BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lợi ích từ phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật 

Cập nhật ngày: 23/03/2019 - 15:29

BTN - Phát hiện sớm và can thiệp sớm được xem là biện pháp có thể giúp giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0-6 tuổi. Đây là hoạt động rất quan trọng để kịp thời phát hiện những trẻ có nguy cơ cao bị khuyết tật, bị chậm phát triển, và độ tuổi từ 0-6 tuổi được xem là giai đoạn vàng để phát hiện sớm, can thiệp sớm.

Em T.B.L đã có những tiến triển tốt về nhận thức và khả năng vận động nhờ các hoạt động can thiệp.

Dự án Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ khuyết tật (Distinct) do USAID tài trợ thông qua Tổ chức Viet Health với mục đích góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ, thông qua mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm cùng với các dịch vụ y tế, giáo dục và thúc đẩy hoà nhập xã hội. Hiện dự án được triển khai tại nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó có Tây Ninh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000 người khuyết tật, trong đó, trẻ khuyết tật từ 0-6 tuổi chiếm một lượng không nhỏ. Tháng 8.2016, dự án Distinct được triển khai tại Tây Ninh, do Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững (VietHealth) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Các hoạt động của dự án hướng tới ở Tây Ninh là nâng cao năng lực của cán bộ chủ chốt phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật từ 0-6 tuổi; triển khai thành công mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm; nâng cao nhận thức của cộng đồng về khuyết tật trẻ em và mô hình.

Qua hơn 2 năm triển khai, dự án bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Chẳng hạn như, Tây Ninh xây dựng được lực lượng cán bộ chủ chốt ở 3 ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo có các kỹ năng về sàng lọc khuyết tật, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật từ tuyến xã đến tuyến tỉnh.

Với nguồn nhân lực đã xây dựng được, đến tháng 9.2018, Tây Ninh đã hoàn tất sàng lọc khuyết tật tại cộng đồng cho trẻ em tại 95 xã/phường, thị trấn. Từ hoạt động sàng lọc, phát hiện 1.838 trẻ có khuyết tật cần được can thiệp. Không chỉ vậy, dự án còn thực hiện các hoạt động can thiệp về giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng, hỗ trợ chuyển tuyến và các dịch vụ khác cho trên 1.000 trẻ khuyết tật. Điều đáng quan tâm là có không ít trẻ khuyết tật sau khi được thực hiện can thiệp đã có những tiến bộ rõ rệt, cải thiện chức năng vận động.

Em T.B.L, sinh năm 2013, ngụ tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành khi sinh ra vẫn khoẻ mạnh bình thường. Đến hơn 6 tháng tuổi, L vẫn chưa biết lật, lăn như những đứa trẻ khác. Lúc này, gia đình chỉ nghĩ đơn giản rằng L bị chậm lật, hay trốn lật. Cho đến hơn 1 tuổi, cơ thể L bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường. L chỉ có thể nằm mà không ngồi được, tay chân yếu ớt, không cầm nắm được.

Lớn lên, L cũng không nói được và nhận thức được mọi thứ xung quanh. Gia đình đưa L đi khám mới biết em bị bại não thể co tứ chi. Do hoàn cảnh nghèo khó, gia đình không có điều kiện đưa em đi chữa trị. Với cơ thể nhỏ bé, yếu ớt, mọi sinh hoạt của L hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của ông bà nội.

Vào tháng 3.2017, L được giới thiệu đi khám và tham gia chương trình tập luyện phục hồi chức năng của dự án Distinct. Các chuyên gia của dự án khám đánh giá, trường hợp của L phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Do đó, ông bà của L được hướng dẫn các bài tập phù hợp để giúp L kiểm soát đầu cổ, tập chuyển từ tư thế nằm sang ngồi, tập chống tay, sử dụng tay để ăn uống. Với những khó khăn về nhận thức, L còn được hỗ trợ can thiệp giáo dục đặc biệt. Mỗi tuần, giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt đến dạy cho L từ  2-3 buổi theo giáo án dành riêng cho em.

Sau hơn 18 tháng can thiệp, L đã có những tiến triển khá tốt. L đã nhận diện được người thân, màu sắc, đồ vật đơn giản, biết phản ứng khi được hỏi bằng nụ cười, lắc đầu, mắc cỡ... Bà Nguyễn Thị Huyện, bà nội L cho biết, nhận thức được lợi ích của tập luyện phục hồi chức năng, bà thường xuyên đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện tập luyện phục hồi chức năng.

Ở nhà, bà thường xuyên luyện tập cho cháu hằng ngày theo hướng dẫn. Bà Huyện bày tỏ: “Bây giờ, cháu tôi có thể ngồi, cầm nắm được. Cháu còn có thể cầm viết, mặc dù chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng cho thấy tín hiệu khả quan. Tôi còn vui hơn khi chuyên gia cho biết, L có cơ hội đứng dậy và đi lại được nếu kiên trì tập luyện”.

Tương tự, em N.G.L, sinh năm 2012, ngụ tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu cũng đã tiến bộ khi được dự án hỗ trợ phương pháp can thiệp. G.L bị dị tật ở tay. Các bác sĩ chẩn đoán em bị cứng đa khớp bẩm sinh. Các khớp vai, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay bị cứng khiến tay em không thể cử động được, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động, sinh hoạt hằng ngày và học tập.

L chỉ có thể lết hoặc sử dụng xe lắc để di chuyển, sử dụng chân để cầm nắm đồ vật, viết. Để L có thể cải thiện chức năng vận động, di chuyển, dự án đã hỗ trợ can thiệp bằng việc cung cấp nẹp chân, xe ba bánh, khung tập đi. Đồng thời hướng dẫn cho ba mẹ L một số bài tập phục hồi chức năng để họ có thể giúp L tập luyện hằng ngày tại nhà.

Mong muốn lớn nhất của L và gia đình là L có thể đi học được. Để giúp L có thể hoà nhập tốt tại trường, giáo viên được trang bị kỹ năng về can thiệp giáo dục đặc biệt cùng với chuyên gia của dự án đã xây dựng kế hoạch can thiệp cho L, đặc biệt chú trọng đến can thiệp ngôn ngữ và kỹ năng tiền học đường cho L, giúp em tự tin hoà nhập với các bạn.

Sau thời gian được can thiệp, hiện tại, L có thể sử dụng xe ba bánh để di chuyển, biết được tất cả các chữ số, chỉ chính xác các số và chữ cái. L biết cách giao tiếp với mọi người và tự tin khi trò chuyện. Quan trọng hơn là em đã có thể đến trường học tập, hoà nhập với các bạn.

Có thể thấy, những kết quả từ dự án đã chứng minh, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm không chỉ giúp giảm mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0-6 tuổi mà còn giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho gia đình và xã hội, giúp trẻ sớm hoà nhập xã hội. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến việc điều trị.

Bên cạnh đó, người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ trị liệu, tham gia chương trình can thiệp. Do vậy, cần nhân rộng mô hình. Cũng như cần sự chủ động, hợp tác của cả gia đình và xã hội để không bỏ qua giai đoạn vàng điều trị những nguy cơ khuyết tật.

THẾ ANH