Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lời kể của người có hơn 30 năm gắn bó cùng những chú chó nghiệp vụ 

Cập nhật ngày: 20/02/2018 - 01:33

Trong lúc cảnh sát chưa tìm được dấu vết, Zôn Ly đã đánh hơi được dấu hiệu ma túy giấu trong những thanh sắt rỗng, ngụy trang một cách cực kỳ công phu dưới gầm xe.

Đội quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Phòng CSCĐ (cảnh sát cơ động) Công an Nghệ An (gọi tắt là Đội huấn luyện chó nghiệp vụ) thành lập từ năm 1960, thời kỳ đầu chỉ có 3 chó nghiệp vụ và 3 huấn luyện viên.

Trung tá Thái Duy Dũng - Đội trưởng Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trải qua gần 60 năm, đến nay đơn vị đã có hơn 20 chó nghiệp vụ, được chia ra 4 nhóm.

Nhóm thứ nhất là những chú chó Becghê gốc Đức, loại này có thần kinh rất mạnh, vóc dáng lớn, cực kỳ hung dữ, thường làm những nhiệm vụ như tấn công, truy đuổi tội phạm. Nhóm thứ hai có thần kinh điềm tĩnh hơn, chuyên dùng để giám định hình sự, truy vết hơi người trong các vụ án mạng. Nhóm thứ ba hiền lành, nhỏ nhắn lại được dùng vào các việc như truy tìm ma túy, thuốc nổ và nhóm cuối cùng dùng để cứu hộ cứu nạn. 

Loài động vật nghiệp vụ này đang được quản lý bởi các cán bộ chiến sĩ của Phòng CSCĐ Nghệ An. Họ được đào tạo chính quy tại Cục 69 của Bộ Công an, trực tiếp tham gia huấn luyện, chăm sóc và sử dụng.

"Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên thành lập đội huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ để tham gia trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Chó được mua từ các nước như Nga, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Bỉ..., trải qua từ 8-12 tháng đào tạo sau đó mới đưa vào sử dụng", trung tá Hồ Nam Long, Phó phòng CSCĐ Công an Nghệ An nói.

Ông cho biết thêm đến nay hơn 20 chó nghiệp vụ, sẵn sàng tham gia vào mọi chuyên án.

Chó nghiệp vụ chuẩn bị trình diễn màn huấn luyện của mình. Ảnh: Phạm Hòa.

Những chiến công thầm lặng 

Chiến công nổi bật nhất của các "cảnh khuyển" thuộc Đội huấn luyện chó nghiệp vụ CSCĐ Công an Nghệ An phải kể tới vụ vận chuyển ma túy từ Lào về Nghệ An tiêu thụ vào năm 2004.

Tháng 2/2004, Phòng cảnh sát ma túy Nghệ An nhận được nguồn tin có lượng lớn ma túy vận chuyển từ Lào về TP Vinh tiêu thụ. Một tổ công tác đặc biệt được triển khai bám sát, lên kế hoạch vây bắt.

Chiều hôm đó, khi hai chiếc xe Toyota cùng 9 người nằm trong đường dây ma túy xuyên quốc gia này (5 người Lào, 4 người quê Nghệ An) đến địa phận TP Vinh thì cảnh sát bất ngờ ập đến kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, dù đã lật tung hai chiếc xe để tìm kiếm trong nhiều giờ liền, các trinh sát vẫn không thấy một gói ma túy nào.

Trong khi đó, tin tình báo vẫn khẳng định, nhóm người này đang chứa ma túy trên xe. Lúc này, nhóm người này vẫn ung dung chờ công an khám xét vì chúng tin rằng lực lượng chức năng không thể tìm ra được số ma túy đó.

Chó nghiệp vụ chuẩn bị sẵn sàng xung trận. Ảnh: Phạm Trường.

Phương án sử dụng chó nghiệp vụ được triển khai sau đó. Một chú chó Becghê tên Zôn Ly được đưa đến hiện trường. Chỉ sau ít phút, Zôn Ly đã đánh hơi được dấu hiệu ma túy giấu trong những thanh sắt rỗng, được hàn kín và ngụy trang một cách cực kỳ công phu dưới gầm xe.

Phá những thanh sắt này, các trinh sát phát hiện 20 bánh heroin. Lúc này, những kẻ trên ôtô mới chịu cúi đầu nhận tội. Tổng tài sản mà cảnh sát thu giữ trong vụ án này lên đến 5 tỷ đồng. Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt thêm nhiều tên khác, trong đó có những kẻ là trùm ma túy hoạt động suốt nhiều năm liền.

Hay như vụ án khai thác vàng trái phép tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong vào 6/2013, 4 chú chó nghiệp vụ phối hợp với lực lượng CSCĐ, lực lượng Phòng cảnh sát ma túy Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quế Phong truy quét khai thác vàng trái phép, đẩy đuổi hàng nghìn người đang khai thác trái phép ra khỏi địa bàn.

Nói về khả năng truy vết nguồn hơi của chó nghiệp vụ, trung tá Thái Duy Dũng, Đội trưởng Đội huấn luyện chó nghiệp vụ nhớ lại cuộc truy bắt băng cướp ôtô, xe máy tại khu vực các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ vào năm 1999. Nhờ các “cảnh khuyển” được điều động truy vết nguồn hơi trên núi cao, các chiến sĩ phát hiện kẻ phạm tội đã tẩu thoát ra các tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, 11/2005, 3 “cảnh khuyển” cùng với những huấn luyện viên của mình đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tham gia vây bắt Vi Văn May, một kẻ buôn bán ma túy, giải cứu một con tin đang bị giam giữ tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, thu 1 quả lựu đạn.

Về những chiến công của những chú chó nghiệp vụ, trung tá Hồ Nam Long nói rằng, sẽ không thể nào kể hết. Có những vụ án mạng, hiện trường bị xáo trộn, tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, khi chó nghiệp vụ vào cuộc hỗ trợ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Becghê là loài chó có nhiều ưu điểm nhất. Ảnh: Phạm Trường.

“Có lần một phạm nhân đang thụ án 20 năm tù ở Trại giam số 6 vượt ngục. Sau khi xác định phạm nhân này đang trốn ở một nhà dân ở huyện Yên Thành, các trinh sát lập vòng vây nhưng tên này đã dùng súng khống chế con tin”, trung tá Long kể.

Lập tức, chó nghiệp vụ tên Lai Ca được đưa đến. Lúc này, các trinh sát tập trung hỏa lực ở một phía, phía còn lại Lai Ca cùng huấn luyện viên bất ngờ ập vào nhà, tiếp cận phạm nhân. Chỉ trong tích tắc, Lai Ca xông vào cắn trúng tay đang cầm súng của phạm nhân và quật ngã, giúp các trinh sát bắt gọn đối tượng, đảm bảo không ai bị thương.

Hơn 30 năm cùng chó nghiệp vụ phá nhiều án thành công

Là người gắn bó với chó nghiệp vụ hơn 30 năm qua, trung tá Thái Duy Dũng - Đội trưởng Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nghệ An, cho hay một chú chó chỉ được đưa vào huấn luyện khi đã đủ một tuổi. Khi mà cơ thể, tâm lý thần kinh của chúng đã trưởng thành.

“Việc huấn luyện kéo dài khoảng một năm, sau đó sẽ thi tốt nghiệp ở Bộ Công an”, trung tá Dũng nói và cho hay, kỳ thi tốt nghiệp này có hai bước là lý thuyết và thực hành. Lý thuyết là môn thi thiên về về những động tác cơ bản, yêu cầu chú chó phải làm theo hiệu lệnh của huấn luyện viên như ngồi, đứng, chồm, tấn công…. Còn thực hành là những kỹ thuật chuyên môn cao như giám định mùi hơi, truy vết.... 


Trổ tài vượt tường và chướng ngại vật tiếp cận đối phương. Ảnh: Phạm Hòa.

Sau kì thi này, những chú chó không qua được sẽ bị thải loại hoặc tiếp tục đào tạo thêm. Chỉ những chú chó đã tốt nghiệp mới được tham gia phá án.

Tuy nhiên, trong quá trình này, chúng vẫn phải được huấn luyện thường xuyên. Mỗi năm hai lần, cán bộ nghiệp vụ từ Bộ Công an sẽ vào kiểm tra định kỳ, tiếp tục đánh giá phân bậc cho các chú chó.

Nói về công việc của mình, trung tá Thái Duy Dũng cho rằng, đây là một nghề cực kỳ nguy hiểm. Trong suốt hàng chục năm huấn luyện, không ít lần trung tá Dũng bị những chú chó tấn công, phải nằm viện suốt nhiều tháng. Lần nghiêm trọng nhất đã xảy ra cách đây hơn 10 năm.

“Thông thường ở đây mỗi người được giao một chú chó để đào tạo, con của ai thì nghe lời người đấy. Hôm đó chúng tôi đang huấn luyện môn tấn công tội phạm, trong đó tôi vào vai tội phạm. Những chú chó đang học đã được rọ mõm hết để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, lúc này chuồng trại nhốt không cẩn thận, một con ở bên trong chưa được rõ mõm nghe tiếng pháo nổ đã sổng ra ngoài, cắn xé tôi”, trung tá Dũng kể. Hôm đó, vị huấn luyện viên này bị cắn hàng chục nhát, phải khâu 13 mũi.

Đội trưởng Đội quản lý, huấn luyện nghiệp vụ chó, cho biết những chú chó lớn nhất, có thể nặng đến hơn 70 kg. Mỗi tháng, khẩu phần ăn của một chú chó là 9 kg thịt và 15 kg gạo, chưa kể những món phụ như bánh kẹo.

Thông thường, một chú chó nghiệp vụ có thời gian công tác khoảng 8 năm, trước khi chết vì già, chúng bị thải loại. Một số sau đó được huấn luyện mang về nuôi vì đã gắn bó với nhau quá lâu, một số khác được bán cho người dân. 

Nguồn Zing


Liên kết hữu ích