Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm báo thời hiện đại:

Lợi thì có lợi, nhưng...

Cập nhật ngày: 05/10/2016 - 04:58

Phóng viên, cộng tác viên biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Báo Tây Ninh. Ảnh: ĐHT

Còn nhớ, năm 1997, khi còn là cộng tác viên, mỗi lần viết tin, bài cho Báo Tây Ninh, tôi (và nhiều cộng tác viên, phóng viên khác) đều phải viết tay rồi nộp trực tiếp người phụ trách “đầu vào” của toà soạn là anh Võ Hữu Thành, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh. Sau đó, anh Thành biên tập nội dung và đưa lên cho những kỹ thuật viên nhập liệu lại bằng máy đánh chữ. Kế đến mới là công đoạn in ấn, phát hành. Trước năm 2.000, Báo Tây Ninh bắt đầu trang bị máy vi tính để phục vụ cho việc nhập liệu, dàn trang.

Để đồng bộ với hoạt động của toà soạn và rút ngắn thời gian xử lý “hậu kỳ”, đòi hỏi phóng viên, các cộng tác viên cũng phải mua máy vi tính hoặc ít nhất cũng phải biết sử dụng máy vi tính. Thế là chúng tôi phải đi học vi tính và dốc hết tiền dành dụm ra mua loại máy hiện đại này. Tuy nhiên, lúc đó chưa có mạng internet, nên muốn nộp tin, bài vẫn phải dùng cách “truyền thống” là chép nội dung vào ổ đĩa mềm, rồi cầm đến toà soạn, nhờ kỹ thuật viên chép lại vào máy vi tính của Báo. Hiện nay, khi công nghệ đã phát triển mạnh mẽ, mạng internet đã kết nối toàn thế giới, việc nộp tin, bài về toà soạn trở nên quá dễ. Chỉ cần có máy tính xách tay có kết nối wifi hoặc thiết bị bắt sóng 3G thì hầu như ở bất kỳ nơi nào cũng dễ dàng gửi e-mail bài vở về cho toà soạn. 

Trước đây, vấn đề hình ảnh đi kèm với tin, bài cũng không phải đơn giản. Muốn có được một vài tấm hình minh hoạ cho tin, bài, tất cả các cộng tác viên, phóng viên đều phải chụp bằng loại máy ảnh quang cơ. Vì vậy, đòi hỏi người tác nghiệp phải biết và sử dụng thành thạo các thông số kỹ thuật của máy ảnh, biết cắt phim, đem tới tiệm rửa ảnh tráng rọi. Sau đó, cầm tấm ảnh kẹp chung với bài vở, đem tới toà soạn nộp. Về mặt lý thuyết nghe thì đơn giản như vậy, nhưng thực tế, không ít lần tôi chụp cả thước phim nhưng khi về tới nhà mới phát hiện ra nạp phim vào máy không “ăn”, máy bị lọt ánh sáng vào, chụp dư sáng, thiếu sáng, sai nét, chụp bị rung tay v.v...

Tất cả những tình huống đó đều dẫn đến một kết quả chung là… không có ảnh hoặc ảnh không sử dụng được và điều đó đồng nghĩa với việc tin, bài của tác giả có nguy cơ “tiêu” theo. Ngày nay, với sự hỗ trợ tối đa của máy ảnh kỹ thuật số thì những chuyện không có hình cho bài vở nghe như chuyện viễn tưởng. Với máy ảnh kỹ thuật số, một lần sạc pin có thể chụp được hàng trăm hình ảnh. Đặc biệt, là những hình ảnh này người chụp dễ dàng mở ra xem tại chỗ. Ảnh nào không đạt yêu cầu về ánh sáng, bố cục, màu sắc, độ nét... sẽ được xoá bỏ và chụp lại, không hề phải lo tăng thêm một đồng chi phí nào cả. Tiếp theo chỉ cần một cái click chuột hoặc nhẹ nhàng gõ phím enter là gần như ngay lập lức những hình ảnh “nóng hổi” ấy có mặt ở máy tính của toà soạn.

Các phương tiện hỗ trợ khác cho phóng viên cũng ngày càng đa dạng và hiện đại. Mấy mươi năm trước, “đồ nghề” của các cô, chú phóng viên vỏn vẹn chỉ có cây viết, quyển sổ, máy ảnh cơ, chiếc xe đạp hoặc sang lắm là xe gắn máy cà tàng. Ngày nay, không ít phóng viên trẻ trang bị cho mình hành trang đến “tận răng”. Ngoài sổ, viết ra còn có máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, xe tay ga, xe phân khối lớn hoặc ô tô. Quần áo, giày dép, nón mũ của thế hệ làm báo hiện nay cũng chỉn chu, đồng phục và sang trọng hơn. Mặt bằng kiến thức của lớp kế thừa cũng được nâng cao rõ rệt.

Thế hệ làm báo đầu tiên, chủ yếu đến với việc làm báo là vì nhiệm vụ cách mạng và yêu nghề, trình độ học vấn không cao, có nhiều người chưa tốt nghiệp THPT. Càng về sau, trình độ của đội ngũ cộng tác viên, phóng viên càng được nâng cao, đa số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Nhiều người đã tốt nghiệp hai trường đại học, thạc sĩ. Ngoài ra, những người làm báo hiện nay còn thường xuyên được học các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ báo chí giữa Việt Nam với các nhà báo nước ngoài.

Công đoạn tra cứu tư liệu của những người làm báo cũng rất thuận tiện. Trước đây, mỗi lần viết báo, các cộng tác viên, phóng viên ít nhất phải có một quyển tự điển tiếng Việt, tiếng Anh để trước mặt và xung quanh họ là những chồng sách, kệ sách với đủ thứ thể loại, kích cỡ, dày mỏng khác nhau. Mỗi lần cần tìm kiếm thông tin gì để phục vụ cho bài viết là phải chúi đầu vào lật tự điển, tra cứu sách vở để viết cho chính xác. Bây giờ, cần biết vấn đề gì thì chỉ cần mở “thần goolge” lên, gõ vào đấy vài từ khoá và enter một cái là tất cả mọi thắc mắc đều được giải đáp.

Tuy nhiên, cũng chính vì điều kiện làm báo hiện nay quá hiện đại nên đã sản sinh ra nhiều trường hợp không hay. Trên thực tế, có những phóng viên vì quá lạm dụng sự tiện ích của internet, nên chỉ cần ngồi ở nhà, mở máy tính lên là cóp nhặt, lượm lặt được nhiều thông tin, hình ảnh, từ đó trở nên lười biếng đi thực tế. Chính vì thế, hiện nay, có không ít bài viết chỉ mang đến cho độc giả toàn những con số và những câu, từ “nặng” báo cáo, nghị định, mà thiếu hẳn “hơi thở” của cuộc sống.

Làm báo thời hiện đại dễ và khó là ở chỗ đó. Để tồn tại được với nghề, đòi hỏi những phóng viên, cộng tác viên   vừa phải có trình độ, yêu nghề và vừa phải thấm nhuần đạo đức nghề báo.

Đại Dương