BAOTAYNINH.VN trên Google News

Long Thuận thời vang bóng 

Cập nhật ngày: 27/06/2018 - 09:15

BTN - Cách đây chưa lâu, nhiều người còn bắt đầu nhắc đến vùng chợ Cầu Long Thuận. Ðấy chính là miền có thể coi là trung tâm của vùng đất ngũ long. Long Thuận chính là vùng đất thị tứ đầu tiên ở huyện Bến Cầu.

Miếu Bà Ngã Tắc.

Ngày nay, huyện biên giới Bến Cầu đã có nhiều địa danh được cả nước biết tới, như cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trên đường Xuyên Á chạy ngang qua An Thạnh và Lợi Thuận; di tích khảo cổ học Bến Ðình thuộc về xã Tiên Thuận cùng với cây cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông nối tới quốc lộ 22B bên phía Gò Dầu…

Cách đây chưa lâu, nhiều người còn bắt đầu nhắc đến vùng chợ Cầu Long Thuận. Ðấy chính là miền có thể coi là trung tâm của vùng đất ngũ long. Long Thuận chính là vùng đất thị tứ đầu tiên ở huyện Bến Cầu.

Sách “Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu” ghi: “Cả vùng dân cư rộng lớn của tổng Giai Hoá chỉ có một chợ để làm nơi gặp gỡ, trao đổi hàng hoá giữa dân cư trong vùng với nhân dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Tây Ninh và xa hơn nữa là nhân dân lục tỉnh… Khu đất để nhóm chợ nằm kề bên rạch Vàm Bảo, thuộc xã Long Thuận. Cặp theo con đường liên xã hai dãy phố buôn bán nhỏ của chợ đã hình thành dài chừng 1km… Nối liền con đường liên xã là một cây cầu bắc qua rạch. Chợ liền sông, sông có cầu; từ đó chợ được mang tên chợ Cầu…”.

Con đường liên xã trong đoạn trích trên nay chính là tỉnh lộ 786 thênh thang mặt bê tông nhựa. Ở một đoạn khác, sách viết: “Trên là cầu, dưới có bến, bến có cầu; từ đó địa danh Bến Cầu đã in sâu vào tâm khảm… người dân địa phương”.

Ðến nay, vẫn còn đó chợ Cầu- Long Thuận. Và dường như cũng chưa có chợ xã nào của vùng đất ngũ long sánh được. Ngay cái chợ to nhất, nổi tiếng nhất mới có sau này là các siêu thị miễn thuế tại cửa khẩu Mộc Bài rồi cũng phải tàn đi, nhường chỗ cho một khu công nghiệp. Thì chợ Cầu vẫn còn kia, lừng lững một bên đường, một bên sông.

Bến còn đó nhưng ghe thuyền đã vắng. Sông xưa chắc không chỉ có ghe thuyền “lục tỉnh” mà còn thuyền ghe từ Campuchia qua lối rạch Bảo đi sang. Ở phía thượng nguồn, giáp biên có cầu Thúc Múa bắc qua trên đường vành đai biên giới.

Nếu như đường 786 đưa ta đi dọc huyện Bến Cầu cũng ngang qua trung tâm xã Long Thuận. Bên đường là chợ, là đình. Còn một con đường khác xuyên qua các ấp Long Phi, Ngã Tắc, Long Hưng ra chốt Cây Me.

Trên tuyến đường này có chùa Long Phước và miếu Bà Chúa xứ đều thuộc về Ngã Tắc. Vậy là đã đủ mặt một thiết chế văn hoá xưa của thôn, làng Long Thuận. Theo sách Từ điển hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị quốc gia, 2008), đấy là “thôn thuộc tổng Giai Hoá, h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)…”.

Xin nhấn mạnh năm này, bởi nhiều tài liệu đã sử dụng số liệu không chính xác trong sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh nên đã chép rằng Long Thuận mới lập năm 1844. Và chắc chắn con người đến làm ăn sinh sống, dựng nhà lập chợ đã có từ trước năm 1838 nữa. Bởi khi con người đã tạm ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, những đơn vị hành chính như thôn, làng mới được hình thành…

Không chỉ có các công trình văn hoá tâm linh thời phong kiến và thuộc Pháp, Long Thuận còn có nhiều di chỉ khảo cổ học niên đại trên dưới 1.000 năm. Ðiển hình và còn tới ngày nay là hai ngôi gò tháp 1 và 2 đều thuộc ấp Long Hưng, kế cận con đường ra chốt Cây Me.

Nếu gò tháp 2 đã gần trở thành “bình địa”, chỉ còn chơ vơ một tấm biển xi măng ghi vị trí bắt đầu vành đai biên giới thì gò tháp 1 ở bên kia đường vẫn thâm nghiêm, u ẩn dưới bóng một rừng cây rậm rạp ở bên đường.

Gò tháp Long Hưng cao từ 3-4m so với mặt ruộng, có hình dáng mặt bằng gần tròn với đường kính gần 50m. Cho đến nay, gò vẫn bị đào trộm nên có vài ba hố đào, trên rải rác nhiều viên gạch cổ. Gạch ở đây có nhiều viên kích thước lớn dài 35cm, rộng 16cm và dày 8cm.

Năm 2011, đoàn nghiên cứu cổ do Bảo tàng tỉnh chủ trì đã xác định: “Dưới mặt gò còn tồn tại một kiến trúc cổ, xây dựng bằng gạch theo dạng đền thờ thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, có niên đại trên dưới 1.000 năm…”. Ðây là cơ sở cho ngành chức năng đề nghị tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá để bảo tồn trước nhiều nguy cơ xâm hại.

Dấu vết của cấu trúc bàu - gò vẫn còn khá nhiều ở Long Thuận. Ngay cả những công trình văn hoá tâm linh của người Việt, như miếu Bà Ngã Tắc hoặc chùa Long Phước cũng được xây trên cấu trúc gò - bàu.

Miếu Bà gần đây đã được người dân tín ngưỡng góp phần tu sửa khang trang nên dấu vết xa xưa có phần mờ nhạt. Nhưng tại chùa Long Phước, gạch cổ vẫn lộ thiên ngay trên nền đất bên hông phía trái ngôi chùa. Chùa ngự giữa đỉnh gò, trên nền đất thoai thoải ra phía Ðông vẫn còn một bàu nước gần vuông. Chính là chiếc bàu của gò tháp khi xưa.

Ông Phan Văn Lâm, người coi giữ chùa hiện nay đã rất tự hào khi nhắc đến quê hương Long Thuận. Nơi có hơn 4 đời dòng họ ông sinh sống. Ông Lâm nay đã 86 tuổi, cháu gọi cụ Phan Văn Ngàn, người lập chùa Long Phước là ông ngoại. Ông Lâm không nhớ rõ năm lập chùa, chỉ nhớ ông ngoại đi tu rồi lập chùa từ khoảng năm 30 tuổi. Suy ra là cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20. Khi lập chùa, tháp cổ đã không còn, chỉ còn nhô lên khỏi mặt đất phần chân đế tháp bằng gạch cao chừng một mét.

Sau mấy chục năm, đến khi Pháp chiếm lại Tây Ninh năm 1945 thì chùa vẫn chỉ nhỏ nhoi, nửa tranh nửa ngói đơn sơ. Ðến khoảng năm 1970, chùa bị sập đổ hoàn toàn, sau những cuộc càn quét phi pháo đầy trời của Mỹ.

Thực ra ông Lâm không phải là sư. Ông chỉ là một cư sĩ thờ Phật và muốn lưu giữ chút gì của ông bà để lại. Vậy nên năm 1992, khi đã 60 tuổi, ông Lâm mới xin phép chính quyền cho lập lại chùa. Ðến nay, chùa đã trở lại trên nền móng ngày xưa một gian hai chái, tường xây cột gạch và lợp bằng tôn giả ngói theo đúng kiểu cổ truyền hình bánh ít.

Phía trước chùa vẫn còn một cây sao cổ thụ. Ðây là cây do ông ngoại ông Lâm trồng khi mới lập chùa, nhưng đấy chỉ là cây nhánh mọc lại sau khi cây cối vườn chùa đã bị chiến tranh tàn phá. Cây sao này vẫn vươn cao lẫm liệt đầy khí thế, rủ bóng mát như của một rừng cây xuống sân chùa nhuôm nhoam màu gạch đỏ. Bên gốc cây, ai đó vừa bỏ một tấm bia mộ đá…

Thật đáng ngạc nhiên khi trên bia vẫn đọc được những hàng chữ khắc. Ðấy là:  Lê Văn Nam/ Sanh 1832/ 66 tuổi/ Từ trần/ 26 tháng 7/ 1898… Ông Lâm kể, đây là ngôi mộ vừa được con cháu dời đi. Ông Lê Văn Nam cũng là một người Long Thuận, sống cùng thời khai sơn phá thạch lập chùa với ông ngoại của ông Lâm. Như vậy là, giữa làng quê Long Thuận đổi mới hôm nay vẫn còn những chứng tích xa xưa thời mở đất.

Ngược con đường đá nhựa từ gò tháp Long Hưng về trung tâm Long Thuận, xuyên qua Ngã Tắc, chỉ chưa tới 4 cây số thôi mà như trải qua lịch sử 180 năm Long Thuận. Hiện đại là đây, ngói đỏ tường vôi Trường Nguyễn Văn Ẩn, rồi trụ sở UBND xã cũng mái ngói tường xây hai tầng đứng nghiêm trang ngay góc ngã ba đường.

TRẦN VŨ