BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mái trường sư phạm của tôi

Cập nhật ngày: 18/11/2017 - 16:16

BTN - Cứ mỗi lần bầu trời khoác chiếc áo mơ vàng đón thu sang và bắt đầu dẫn dắt những đám mây trắng trôi bồng bềnh qua những bến sông lơ đãng mới thì lòng tôi lại bừng lên với bao nhịp chân rộn rã bồi hồi của một thời tuổi trẻ xa xưa.

Tuỳ bút của Đào Thái Sơn

Nhớ lại suốt những năm tôi còn học trung học cơ sở, nhà tôi nghèo lắm. Tôi vừa đi học vừa đi làm thuê, làm mướn đủ thứ việc để kiếm thêm mỗi ngày vài ngàn mua gạo, phụ ba má nuôi em. Năm lên lớp mười tôi bắt đầu phụ ba đi soi đêm và làm cá. Ðêm nào cũng vậy, tôi phải đội đèn bình, mang rọng, cầm chĩa đi làm suốt trong rừng, trong suối vắng lạnh lẽo một mình. Thời gian học của tôi rất hạn chế, trừ những lúc ngồi trên lớp, còn lại rảnh giờ nào tôi học giờ đó. Chuyện học thêm học bớt với tôi là không tưởng, vì làm gì có tiền để học. Tuy vậy, tôi không thua kém bạn bè bao nhiêu, tôi luôn cố gắng và hy vọng một ngày nào đó sẽ thoát ra khỏi cái cảnh cơ cực ấy.

Cuối năm lớp mười hai, bạn bè tôi chia tay nhau mỗi đứa một phương. Ðứa nào nhà dư dả thì về Sài Gòn luyện thi để vào các trường danh tiếng. Ðứa nào nhà nghèo khó thì về làm rẫy làm nương, hoặc đi học nghề kiếm việc. Còn tôi, ôm ước mơ vào trường đại học thể dục thể thao, vì lúc ấy tôi rất mê thể thao, đặc biệt là Taekwondo, vả lại lúc ấy tôi đã có bằng huyền đai đệ tam đẳng, nên thi vào chuyên ngành này cũng là chuyện không có gì quá khó.

Ba tôi để dành cho tôi được ít tiền, thế là tôi “cũng lều, cũng chõng cũng đi thi” như ai. Ðó là một kỷ niệm đẹp mà suốt đời tôi không thể nào quên. Nhưng giờ nghĩ lại, nhớ lại lòng thấy ngậm ngùi. Ði thi xong, về nhà nằm đợi, đùng một cái bưu điện đưa giấy báo trúng tuyển, báo chuẩn bị nhập học. Ba má tôi chạy đủ đường nhưng không thể lấy đâu ra một số tiền đủ cho tôi về Sài Gòn ăn học và lưu trú. Thế là xong, giấc mơ coi như gác lại. Hơn ai hết, tôi hiểu hoàn cảnh nhà mình, nên cũng không quá buồn mà chờ kiếm cơ hội khác vậy.

Một buổi chiều, tôi ra tiệm mua vài xị dầu về thắp đèn thì vô tình gặp lại cô giáo cũ của tôi. Cô Loan, cô dạy văn của tôi năm tôi học lớp tám. Thấy tôi, cô hỏi:

-Sơn, con thi vào trường gì rồi vậy?

-Dạ, con thi vào thể dục thể thao, mà không có tiền đóng học cô ơi!

Nhìn tôi vài giây, cô nói tiếp:

-Hay con thi vào Trường Sư phạm Tây Ninh đi, nếu đậu thì con không phải đóng học phí, mà còn có học bổng mỗi tháng nữa

Nghe cô nói thế tôi mừng thầm trong bụng. Tôi về thưa lại với ba má và sáng hôm sau đạp xe đạp hơn bốn mươi cây số đến trường để làm hồ sơ dự thi. Trên đường đi, tôi suy nghĩ lan man, mình sẽ thi vào ngành gì đây ta, nếu đậu thì sau này mình sẽ dạy môn gì cho thích hợp. Bỗng nhiên trong đầu tôi lại hiện ra cuốn “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ và cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm- hai cuốn sách còn sót lại của gia đình sau bao nhiêu mùa mưa dột, hai cuốn sách hay nói đúng hơn là hai người bạn thân thiết gắn bó với tôi. Tôi chợt nghĩ, hay là mình đi học ngành văn học! Văn học cũng phù hợp với tâm hồn mình lắm kia mà! Thế là cơ duyên, thế là tôi đã có một quyết định mới mẻ và táo bạo. Không do dự gì nữa, tôi quyết định làm hồ sơ đăng ký vào ngành văn. Những ngày chờ đợi thi, tôi tự ôn lấy, ôn bài với tất cả niềm hy vọng.

Tôi thi đậu, mà đậu khá cao nữa chứ. Năm ấy, cả tỉnh, ngành văn tuyển được hai mươi bốn sinh viên. Lớp tôi có năm bạn trai và mười chín bạn gái. Tôi thực sự bước vào môi trường mới với bạn bè mới, thầy cô mới. Lớp tôi bạn bè hoà đồng rất nhanh, đoàn kết, giúp đỡ nhau mọi chuyện, tôi thực sự hạnh phúc với những năm tháng dưới mái trường sư phạm này. Tôi còn nhớ, ngày ấy quyết tâm của tôi cao lắm, tôi quyết học hành cho đàng hoàng. Tôi nghĩ, mình học để sau này ra dạy, mình học cho xứng với công lao gian khó của ba má ở nhà, nên phải học thật sâu, thật kỹ, bốn chữ “qua loa đối phó” không bao giờ tồn tại trong tim tôi. Tôi luôn mơ về một ngày mình sẽ về dạy cho những học trò nghèo khó của quê hương- như chính mình ngày trước. Quyết tâm chồng lên mọi quyết tâm là như thế.

Năm ấy, trường tôi chưa phân ra chương trình đại cương như sau này. Nhập học là học chuyên sâu luôn tất cả các môn chuyên ngành và các môn chung bắt buộc. Học cả sáng lẫn chiều, có khi phải học luôn cả buổi tối nữa, học như chạy nước rút quanh năm vậy. Nói thật, chuyện học có bao giờ gọi là sung sướng nhưng được học cái mình thích thì còn gì bằng! Thầy cô tôi đều là những người cực tốt, luôn bênh vực, thương yêu học trò, giúp đỡ chúng tôi tận tình lắm. Tôi suốt đời không thể nào quên những người thầy cao cả ấy.

Thầy Dung dạy ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy, thầy Hào dạy tiếng Việt năm thứ 2, thầy Quang Anh dạy lý luận văn học, thầy Nhàn dạy ngữ pháp năm thứ 3, cô Thuỳ Nhung dạy văn học Việt Nam, cô Bạch Tuyết dạy văn học phương Tây, cô Diên Hồng dạy văn học Trung Quốc… Tất cả các thầy cô luôn truyền cho tôi nguồn cảm hứng vô bờ với những bài giảng đầy tâm huyết. Tôi như sống với những chân trời kiến thức, tôi học bài mà như uống nước, ăn cơm vậy. Nó ngọt ngào làm sao! Nhưng phải đến với thầy Dương Văn Trị, tôi mới thực bước vào đời sống của văn học.

Thầy Trị dạy môn Hán Nôm, cái môn học mà hầu hết bạn bè đều sợ, nhưng tôi lại thấy kỳ thú với nó. Tôi nhớ lại những ngày tháng tự học từng chữ Hán nơi cuốn “Truyền Kỳ Mạn Lục”, học với sự ham thích. Khi đến với thầy Trị tôi mới thực sự bước vào một bộ môn khoa học ngôn ngữ cổ, học có bài bản hẳn hoi. Tôi học với tất cả niềm say mê. Thầy cũng dạy với cả trái tim, bắt đầu từ chỗ này tôi mới manh nha vạch ra hướng mới cho cuộc đời mình- nghiên cứu văn học.

Vài năm sư phạm quả chẳng có bao lâu. Tôi cố học, học như là ngấu nghiến, tôi học từ trong trường ra đến ngoài xã hội, học với các vị thầy ẩn cư như thầy Tạ Tấn Lộc, rồi cả với các vị sư trong nhà chùa. Tôi học như chạy đua với thời gian vậy, học là niềm hạnh phúc… Trong khi tôi sôi kinh nấu sử ở trường thì ở nhà, ba má và hai em tôi chịu biết bao vất vả. Má tôi phải về Sài Gòn mua bán từng trái nhãn, trái chôm chôm để có tiền lo cho gia đình.

Ba tôi làm đủ thứ việc để có tiền cho tôi ăn học hằng tuần. Lúc ấy, mỗi tuần tôi về, ba cho năm mươi ngàn là đủ cho tiền xe lôi, tiền cơm gạo một tuần. Nhưng năm mươi ngàn đâu phải dễ kiếm trong thời buổi ấy. Có khi đến ngày tôi về mà nhà không có tiền, ba tôi phải bán từng cây xoài, cây mít, bán gỗ cho người ta, lấy tiền cho tôi. Cũng có lúc thắt ngặt đến nỗi em trai tôi phải đem ổ chó con ra chợ Ðồng Pal bán để lấy tiền cho anh ăn học. Cái ơn của gia đình làm sao nói cho hết!

Càng khó, tôi càng không lùi bước. Tôi quyết tâm học, tôi “nhai” gọn hết tất cả giáo trình của cao đẳng, đại học và tôi thấy đó cũng chỉ là những nét cơ bản. Tôi dành hết tiền học bổng để mua sách. Nhưng tiền học bổng có là bao. Cơ may, tôi được một câu lạc bộ võ thuật trong Nhà Văn hoá thiếu nhi (ở khu nội ô Toà thánh) mời đi dạy. Thế là “lấy cái này nuôi tạm cái kia”. Tôi bắt đầu sắm sửa nguồn kinh sách cho mình. Tôi thoả chí trong nguồn sách vở của thư viện và của riêng mình. Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn các vấn đề mình quan tâm và yêu thích.

Tôi học ngày đêm với các học giả Vương Hồng Sển, Sơn Nam, An Chi, Cao Xuân Hạo, Trần Ðình Sử, Phan Nhật Chiêu…. và những học giả khác. Nói cho tận lòng, việc học có bao giờ mà thoả. Càng học càng mê, càng mê càng học, càng học thấy mình càng nhỏ bé và càng nhỏ bé nên càng phải tiếp tục học. Nói cho hết lòng, cái ơn của thầy cô là đưa mình đến với bến bờ học thuật. Cái ơn của cha mẹ là sinh thành nuôi dưỡng. Cái ơn của Tổ quốc là cho mình cuộc sống bình yên để có cơ hội mà học tập, sinh sống. Cái ơn của thập phương bá tánh, bạn bè là hỗ trợ, giúp đỡ khi mình gặp khó khăn… Tất cả đều là những ơn nghĩa to lớn mà suốt đời, suốt kiếp phải ghi nhớ là như vậy.

Ngày tốt nghiệp sư phạm, mỗi đứa chúng tôi chào từ biệt thầy cô và mái trường thân yêu với cảm giác ngùi ngùi, rồi vội vã ôm mảnh bằng và tờ quyết định toả đi tứ xứ. Tôi may mắn được trở lại chính quê nhà của mình, rồi đi dạy với tất cả niềm vui mới. Ngày đầu tiên làm thầy, nhìn những đứa trẻ miền quê mới thấy ngây thơ, đáng yêu làm sao ấy. Nhưng phải nói rằng, việc đi học và việc đi dạy khác nhau lắm.

Ngày trước chuyên tâm học kiến thức thì khi đi dạy phải học cách sống, cách ăn ở với đời nữa mới được. Ban đầu lạ lẫm nhưng từ từ quen dần và thích ứng. Ngoài giờ đi dạy, làm hồ sơ sổ sách, tôi dành trọn cho việc học tiếp tục. Tôi thiết nghĩ, làm nhà sư mà không tinh thông đạo pháp thì sẽ dẫn chúng sinh vào địa ngục, làm thầy mà không giỏi, ăn mòn mãi mớ kiến thức đã có thì khó có thể dạy cho học trò sáng tỏ được. Ý nghĩ và sự quyết tâm luôn thôi thúc việc tự học, tự nghiên cứu của tôi. Học để làm người thầy cho xứng đáng, chứ không mong học để làm ông này bà nọ bao giờ. Và con đường ấy tôi đã chọn, tôi mãi đi cho tới bây giờ

Mới thoáng đó mà đã hơn hai mươi năm rồi nhỉ! Thời gian trôi qua bao lần bãi bể nương dâu... Tóc xanh thay dần tóc bạc, nhìn quãng đường đã đi qua sao nó dài hun hút. Thầy cô xưa nhiều người đã nghỉ hưu, mái trường sư phạm xưa cũng đã dời đổi, xây cất lại. Nhưng những kỷ niệm xưa thì vẫn còn đó trong lòng. Cái ngày khăn gói, bếp lò, nồi niêu, xoong chảo lên đường lôi thôi đi vào khu nội trú; những ngày chuyên tâm khổ học; rồi hình ảnh thầy cô bạn bè và cả những tháng ngày đi thực tập… tôi vẫn còn nhớ như in. Những kỷ niệm mơn man tươi đẹp của thời xa xưa ấy như vẫn còn ngự trị trong lòng… Một thời để yêu và một thời để nhớ, ôi mái trường sư phạm của tôi.

Ð.T.S