Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc 

Cập nhật ngày: 01/03/2018 - 15:07

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, tạo thành chuỗi du lịch khép kín, bảo đảm chất lượng và an toàn là hướng đi mới để du lịch vùng Tây Bắc phát triển.

Festival dù lượn bay trên mùa vàng, một sản phẩm du lịch đặc trưng của Yên Bái.

Vùng Tây Bắc với những giá trị nổi bật và khác biệt từ thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng... là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch, song đến nay, du lịch vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, tạo thành chuỗi du lịch khép kín, bảo đảm chất lượng và an toàn là hướng đi mới để du lịch vùng Tây Bắc phát triển.

Tour du lịch đặc trưng hút khách

Lào Cai - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt tạo ấn tượng với du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, những bản làng ẩn hiện trong sương, trăm hoa khoe sắc...

Điển hình là Sa Pa, nơi được mệnh danh là “thị trấn trong mây” với khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa đông còn có tuyết. Đến đây, du khách còn có thể trải nghiệm hệ thống cáp treo hiện đại lên nóc nhà Đông Dương Fansipan, khám phá vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có hệ sinh thái độc đáo và đa dạng. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Sa Pa, một trong những hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á...

Ngoài tiềm năng về tự nhiên, Lào Cai có tiềm năng rất lớn về văn hóa, với 25 dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi một dân tộc lại có nét đặc trưng văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu. Lào Cai nổi tiếng với những phiên chợ, những lễ hội đặc sắc luôn thu hút du khách hòa cùng nhịp sống đặc trưng theo phong cách vùng cao...

Có thể nói, những thế mạnh này đã giúp Lào Cai xây dựng được một hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, tạo ra điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc. Có thể kể đến những tour du lịch hấp dẫn như chinh phục đỉnh Fansipan - nóc nhà của Đông Dương, chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Bát Xát), leo núi Ba mẹ con (Bắc Hà)... hay khám phá văn hóa của đồng bào các dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì... ở các làng cộng đồng thuộc các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương...

Du khách cũng có thể ghé thăm những điểm đến hấp dẫn như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu - Suối vàng (Sa Pa); Hồ Na Cồ, khu vực lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà); Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát)...

Đặc biệt, Lào Cai còn đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch chợ phiên tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương; du lịch chuyên đề về hoa với các tour mùa hoa tam giác mạch (Bắc Hà, Si Ma Cai), hoa đỗ quyên (Y Tý, Vườn quốc gia Hoàng Liên), thung lũng hoa (Bắc Hà)...

Leo Fansipan là tour du lịch đặc trưng của Lào Cai.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

Yên Bái được biết đến với các địa danh như: Hồ Thác Bà, hồ Đầm Hậu, đầm Vân Hội, vùng văn hóa Mường Lò đặc trưng dân tộc Thái, danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo Tây Bắc, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải), núi Tà Xùa, Tà Sì Nhù (huyện Trạm Tấu), khu sinh thái Suối Giàng, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, vùng đất ngọc Lục Yên...

Các hệ thống lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: Hội Hạn Khuống của người Thái, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, nghệ thuật xòe của người Thái, múa khèn của người Mông, hát giao duyên của người Cao Lan...

Dựa trên các lợi thế về tiềm năng, Yên Bái phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, mang nét văn hóa đặc trưng riêng. Trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Sà Rèn, bản Đêu thị xã Nghĩa Lộ, bản Thái Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải...

Bên cạnh đó, Yên Bái cũng chú trọng xây dựng và hoàn thiện những sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách như: Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Sì Nhù; chinh phục đỉnh cao Púng Luông; trải nghiệm du lịch mạo hiểm “Dù lượn bay trên mùa vàng” tại đèo Khau Phạ; hay du lịch sinh thái mênh mông hồ Thác Ba; du ngoạn rừng chè cổ thụ Suối Giàng...

Tỉnh Hà Giang cũng là một trong số các tỉnh có nhiều địa danh nổi tiếng vùng Tây Bắc, như Danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dẩn, chùa Sùng Khách, Phố cổ Đồng Văn, nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, công viên địa chất toàn cầu toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn...

Với nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên và nhân văn, Hà Giang chú trọng phát triển các loại hình du lịch, trong đó tập trung vào một số loại hình đặc trưng của tỉnh như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch mạo hiểm leo núi...

Có thể kể đến một số sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Giang như du lịch cộng đồng làng Nậm Đăm (Quản Bạ), làng du lịch cộng đồng Lô Lô, du lịch trải nghiệm cao nguyên đá Đồng Văn, ngắm hoa tam giác mạch...

Mới đây, tỉnh Hà Giang đã xây dựng và ra mắt một số sản phẩm du lịch mới như tour “Mây nắng Chiêu Lầu Thi”, kết hợp khám phá, hòa mình vào thiên nhiên lẫn trải nghiệm phong tục, lối sống và sinh hoạt của một vùng đất giàu có về văn hóa.

Tour du lịch mạo hiểm “Vượt thác Minh Tân” dọc theo quốc lộ 4C, đoạn từ km20 về thành phố Hà Giang, song song với con đường là dòng suối dốc cực kỳ lý tưởng cho các hoạt động như chèo kayak mạo hiểm vào mùa nước nổi, đi bộ, câu cá dọc suối vào mùa cạn, cắm trại tại các bãi sỏi ven bờ quanh năm. Tour “Trời xanh cao nguyên” trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm dù lượn trên Cao nguyên đá Đồng Văn...

Đỉnh Chiêu Lầu Thi thuộc huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Không chỉ Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, mà các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đặc trưng để thu hút khách. Điện Biên với điểm nhấn là Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khu du lịch hồ Pá Khoang, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, động Pa Thơm...

Vùng đất tổ Phú Thọ, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể, với 2 di sản được UNESCO công nhận là hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cao Bằng với chiêm ngưỡng vẻ đẹp thác bản Giốc và trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc bản địa...

Có thể nói, những tour tuyến du lịch đặc trưng ở các tỉnh vùng Tây Bắc là những tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của từng địa phương.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Đánh giá của Tổng cục Du lịch cho thấy, vùng miền núi phía Bắc là nơi có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc sắc và mang tính đặc thù cao. So với các vùng miền khác trên cả nước, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là vùng có sự khác biệt lớn về khí hậu, địa hình, cảnh quan cũng như bản sắc văn hóa, tạo ra những giá trị trải nghiệm hấp dẫn, hình thành sản phẩm du lịch.

Đây cũng chính là những lợi thế cạnh tranh quan trọng của các tỉnh vùng miền núi phía Bắc trong cả nước, cũng như tạo sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Quả thực, Tây Bắc là nơi tập trung những đỉnh núi cao nhất, và những địa hình hiểm trở, tạo ra những cảnh quan hùng vĩ, cùng vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên, những cảnh sắc biến đổi theo từng vùng khí hậu và từng mùa trong năm. Những đỉnh núi cao nhất tập trung ở vùng Tây Bắc như Fansipan (3.143m), Pusilung (3.076m), Puluông (2.893m), Tây Côn Lĩnh (2.419m)... đây có thể coi là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch khám phá, trải nghiệm.

Với địa hình núi cao, kết hợp với các yếu tố thảm thực vật và cây trồng nông nghiệp, hệ thống thủy văn sông suối và các hồ, vùng Tây Bắc là vùng có cảnh quan hùng vĩ nhất Việt Nam, với nhiều thắng cảnh đẹp, cảnh quan đặc biệt hấp dẫn. Tiêu biểu như Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), đặc biệt là công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận về giá trị cảnh quan núi đá vôi độc đáo.

Vẻ đẹp hồ Pá Khoang – Điện Biên, tiềm năng để phát triển du lịch.

Tây Bắc cũng là vùng có nhiều hồ nước lớn nhất Việt Nam, có thể khai thác dịch vụ du lịch như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Thác Bà (Yên Bái), hồ Hòa Bình, hồ Sơn La... hệ thống sông, suối trong vùng cũng khá dày đặc, với các sông lớn có diện tích lưu vực trên 1.000 km2, như sông Hồng, sông Lô... Tây Bắc cũng có khí hậu núi cao, trong lành, mát mẻ quanh năm, phù hợp tham quan, du lịch nghỉ dưỡng...

Mặc dù là vùng chứa đựng nhiều “kho báu” về tài nguyên du lịch, nhưng trên thực tế, “kho báu” này hiện chưa phát triển được bao nhiêu. Thực tế cho thấy, Tây Bắc là địa bàn phát triển muộn hơn, đồng thời cũng là vùng có nhiều khó khăn nhất so với các vùng khác trên cả nước, nên số lượng khách du lịch đến vùng còn hạn chế. Theo thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến địa bàn vùng Tây Bắc hàng năm chỉ chiếm khoảng 7% lưu lượng khách trong cả nước, mặc dù số lượng du khách đến tham quan trong khu vực tăng dần theo từng năm, nhưng vẫn còn thấp so với các vùng khác trong cả nước.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, thời gian qua, vùng Tây Bắc có những bước phát triển đặc biệt. Mỗi tỉnh, thành phố đang có sự phát triển bứt phá, bước đầu hình hành điểm đến có chất lượng thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch vùng Tây Bắc chưa cao, một số địa phương có sự phát triển đột phá, nhưng chất lượng chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng.

Ghi nhận ý kiến tại một hội nghị phát triển du lịch vùng Tây Bắc mới đây cho thấy, hầu hết các ý kiến tham dự hội nghị, từ Trung ương, đến địa phương, từ nhà quản lý đến doanh nghiệp đều cho rằng, với hạn chế về điều kiện hạ tầng, địa hình đồi núi gập ghềnh, nhiều đèo dốc hiểm trở, thường xuyên có lũ quét, sạt lở đất làm cho đầu tư tốn kém; hệ thống giao thông chưa đồng bộ, việc đi lại, di chuyển dòng khách du lịch giữa các địa phương, giữa các điểm du lịch vẫn còn vất vả và mất nhiều thời gian...

Hoạt động du lịch ở các địa phương trong vùng Tây Bắc còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch đơn sơ, rời rạc, chưa hấp dẫn, chưa có thương hiệu, chưa thu hút được thị trường khách cao cấp lưu trú dài ngày...

Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí còn thiếu thốn và thấp cấp, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ, lực lượng nhân lực du lịch thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả, kinh doanh du lịch còn thiếu khiêm tốn. Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh vùng Tây Bắc là bài toán mà ngành du lịch và các tỉnh, thành trong vùng Tây Bắc đang đi tìm lời giải.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng

Phát triển du lịch là định hướng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh Tây Bắc, là lĩnh vực mà vùng có thế mạnh nổi trội, mang tính đặc thù. Phát triển du lịch không những thúc đẩy phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống cộng đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Phát triển du lịch với những cách làm đặc thù, phù hợp với điều kiện và năng lực của người dân miền núi cao Tây Bắc sẽ là hướng đi tích cực, giúp phát triển vùng Tây Bắc một cách bền vững.

Vẻ đẹp của thiên nhiên là tiềm năng phát triển du lịch Tây Bắc. Ảnh: Ruộng lúa vàng dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi.

Trong những năm gần đây, vùng Tây Bắc đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình liên kết phát triển du lịch, điển hình là mô hình liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, mô hình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, mô hình du lịch về cội nguồn... Nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc cũng đã thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác nội vùng và với các tỉnh trong và ngoài nước. Các hình thức liên kết giữa khu vực nhà nước với tư nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các hiệp hội ngành nghề với nhau cùng phát triển đa dạng, góp phần phát triển du lịch Tây Bắc.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, kết quả đạt được trong liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng và thế mạnh của địa phương.

Trong đó, sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn các tỉnh, giữa các cơ quan ban ngành địa phương có liên quan còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, hoạt động hợp tác phát triển du lịch nói chung, và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng, nhìn chung vẫn mang tính tự phát, nặng về hình thức, còn manh mún, dàn trải, thiếu sự liên kết phối hợp đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Còn thiếu các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang, cũng như liên kết theo không gian lãnh thổ và liên kết ngành chưa chú trọng liên kết doanh nghiệp. Chưa tạo thành chuỗi liên kết, sản phẩm di lịch trong các vùng có sự trùng lắp cao, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, thiếu các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, tiểu vùng, sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Khi bàn đến giải pháp để phát triển du lịch vùng Tây Bắc, hầu hết ý kiến của các chuyên gia trong ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, cần triển khai thực hiện các giải pháp then chốt để thực sự thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc.

Trong đó, một trong những giải pháp các chuyên gia đưa ra để du lịch vùng Tây Bắc phát triển, đó là, các địa phương cần xác định việc phát triển du lịch đặc thù. Cụ thể, mỗi một tỉnh xác định chọn từ 1 - 3 điểm đến đặc trưng, là cốt lõi dựa trên tài nguyên đặc sắc của mình để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ví dụ, Lào Cai là Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà, 3 trọng điểm này liên kết với một số điểm đến phụ cận trong khu vực.

Sơn La lấy Mai Châu là trọng tâm, Hà Giang, trọng tâm là Cao nguyên đá Đồng Văn để làm điểm đến trụ cột. Từ điểm đến đó, kết nối với một số điểm đến phụ trợ khác, để du khách dành nhiều thời gian chi tiêu cho các điểm đến đó.

Bên cạnh việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, cần triển khai thực hiện các giải pháp then chốt như liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho vùng Tây Bắc, hợp lực trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển liên kết hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc, phát triển chuỗi cung ứng các dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm liên kết, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch... như vậy, ngành du lịch Tây Bắc mới phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Phát triển những sản phẩm khác biệt 

Tây Bắc là vùng có tài nguyên đa dạng, vừa nổi bật, vừa khác biệt, đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Tôi cho rằng, khu vực Tây Bắc cần phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế về tạo ra những sản phảm nổi bật và khác biệt.

Mỗi địa phương cần phải dựa trên những yếu tố nổi trội và khác biệt của mình để tạo ra những sản phẩm đặc biệt cho địa phương mình. Bên cạnh đó, phải giữ gìn những giá trị văn hóa và thiên nhiên, bởi đây là yếu tố quyết định, nền tảng để phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời, vừa tăng cường thu hút các doanh nghiệp lớn, vừa tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, vùng Tây Bắc rất cần các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu vực có tài nguyên du lịch đặc sắc và nổi bật, đồng thời, chúng ta cũng cần phát triển trên diện rộng du lịch cộng đồng, bởi du lịch cộng đồng là một lợi thế, và là một trong những hướng phát triển vừa đem lại những cảm hứng và trải nghiệm đặc sắc cho khách du lịch, vừa tạo ra lợi nhuận và việc làm cho đồng bào dân tộc ở những vùng có tài nguyên du lịch nhưng kinh tế còn chậm phát triển. 

Ông Phùng Quang Thắng, Đại diện Công ty Du lịch Hà Nội Hanoitourist:Tạo cầu nối với các nhà cung cấp dịch vụ

Để du lịch Tây Bắc phát triển, cần tạo cầu nối với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, vận chuyển, điểm tham quan, nhà hàng, điểm mua sắm... để thống nhất chương trình và mức giá cho từng giai đoạn phù hợp với chiến lược tiếp thị và quảng bá để cùng thu hút khách; cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm và các tuyến giao thông trong hành trình; quan tâm đầu tư về môi trường, cảnh quan tại các điểm và các tuyến giao thông trong hành trình mang đặc thù Tây Bắc, ví dụ như tăng cường trồng hoa ban, hoa đào...; chú trọng đầu tư hệ thống bảng biển chỉ dẫn, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm đến, nhất là các điểm đến quan trọng trong hành trình; có đường dây nóng giải quyết các phát sinh trong quá trình phục vụ khách mà vượt tầm kiểm soát của các doanh nghiệp; định kỳ tổ chức có tổng kết, đánh giá hiệu quả triển khai sản phẩm du lịch; cung cấp thường xuyên hình ảnh, video quảng bá về du lịch Tây Bắc định kỳ theo mùa cho các công ty du lịch... 

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Cần coi trọng bản sắc văn hóa

Phát triển du lịch Tây Bắc cần coi trọng bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc và coi trọng quyền lợi của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Nếu không có quyền lợi của đồng bào địa phương, nếu không giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, thì sẽ không thể phát triển du lịch được, bởi nếu vùng nào cũng thi nhau làm du lịch na ná nhau... thì sẽ tẻ nhạt, và không thu hút khách. 

Vùng Tây Bắc nếu muốn thu hút khách đến, thì phải cho khách thấy vẻ đẹp của từng nơi, từng vùng. Vẻ đẹp ở Yên Bái, Lào Cai, khác Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... vẻ đẹp của làng dân tộc Thái khác làng dân tộc Mông, dân tộc Dao, Lô Lô... những bản sắc đó cần được tạo ra thành những sản phẩm hấp dẫn chứ không thể là những sản phẩm chung chung được. Muốn vậy, cần chú trọng đến việc nghiên cứu tạo sản phẩm đặc thù mà khách quan tâm, nghĩa là, ta bán cái du khách cần, chứ không phải bán cái ta có. 

Nguồn Báo Tin tức