BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao:

Lo "đầu ra" 

Cập nhật ngày: 11/10/2019 - 06:19

BTN - Có một vấn đề mà người nông dân tham gia vùng sản xuất lúa chất lượng cao băn khoăn, đó là hạt lúa của các thành viên trong mô hình chưa có đầu ra ổn định. Lúa chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP nhưng phải bán cho thương lái theo giá thị trường.

Đoàn kiểm tra chất lượng lúa thử nghiệm của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành.

Xã Thanh Điền có lợi thế là địa phương có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ruộng đồng tương đối bằng phẳng, có hệ thống thuỷ lợi phát triển tương đối hoàn chỉnh, thuận lợi cho tưới tiêu và áp dụng cơ giới hoá. Đồng thời, người dân có kinh nghiệm làm nông nghiệp với cây trồng chủ đạo nhiều năm qua là cây lúa nước.

Tuy nhiên, việc canh tác cây lúa nhiều năm theo tập quán cũ tốn nhiều công sức và vốn đầu tư nhưng năng suất chưa được như mong đợi khiến nhiều nông dân không còn thiết tha với mảnh ruộng, mà dần chuyển sang các lĩnh vực khác. 

Hướng đi mới 

Trước thực trạng trên, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cấp uỷ và chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về vai trò, ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên tham gia thực hiện mô hình vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.

Được chọn tham gia mô hình vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao từ năm 2017, triển khai thực hiện, vùng trồng lúa chuyên canh chất lượng cao của xã Thanh Điền, đến nay đã thu hút được 174 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích là 233,5 ha, với 5 tổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Diễu (ngụ ấp tổ 15, ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền) cho biết, được sự vận động của Hội Nông dân xã, năm 2017 ông tham gia tổ sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích hơn 1 ha lúa. Theo ông Diễu, khi tham gia mô hình chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, ông và các hộ nông dân được cán bộ Khuyến nông huyện, tỉnh tổ chức tập huấn về các phương pháp làm đất, gieo sạ lúa bằng máy và phương pháp chăm sóc lúa “3 giảm 3 tăng”.

Lợi nhuận thu được trên cùng 1 diện tích sản xuất lúa của gia đình ông tăng đáng kể. Cụ thể, với 1 ha lúa trước đây, bình quân mỗi vụ ông chỉ thu hoạch cao nhất chưa tới 7 tấn lúa. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà hiện nay, năng suất lúa của gia đình ông tăng lên từ 7,5 đến 8 tấn/ha/vụ.

Còn theo ông Bùi Văn Lệ, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa số 5 ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền, ông là một trong những người tham gia mô hình này đầu tiên với 2 ha trồng lúa từ năm 2017 đến nay. Nhận thấy hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt nên ông đã vận động nhiều nông dân xung quanh tham gia. Hiện tổ sản xuất lúa do ông quản lý có 32 hộ tham gia, với diện tích canh tác gần 47 ha.

Năng suất canh tác của các thành viên trong tổ trung bình từ 7 đến 8 tấn/ha/vụ, tăng từ 0,5 đến hơn 1 tấn/ha/vụ so với trước đây. Đồng thời, nhờ áp dụng các phương pháp như sạ hàng và rải phân bón bằng máy nên ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 20% - 30% so với lối canh tác cũ. “Trước đây, người nông dân thường hay sản xuất nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm nên năng suất và chất lượng lúa không cao, dẫn tới lúa khó bán, lợi nhuận thấp”, ông Lệ nói. 

Vẫn còn vất vả tìm đầu ra

Theo bà Trần Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập 5 tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình chuẩn VietGAP, đến nay đã thu hút 174 hội viên tham gia với tổng diện tích sản xuất là 233,5 ha. 

Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay có thể thấy hiệu quả từ mô hình này rõ rệt, năng suất và chất lượng hạt lúa sản xuất từ mô hình đều tăng. Hội Nông dân xã làm cầu nối với doanh nghiệp tư nhân Hùng Diệp thực hiện chương trình mua phân bón trả chậm cho nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất. 

Tuy nhiên, có một vấn đề băn khoăn của Hội, đó là hạt lúa của các thành viên trong mô hình chưa có đầu ra ổn định. Lúa chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP nhưng phải bán cho thương lái theo giá thị trường.

Theo ông Bùi Văn Lệ, trước đây, khi triển khai mô hình thì nông dân nghe nói có một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa của bà con. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ thu mua lúa của vài hộ ở vụ đầu tiên rồi “mất hút” cho đến nay. Do đó, hiện nhiều nông dân đang rất lo lắng về vấn đề này.

Theo ông Trần Văn Diễu, hình này rất tốt, giúp người nông dân tiếp cận các biện pháp canh tác mới, hiệu quả. Như thế là chưa đủ. Bởi lẽ lúa sản xuất theo quy trình chất lượng cao là tốt, nhưng rất cần phải có đầu ra ổn định người nông dân mới an tâm canh tác.

Ông Trần Văn Quân - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết, việc xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP là một trong những định hướng của huyện về xây dựng vùng lúa chất lượng cao, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng gắn với thương hiệu địa phương.

Mô hình đã giúp nông dân trong vùng thay đổi phương thức canh tác truyền thống, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào  cách quản lý đồng ruộng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất và chất lượng lúa gạo cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, nông dân cũng không vứt vỏ chai thuốc bừa bãi ngoài ruộng như trước mà thu gom đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, mô hình đến nay chưa thực sự thành chuỗi sản xuất, dù các quy trình sản xuất được bảo đảm nhưng thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân nên đầu ra sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ.

Minh Dương