BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới 

Cập nhật ngày: 03/11/2017 - 21:59

BTNO - Chiều 2.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình- Ảnh quochoi.vn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa; thời gian để hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018- 2019 sẽ chưa đảm bảo về chất lượng.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Đỗ Thị Phúc (Hưng Yên) nhấn mạnh, ngành Giáo dục đang tiến hành đổi mới thì những bất cập, tồn tại hạn chế nảy sinh sự hoài nghi là điều không thể tránh khỏi.

Đứng trước thế giới phẳng, sự thay đổi chóng mặt của thời đại nhất là cuộc cách mạng khoa học 4.0, đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu. Vì vậy, giáo dục Việt Nam không tiến hành đổi mới chắc chắn sẽ rơi vào lỗi thời lạc hậu không bắt kịp thế giới.

Đại biểu khẳng định, đổi mới là cần thiết, nhất định phải tiến hành. Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về việc xin lùi triển khai chương trình giáo dục giáo khoa phổ thông mới theo Nghị quyết 88 là 1 năm, đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ cần có thời gian để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng về hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục. Vậy, việc xin lùi thời gian một năm liệu đã khả thi chưa, vì thực tế vừa qua cơ bản các nội dung của nghị quyết theo lộ trình đều chậm, chưa đảm bảo đúng tiến độ.

ĐBQH Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, nếu thực hiện đúng theo Nghị quyết 88 thì việc đổi mới này có 3 giai đoạn và thời điểm này đang ở giai đoạn 2. Đại biểu băn khoăn, vậy chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 chưa, nếu hoàn thành thì đại biểu ủng hộ phương án của Chính phủ là lùi một năm, nếu chưa thì đề nghị lùi xa hơn.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (TP.Đà Nẵng) cho rằng Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới.

Tuy nhiên, nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính kinh phí phục vụ cho hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; trong khi đó tỷ lệ bố trí thời lượng giáo dục dành cho nội dung của địa phương, nhà trường được chủ động đưa vào cấp tiểu học là 16%, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là 28%.

Điều này đòi hỏi địa phương phải triển khai rất nhiều đầu việc, do vậy đề nghị sớm hướng dẫn cụ thể để các địa phương và cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình...

Theo yêu cầu của Nghị quyết 88, từ năm học 2018- 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tuy nhiên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, trên cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Nghị quyết 88, có thể thấy nếu triển khai theo lộ trình trên thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm, do đó việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội.

Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019- 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020- 2021, và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021- 2022.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉ đạo hoàn thiện dự thảo nghị quyết và sẽ gửi xin ý kiến các ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua, kể cả nội dung có xin ý kiến về các phương án lùi 1 năm, 2 năm hay 3 năm về chương trình.

Kim Chi


  • Ebook Look (National Geographic)