Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giao tài sản trúng đấu giá ở Trảng Bàng:

Loay hoay không lối thoát 

Cập nhật ngày: 13/06/2017 - 13:14

BTN - Hơn 4 năm nay, ông Nguyễn Minh Phụng (SN 1984, ngụ ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) vẫn đang mòn mỏi chờ nhận phần nhà đất mình đã mua trúng đấu giá. Tiền đã nộp đủ nhưng tài sản vẫn chưa được nhận, còn việc giải quyết của các cơ quan chức năng thì cứ loay hoay, chưa dứt điểm.

Phần diện tích nhà, đất đang “lằng nhằng” giữa gia đình ông Trên, bà Hoa và ông Phụng.

Ông Phụng cho biết, vào ngày 25.4.2013 ông có tham gia đấu giá tài sản và là người trúng đấu giá phần nhà đất có diện tích 1.224,2m2 trong đó có 300m2 đất ở, toạ lạc tại ấp Gia Tân, xã Gia Lộc.

Sau khi trúng đấu giá, ông Phụng đã nhanh chóng thanh toán tiền để sở hữu tài sản nhà đất này với số tiền gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đấu giá và việc đóng tiền trúng đấu giá suôn sẻ bao nhiêu thì “hậu sự” để được nhận tài sản của ông Phụng lại vất vả, gian nan đến bấy nhiêu.

Được biết, phần đất ông Phụng mua trúng đấu giá là tài sản của ông Thân Văn Trên và bà Lê Thị Lệ Hoa. Năm 2012, ông Trên và bà Hoa phải thi hành Quyết định số 18/QĐ-DSST của TAND huyện Trảng Bàng.

Theo đó, vợ chồng ông Trên, bà Hoa phải trả cho bà Nguyễn Thị Truyến số tiền 119 triệu đồng, cộng lãi suất chậm thi hành án và án phí sơ thẩm nhưng vợ chồng ông Trên không thi hành, buộc cơ quan Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng phải ra quyết định thi hành bản án để bảo đảm quyền lợi cho bà Truyến theo quy định.

Để tiến hành thi hành số tiền trên cho bà Truyến, cơ quan Thi hành án xác định vợ chồng ông Trên, bà Hoa chỉ có một phần đất có diện tích 1.224,2m2 toạ lạc tại ấp Gia Tân, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

Tuy nhiên, qua xác minh, diện tích đất này vợ chồng ông Trên, bà Hoa đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT Chi nhánh Trảng Bàng với số tiền 50 triệu đồng, chưa đến hạn thanh toán. Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng xác định, số tiền vợ chồng ông Trên phải trả hơn 170 triệu đồng, bao gồm các khoản trả cho ngân hàng và cho bà Truyến.

Đến ngày 17.7.2012, để bảo đảm cho việc thi hành án, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng đã ra quyết định kê biên tài sản của vợ chồng ông Trên. Sau khi kê biên xong, chấp hành viên tiến hành cho các bên thoả thuận giá, thoả thuận tổ chức thẩm định giá, thoả thuận tổ chức bán đấu giá. Giá trị căn nhà và đất được xác định là 350 triệu đồng và đây cũng là giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá.

Qua 3 lần bán đấu giá không thành, chấp hành viên đã thông báo yêu cầu thẩm định lại, nhưng hết thời hạn các đương sự không yêu cầu thẩm định giá lại theo thông báo, nên chấp hành viên đã giảm giá theo quy định.

Sau 3 lần giảm giá, phần nhà, đất này giá trị còn lại là 293.470.800 đồng và tiếp tục uỷ quyền cho Công ty bán đấu giá Cửu Long thông báo bán đấu giá. Kết quả, ngày 25.4.2013, ông Nguyễn Minh Phụng đã mua trúng đấu giá với số tiền 296.470.900 đồng và ông Phụng đã nộp tiền đầy đủ.

Từ số tiền của ông Phụng nộp, cơ quan Thi hành án dân sự đã phân chia để thanh toán các khoản theo quy định bao gồm: thu án phí nộp ngân sách hơn 1,4 triệu đồng; phí bán đấu giá hơn 12 triệu đồng, thanh toán nợ ngân hàng, thanh toán cho bà Truyến hơn 131 triệu đồng và các khoản khác theo quy định của pháp luật...vv... với tổng số tiền hơn 161 triệu đồng. Còn lại hơn 134 triệu đồng, cơ quan Thi hành án hoàn trả cho ông Trên, bà Hoa (số tiền này đã gửi vào ngân hàng).

Đến ngày 13.5.2013, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng có thông báo để ông Trên, bà Hoa biết kết quả bán đấu giá tài sản của mình; đồng thời có văn bản yêu cầu gia đình ông Trên trong vòng 15 ngày phải tự thu dọn tài sản trong nhà đi nơi khác để giao nhà đất cho người trúng đấu giá là ông Phụng, nhưng hết thời hạn theo yêu cầu mà gia đình ông Trên không thực hiện.

Đến tháng 7.2013, cơ quan Thi hành án tiếp tục mời ông Trên, bà Hoa đến để vận động, thuyết phục nhưng gia đình vẫn cương quyết không giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, và ông Trên, bà Hoa cũng có ý kiến xin trả dần số tiền phải thi hành án.

Sự việc sau đó được các ngành chức năng của huyện Trảng Bàng và chính quyền địa phương bàn bạc để có hướng xử lý dứt điểm. Theo tinh thần các cuộc họp, thống nhất giao UBND xã Gia Lộc mời các đoàn thể vận động gia đình giao tài sản cho người trúng đấu giá, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế để thi hành bản án theo quy định.

Đến 25.10.2013, UBND xã Gia Lộc tiếp tục mời gia đình ông Trên đến để vận động tự nguyện giao tài sản nhưng gia đình ông vẫn không chấp hành, vẫn giữ nguyên yêu cầu được trả dần số tiền phải thi hành án và tự ý bỏ về, không ký biên bản cuộc họp. Vì vậy, cơ quan Thi hành án đã ra quyết định tống đạt đến gia đình về việc sẽ tổ chức cưỡng chế thi hành án nhằm bảo đảm quyền lợi cho người mua tài sản trúng đấu giá.

Vụ việc lúc này bắt đầu có những rắc rối bằng những văn bản của các ngành chức năng. Cụ thể, ngày 23.12.2013, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng nhận được công văn của TAND tỉnh Tây Ninh về việc hoãn thi hành án đối với Quyết định số 18/QĐ-DSST của TAND huyện Trảng Bàng với lý do để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, thời gian hoãn được thông báo là 3 tháng. Đến ngày 23.6.2014, cơ quan Thi hành án huyện Trảng Bàng nhận được Quyết định giám đốc thẩm số 06/2014/QĐ-GĐT của TAND tỉnh Tây Ninh với nội dung huỷ toàn bộ Quyết định số 18 của TAND huyện Trảng Bàng để xét xử sơ thẩm lại.

Theo lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng, TAND huyện Trảng Bàng có yêu cầu cơ quan Thi hành án huyện cung cấp toàn bộ hồ sơ thi hành án bán đấu giá thành tài sản của ông Thân Văn Trên, bà Lê Thị Lê Hoa và ông Phụng là người mua trúng đấu giá và được cung cấp đầy đủ.

Ngoài ra, cơ quan Thi hành án huyện cũng thông báo cho Toà án huyện kết quả việc thi hành án đối với gia đình ông Trên bao gồm: đã bán tài sản xong, số tiền bán đấu giá đã chi trả cho bà Truyến để thi hành án và chỉ còn duy nhất một việc chưa giải quyết là giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, qua hai phiên toà xét xử cấp huyện, tỉnh đều không đề cập đến tài sản là nhà và đất của ông Trên, bà Hoa đã được cơ quan Thi hành án kê biên, bán đấu giá cho ông Phụng (người đã nộp tiền đầy đủ nhưng chưa nhận được tài sản), và số tiền của ông Phụng nộp đã chi trả cho nghĩa vụ thi hành án của ông Trên, bà Hoa theo Quyết định số 18/QĐ-DSST ngày 1.3.2012 của TAND huyện Trảng Bàng (đã bị huỷ, yêu cầu xử lại).

Tại văn bản trả lời cho ông Phụng về những khiếu nại của ông gửi cơ quan Thi hành án huyện Trảng Bàng, Bản án số 121/2014/DSST ngày 9.9.2014 của TAND huyện Trảng Bàng xét xử lại, toà lại ghi nhận ông Trên, bà Hoa đã thi hành xong số tiền nợ cho bà Truyến.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng cho rằng, bản án tuyên như vậy đương nhiên thừa nhận ông Trên, bà Hoa đã thi hành xong nghĩa vụ trả nợ là không đúng với thực tế, bởi số tiền Chi cục Thi hành án xử lý trả cho bà Truyến, ngân hàng, thu án phí và chi phí cưỡng chế là tiền của ông Phụng bỏ ra mua tài sản chứ không phải tiền của ông Trên, bà Hoa. Việc nhận định trên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua trúng đấu giá.

Theo ông Trần Hồng Linh- Chi cục Trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bàng, để có căn cứ xử lý vụ án và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua tài sản đấu giá theo quy định, cơ quan Thi hành án huyện đã có văn bản kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 121/2014/DS-ST, ngày 9.9.2014, của TAND huyện Trảng Bàng và Bản án số 265/2014/DS-PT, ngày 27.11.2014, của TAND tỉnh Tây Ninh theo hướng huỷ hai bản án kể trên để điều tra, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, đưa ông Nguyễn Minh Phụng là người mua đấu giá tài sản nhà đất của ông Trên, bà Hoa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và xử lý phần tài sản đã được bán đấu giá cho ông Nguyễn Minh Phụng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của TAND cấp cao.

Đến ngày 5.5.2016, cơ quan Thi hành án huyện Trảng Bàng có văn bản báo cáo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, sau đó Ban Pháp chế HĐND huyện giám sát hoạt động thi hành án cũng được Chi cục THADS huyện báo cáo, kiến nghị HĐND huyện theo thẩm quyền tiếp tục có văn bản kiến nghị TAND cấp cao xem xét giám đốc thẩm lại 2 bản án, và được Ban Pháp chế HĐND huyện ghi nhận.

“Từ những khó khăn như đã nêu trên nên Chi cục THADS huyện Trảng Bàng chưa giao tài sản cho ông Phụng là người mua trúng đấu giá, và không có căn cứ để bồi thường thiệt hại từ khi không giao tài sản đã mua cho đến nay”- văn bản trả lời ông Phụng của cơ quan Thi hành án nêu rõ.

Ngày 9.5.2017, ông Nguyễn Minh Phụng làm đơn khởi kiện gửi TAND huyện Trảng Bàng với nội dung, yêu cầu cơ quan Thi hành án huyện và Công ty bán đấu giá phải giao tài sản theo hợp đồng bán đấu giá trước đó, và bồi thường thiệt hại theo lãi suất ngân hàng với số tiền gần 300 triệu đồng.

Nếu không bàn giao tài sản thì phải trả lại cho ông số tiền trên và lãi suất theo quy định. Tuy nhiên, TAND huyện Trảng Bàng đã có thông báo trả lại đơn khởi kiện với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc ai đrúng, ai sai cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Hơn 4 năm nay, ông Phụng đã bỏ ra số tiền gần 300 triệu đồng nhưng đến thời điểm này, tài sản cũng không nhận được mà tiền bồi hoàn cũng không thấy, và còn phải chờ trả lời của TAND cấp cao không biết đến bao giờ?

Đức An

Luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng tổ chức thi hành Quyết định 18/QĐ-DSST ngày 1.3.2012 của Toà án nhân dân huyện Trảng Bàng, đã kê biên, định giá và bán đấu giá thành tài sản theo đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Thi hành án dân sự. Ông Nguyễn Minh Phụng là người đã mua trúng đấu giá ngay tình và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì phải được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. 

Theo quy định tại khoản 35 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thì người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị huỷ thì cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị huỷ theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thoả thuận khác. Đồng thời, việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các Điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này”.

Mặt khác, tại khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26.7.2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định, trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật.

Như vậy, theo các quy định trên, khi ông Phụng đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá thì chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng phải giao tài sản cho ông Phụng, trừ 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, kết quả bán đấu giá bị huỷ theo quy định tại khoản 34 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự: việc huỷ kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của luật này; người mua được tài sản bán đấu giá, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản; việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật”; và trường hợp thứ hai là đương sự (cụ thể ở đây là ông Phụng và ông Trên, bà Hoa) có thoả thuận khác.