lao động cơ sở là trái với quy định tại k 7, Ðiều 13 Nghị định 39/2016/NÐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ và k1; điểm b, k 6, Ðiều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Căn cứ vào khoản 3, 6 Ðiều 32 và khoản 3, 4 Ðiều 33 Nghị định 3712016/NÐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, anh Tây đã làm đơn khiếu nại gửi đến Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu tiến hành điều tra lại vụ tai nạn lao động của anh; giới thiệu anh Tây ra Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định tỷ lệ thương tật và buộc Công ty TNHH GNG giải quyết cho anh các chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật”.

Sông Ninh