BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lưu ý khi sử dụng miếng lót giày y khoa 

Cập nhật ngày: 20/10/2018 - 11:34

Người bệnh phải được bác sĩ đo đạc hình dáng bàn chân, độ vòm, lõm, bẹt, cần nâng đỡ ở vị trí nào để lựa chọn lót giày phù hợp.

Trên thị trường hiện nay bán nhiều loại miếng lót giày nhiều xuất xứ. Có những loại lót giày bình thường, mục đích để êm chân, tăng chiều cao hoặc cho đỡ rộng. Một số loại lót giày được quảng cáo dùng để chữa bệnh lý bàn chân, với cấu tạo gồm có khung định vị, đệm giữ thăng bằng, nôi nâng đỡ, lớp đệm hấp thụ lực...

Sản phẩm có nhiều chất liệu khác nhau như nhựa tổng hợp, silicon, lót vải nhung, giá từ 280.000 đến 795.000 đồng một bộ tùy vào chất liệu và thương hiệu. 

Thông thường miếng lót giày dùng trong y khoa sẽ được thiết kế có độ cong giúp nâng đỡ, tạo vòm bàn chân và điều chỉnh cấu trúc xương khớp. Sản phẩm dùng cho bệnh nhân đau nhức bàn chân, thích hợp cho người có bệnh lý viêm khớp hoặc tiểu đường.

Những miếng lót giày có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh này, theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ và được thiết kế riêng phù hợp với từng người bệnh.  

Loại lót giày bình thường được người bán giới thiệu có tác dụng chữa bệnh. Ảnh: WC

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thành, chuyên khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, miếng lót trong giày được xem là có tác dụng y khoa khi đóng vai trò nhất định phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về bàn chân như gai xương gót hay còn gọi là viêm cân gan bàn chân.

Những người phải đứng quá nhiều, mang giày dép cứng, hay đi chân đất là nhóm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý trên. Miếng lót sẽ tạo độ êm giảm bớt áp lực khi đi giày dép quá cứng, nâng đỡ vòm bàn chân đúng theo sinh lý bình thường.

Tuy nhiên, đây không phải là dụng cụ hỗ trợ "thần thánh" và cũng có nhiều hạn chế. Những người mắc các bệnh lý nặng khiến bàn chân biến dạng như bệnh tiểu đường không thể sử dụng miếng lót bán trên thị trường, mà cần phải có thiết kế riêng. Việc lạm dụng có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn, gây ra nhiều di chứng.

"Lót giày được bán trên thị trường chỉ như một dụng cụ hỗ trợ, tương tự thực phẩm chức năng và không cần bác sĩ kê toa. Dù người bán có gắn mác y khoa, sản phẩm vẫn không phải là dụng cụ để chữa trị cụ thể một căn bệnh nào", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Lót giày được gọi là y khoa khi nó có chức năng điều trị bệnh lý và được bác sĩ khám, kê toa và theo dõi định kỳ. Trong đó, các chuyên viên thiết kế lót giày cùng bác sĩ chỉnh hình bàn chân sẽ trực tiếp chữa trị. Bệnh nhân phải lấy khuôn bàn chân bằng thiết bị chuyên dụng để đo đạc hình dáng, độ vòm, lõm, bẹt, cần nâng đỡ ở vị trí nào. Từ khuôn đó, các bác sĩ sẽ phân tích và cung cấp những miếng lót phù hợp với từng dạng bàn chân khác nhau.

Nguồn VNE