Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển “Khu kinh tế Mộc Bài”:

Lợi thế đặc biệt phải có thể chế đặc biệt 

Cập nhật ngày: 11/08/2022 - 22:22

BTNO - Chúng tôi xin được “dùng lại” cụm từ “Khu kinh tế Mộc Bài” mà ông Nguyễn Xuân Thắng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương sử dụng xuyên suốt Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Hành khách thực hiện thủ tục xuất cảnh ở Mộc Bài (ảnh minh hoạ).

Ông đã không dùng cụm từ “Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài” như đúng tên nó được “khai sinh” và hiện vẫn đang tồn tại. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là một thông điệp có chủ ý, thể hiện một góc nhìn mới đầy tâm huyết, quyết đoán, quyết liệt với tư duy đột phá mạnh mẽ!

Trong thực tế, phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn liền với các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính là tầm nhìn, chủ trương, định hướng đã được Đảng và Nhà nước xác định từ rất sớm. Với điều kiện đường biên giới đất liền trải dài hàng ngàn cây số thì việc phát triển kinh tế, thương mại tại các cửa khẩu là rất quan trọng nhằm tăng cường, nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, bảo đảm an ninh quốc phòng với các quốc gia láng giềng.

Với tiềm năng và vị thế chiến lược, Tây Ninh được Trung ương quan tâm thành lập 2 khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) từ rất sớm. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg với diện tích 21.284 ha, thuộc địa bàn 6 xã và 1 thị trấn (thuộc 2 huyện Trảng Bàng, Bến Cầu).

Hai khu kinh tế cửa khẩu này được xác định là các cực tăng trưởng trọng điểm trên hành lang phát triển Tây Bắc, dọc quốc lộ 22 và 22B của Vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hình thành, đến nay, bên cạnh những kết quả tích cực, các khu kinh tế cửa khẩu ở tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế và có thể nói là tụt hậu trong xu thế phát triển.

Ban đầu, định hướng phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là lấy thương mại – dịch vụ làm động lực phát triển, trong đó chọn khâu đột phá là thực hiện chính sách kinh doanh bán hàng miễn thuế để thu hút du khách. Tuy nhiên, mục tiêu này dựa vào chính sách thuế là chính, khi chính sách thay đổi đã làm cho khu kinh tế này mất động lực phát triển và suy yếu. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Mộc Bài chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và như kỳ vọng.

Cửa khẩu Mộc Bài hướng về biên giới Campuchia.

Phải thay đổi nội hàm phát triển

Với thực tế quá trình hình thành Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho đến nay, một trong những vấn đề cốt lõi được Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh là cần thay đổi nội hàm cho phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển. Do đó, ông sử dụng cụm từ Khu kinh tế Mộc Bài thay cho tên gọi Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện quy hoạch Mộc Bài theo nội hàm mới. Mức độ lan toả và tầm quan trọng của Khu kinh tế Mộc Bài không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Tây Ninh mà đối với sự phát triển của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam bộ và cả nước. Do đó, Khu kinh tế Mộc Bài muốn phát triển thành công thì không thể tách rời, thiếu đồng bộ với sự phát triển của tỉnh Tây Ninh, của hành lang kinh tế phía Nam, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của Vùng Đông Nam bộ với đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh và hơn nữa là Tiểu vùng Mêkông trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Với vị thế và tầm quan trọng như đã nêu, khu kinh tế này cần phải được tạo điều kiện để sớm “chuyển mình, cất cánh” mang tầm quốc gia, quốc tế. Và để làm được điều đó, Khu kinh tế Mộc Bài cần có những thể chế đặc biệt cho phù hợp với lợi thế đặc biệt của nó.

Theo ông, cần xác định rõ mục tiêu, vai trò và chức năng của Khu kinh tế Mộc Bài với tính chất là khu kinh tế trọng điểm, một cực tăng trưởng kinh tế và vùng động lực phát triển mới ở phía Nam của đất nước. Do đó, cần hướng tới phát triển Khu kinh tế Mộc Bài theo mô hình khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là hình thành một Trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistic. Theo đó, phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo. Nơi đây cũng được xây dựng khu đô thị sinh thái, đáng sống, thông minh, vừa có đẳng cấp quốc tế, hội nhập, vừa mang bản sắc Việt Nam.

Một công trình hoang phế ở Mộc Bài (ảnh minh hoạ)

Cần có thể chế, cơ chế, chính sách vượt trội

Hiện nay, Mộc Bài là khu kinh tế cửa khẩu nên được áp dụng mức ưu đãi của vùng kinh tế đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về việc quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng những cơ chế, chính sách hiện hành khó có thể tạo ra động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Khu kinh tế Mộc Bài trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đặc biệt nhấn mạnh, mô hình thể chế và quản trị là yếu tố hàng đầu quyết định khả năng thành - bại của những khu kinh tế thế hệ mới. Đó phải là mô hình quản trị có sự vượt trội về mức độ thông thoáng, tự do của môi trường kinh doanh theo những thông lệ quốc tế tốt nhất.

Khả năng tự chủ cao của bộ máy quản trị khu. Chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ công ở tầm đẳng cấp thế giới tốt nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư và người dân sinh sống, làm việc. Đây không phải là vấn đề dễ thực hiện nhưng sẽ đem đến cơ hội phát triển bứt phá cho Khu kinh tế Mộc Bài trong tương lai.

Ở góc độ địa phương, Tây Ninh cũng đã có văn bản gửi Trung ương kiến nghị đưa định hướng phát triển Khu kinh tế Mộc Bài có tầm cạnh tranh của khu vực và quốc tế vào Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và nhiều năm tiếp theo trong Quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về mô hình, điều chỉnh căn bản mô hình, phát triển Khu kinh tế Mộc Bài theo hướng tổng hợp đa chức năng: Công nghiệp - đô thị - dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế; lấy công nghiệp hiện đại, kêu gọi các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đến đầu tư làm động lực chính cho sự phát triển.

Về cơ chế chính sách, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét áp dụng cơ chế đặc thù, vượt trội hơn so với các mô hình khu kinh tế cửa khẩu và mô hình đặc khu kinh tế hiện nay nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, có khả năng cạnh tranh, thu hút nguồn lực ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

An Khang