BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu quốc hội Trịnh Ngọc Phương:

Luật An ninh mạng bảo đảm phát triển kinh tế, không xâm phạm quyền tự do cá nhân 

Cập nhật ngày: 10/10/2018 - 06:41

BTN - Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế.

Đại biểu quốc hội Trịnh Ngọc Phương.

Tháng 6.2018, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và ngày 1.1.2019, luật này chính thức có hiệu lực. Trước, trong và sau khi được Quốc hội bỏ phiếu tán thành, Luật An ninh mạng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Vậy, bản chất, ý nghĩa của luật này là gì, có xâm phạm quyền tự do cá nhân hay làm lụn bại nền kinh tế không? Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương- Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh về vấn đề trên.

PV: Thưa ông, cách nay chưa lâu, có một số sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội thu hút nhiều sự quan tâm, ví dụ chuyện tài liệu dạy học Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Ðại... Ngoài những ý kiến của các nhà khoa học, tính chuyên môn cao hoặc bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh, đoạn video clip hoặc bài viết có lời lẽ khá nặng nề, thậm chí có tính phỉ báng, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân người khác. Những ý kiến này nói rằng, họ đang thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Quan điểm của ông như thế nào?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Tôi cho rằng đó không phải là tự do ngôn luận, mà các đối tượng đó còn vi phạm pháp luật, cụ thể, tại khoản 4, Ðiều 15 Hiến pháp quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Nghĩa là gì? Tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ của pháp luật và theo khoản 1, Ðiều 20 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

PV: Trở lại vấn đề chính, kỳ họp giữa năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Trước khi được Quốc hội thông qua, dự án luật này thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, ngay trong Quốc hội cũng có ý kiến trái chiều. Là đại biểu Quốc hội, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đó?

-Ông Trịnh Ngọc Phương:  Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (12.6.2018) với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Ðây là dự luật quan trọng, được các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế. Còn ÐBQH có ý kiến trái chiều, điều đó đương nhiên thôi, bởi vì tranh luận để làm rõ vấn đề là điều rất cần thiết, nó thể hiện sự dân chủ. Riêng bản thân tôi đồng thuận cao và bỏ phiếu tán thành luật này.

PV: Nhiều ý kiến nhận định, luật này sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, đồng thời quyền riêng tư của người dân có thể bị xâm phạm. Theo ông, những lo ngại ấy có cơ sở không, hay là vấn đề đã bị thổi phồng quá mức?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Trước hết, chúng ta tìm hiểu thêm về an ninh mạng trên thế giới, tuy khác nhau về tên gọi, nhưng nội dung chính của Luật An ninh mạng các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên mạng internet.

Luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) có định nghĩa hạn chế hơn về những hành vi cấu thành tội phạm mạng bao gồm truy cập bất hợp pháp, can thiệp hệ thống bất hợp pháp, can thiệp dữ liệu bất hợp pháp, ngăn chặn bất hợp pháp. Do đó, an ninh mạng bao gồm nhiều đối tượng liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự và việc bảo vệ danh dự hoặc tính riêng tư như thế giới thực.

Ðiều cần được quan tâm ở đây là chiều trực tuyến, nơi mà những hành động bất hợp pháp được tạo ra và những tác động xảy ra trong thế giới kỹ thuật số. Tại châu Âu, Ðức đã có quy định về Luật An ninh mạng từ rất sớm. Tháng 7.2015, Quốc hội Ðức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Luật An ninh mạng của Ðức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu, và phải được Văn phòng Bảo mật thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Các công ty cũng phải thông báo cho Văn phòng về các vụ tấn công mạng bị nghi ngờ trên hệ thống của họ. Luật này có liên quan đến các lĩnh vực được coi là “cơ sở hạ tầng quan trọng” quốc gia, chẳng hạn như giao thông vận tải, y tế, nước, nhà cung cấp viễn thông, cũng như các công ty tài chính và bảo hiểm.

Tại Singapore, Luật An ninh mạng được ban hành năm 2017 cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan An ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ và sự cố. Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Ngoài ra, Singapore cũng đã ký một tuyên bố chung với Ðức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước.

Ðối với Việt Nam, vì sao chúng ta lại cần phải ban hành Luật An ninh mạng? Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan... Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Mà đó cũng là xu thế chung hiện nay, trên thế giới có đến 138 nước có Luật An ninh mạng, trong đó có 95 nước đang phát triển.

Tôi muốn lưu ý, không có chuyện Luật An ninh mạng làm tổn hại nghiêm trọng kinh tế Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Việt sẽ lụn bại do những quy định của Luật An ninh mạng như quan điểm của một số người trên mạng xã hội gần đây. Ðúng như PV đã đặt vấn đề, tôi cho rằng cách hiểu này chưa chính xác, bởi vì khi có Luật An ninh mạng sẽ không nảy sinh giấy phép con, cản trở phát triển của doanh nghiệp, mà trái lại, doanh nghiệp còn có thể giảm chi phí nếu các doanh nghiệp đặt server nội dung ở Việt Nam.

Theo tôi được biết, hiện nay, các hãng Google, Facebook đã đặt nhiều máy chứa dữ liệu tại Việt Nam. Từ cuối năm 2016 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đàm phán với các nhà mạng này để thống nhất đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng chưa có quy định cụ thể. Do đó, Chính phủ mới đề nghị đưa quy định này vào luật. Mặt khác, Luật An ninh mạng cũng yêu cầu các nhà mạng phải ngăn chặn thông tin tấn công an ninh quốc gia của Việt Nam, tấn công quyền dân sự về kinh tế - chính trị của cá nhân (khoản 1- Ðiều 6).

Bên cạnh đó, người dân hoàn toàn có thể bày tỏ ý kiến, tâm tư của mình về các vấn đề bức xúc trong cuộc sống, các điều luật... trừ phi sử dụng thông tin đó để tấn công vào an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Còn quy định doanh nghiệp phải lưu trữ cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam là yêu cầu cần thiết, bởi đó là tài sản thuộc sở hữu của Việt Nam. Trong trường hợp bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam thì cũng dễ xử lý hơn. Ðặc biệt, khi đặt máy chủ ở Việt Nam thì băng thông tăng lên, kết nối của chúng ta cũng thuận tiện hơn. Do đó, đừng lo ngại quy định này can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp.

Việc cử tri băn khoăn và lo ngại cũng chính đáng nhưng quy định của luật rất chặt chẽ, trong trường hợp nào và như thế nào thì cơ quan chức năng mới có thẩm quyền can thiệp vào thông tin cá nhân trên mạng. Luật An ninh mạng chỉ là luật để quản lý xử lý tình huống xảy ra trên không gian mạng, còn một con người cụ thể nào đó vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, chứ không căn cứ theo luật không gian mạng này.

Vi phạm của cá nhân đó đến đâu mới xử lý chứ không phải tất cả hành vi đều xử lý (quy định tại Ðiều 8- những hành vi bị cấm). Mặt khác, những thông tin mà người dân đưa lên không gian mạng hiện nay vẫn do chủ hệ thống thông tin quản lý, chỉ khi có vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng mới rà soát xem xét hành vi vi phạm. Còn chủ thể, cá nhân không thực hiện hành vi đó không có gì phải đáng lo.

PV: Ðiều 16 Luật An ninh mạng quy định về “phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”. Bình luận về điều này, có ý kiến quan ngại rằng, cơ quan, tổ chức nào kết luận đó là những thông tin xấu độc? Song cũng có ý kiến cho rằng không nên quá lo lắng, muốn biết thông tin đó có độc hại hay không, độc đến mức độ nào sẽ có cơ chế trưng cầu giám định. Ý kiến của ông như thế nào?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Ðiều 8 của Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc”. Các hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Ðiều 16 của Luật An ninh mạng bao gồm 9 khoản quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Ðây là những nội dung thông tin không được đăng tải, phát tán trên không gian mạng. Ðiều luật này quy định cụ thể thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Khi phát hiện thông tin trên không gian mạng có nội dung vi phạm, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến và yêu cầu xoá bỏ, truy cập, xoá bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật.

ÐBQH TRỊNH NGỌC PHƯƠNG:

Luật An ninh mạng chỉ là luật để quản lý xử lý tình huống xảy ra trên không gian mạng, còn một con người cụ thể nào đó vi phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, chứ không căn cứ theo luật không gian mạng này.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Tuy nhiên, như PV đã nói, có ý kiến quan ngại về những thông tin xấu, độc, đây cũng là điều băn khoăn của nhiều đại biểu khi soạn thảo và thông qua luật này. Vấn đề này được cụ thể hoá tại các Ðiều 11, 15 và khoản 7, Ðiều 16, 28. Theo đó quy định rõ, chủ thể thẩm định là các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, cơ chế thẩm định và nâng cao nâng lực tự chủ về an ninh mạng... Ðiều này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trên diễn đàn Quốc hội, nêu thực tiễn những thông tin quy định tại Ðiều 15 đều được cơ quan chức năng thông qua một cơ chế, đó là trưng cầu giám định. Rất nhiều vụ án về tuyên truyền chống Nhà nước hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích Nhà nước, tổ chức và lợi ích hợp pháp của công dân đều thực hiện chặt chẽ chế định này. Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định nên không thể có sự lạm dụng, tuỳ tiện cũng như cảm tính.

Một tiệm kinh doanh dịch vụ internet ở Tân Biên.

PV: Tháng 4.2016, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em, nay Ðiều 29 của Luật An ninh mạng quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, điều này có thật cần thiết không, thưa ông?

- Ông Trịnh Ngọc Phương: Các hành vi bị nghiêm cấm theo Ðiều 6, tại Khoản 11, Luật Trẻ em có nêu: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Như vậy, Ðiều 29 Luật An ninh mạng nêu lên việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tôi cho rằng là rất cần thiết. Hiện nay, chúng ta toàn cầu hoá rồi, thông tin trên mạng rất tốt nhưng cũng cảnh giác với cạm bẫy.

VIỆT ÐÔNG