BAOTAYNINH.VN trên Google News

Liên kết doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân trồng lúa 

Cập nhật ngày: 26/08/2017 - 06:25

BTNO - Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp với Hội Nông dân ở một số xã triển khai chính sách thu mua, đầu tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân vận chuyển lúa ra điểm thu mua.

Mô hình liên kết 4 nhà được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhưng vai trò của “nhà doanh nghiệp” còn khá mờ nhạt. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ nông sản, đồng thời phát huy vai trò của doanh nghiệp, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp với Hội Nông dân ở một số xã triển khai chính sách thu mua, đầu tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Đến xã An Bình (huyện Châu Thành) vào một buổi chiều tháng 8, mặc dù mặt trời đang dần tắt nắng, nhưng con đường nội đồng ở ấp Thạnh An vẫn rất náo nhiệt. Đây là điểm tập kết lúa vừa thu hoạch xong của nông dân, đang chờ doanh nghiệp đến thu mua, vận chuyển.

Anh Dương Thanh Phong- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình cho biết, mô hình liên kết 4 nhà ở xã An Bình được thực hiện từ năm 2015 với diện tích 298 ha và 198 hộ tham gia.

Trước đây, dù trong mô hình có đề cập đến sự tham gia của doanh nghiệp nhưng thực tế nông dân vẫn phải bán cho thương lái. Vụ Hè Thu năm nay, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm cầu nối, ngay từ đầu vụ, Hội Nông dân xã phối hợp với Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại - dịch vụ Huỳnh Phương triển khai chính sách thu mua của công ty đến nông dân.

Ông Châu Việt Hùng- Phó Giám đốc Công ty Huỳnh Phương cho biết, công ty sẽ đầu tư sản xuất, tạm ứng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 50 - 100 đồng/kg.

Hiện công ty đã triển khai 2 loại giống cao sản, gồm giống RVT (giống cao sản của miền Tây) có giá sàn 5.200 đồng/kg; Đài thơm 8, có giá 5.000 đồng/kg. Trên địa bàn huyện Châu Thành, công ty đã giao giống cho xã Ninh Điền. Sau khi cân lúa, công ty sẽ trả tiền cho nông dân tại ruộng.

Tuy phấn khởi vì có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình sản xuất, nhưng một số nông dân cho biết vẫn e ngại vì mô hình còn mới mẻ. Anh Võ Minh Quân, ngụ ấp Thanh An (xã An Bình) có diện tích sản xuất khoảng 3,5 ha.

Vụ Hè Thu năm nay, anh thu hoạch khoảng 16 tấn lúa. Anh Quân cho biết, so với giá bán cho thương lái, giá thu mua của Công ty Huỳnh Phương cao hơn. Do hai giống lúa công ty triển khai còn mới, đến vụ Mùa anh dự định trồng thử nghiệm 1 ha, nếu đạt năng suất cao anh sẽ tiếp tục trồng trên toàn bộ diện tích ruộng nhà.

Dự kiến, giai đoạn 2017 - 2022, Công ty Huỳnh Phương tập trung đầu tư trên địa bàn 2 huyện Châu Thành và Trảng Bàng, trong đó, chủ yếu ở địa bàn Châu Thành. Khoảng cuối năm 2018, công ty sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động từ 5-10 lò sấy lúa công nghệ cao ở Châu Thành.

TRÚC LY


Liên kết hữu ích