Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2019):

Mạng xã hội và trách nhiệm của người làm báo

Mạng xã hội và trách nhiệm của người làm báo

“Mạng xã hội và báo chí”- một chủ đề không mới mẻ nhưng đến nay vẫn luôn nóng bỏng không chỉ với những người làm báo mà cả với toàn xã hội. “Mạng xã hội” và “báo chí”, hai thuật ngữ riêng biệt, đặc thù nhưng có lúc, có nơi khoảng cách rất mong manh. Có lúc đấu tranh với nhau quyết liệt, có lúc hỗ trợ nhau tích cực. Có thể nói, mạng xã hội và báo chí là cạnh tranh, là tương tác, là nguồn thông tin bổ túc cho nhau…

Mạng xã hội- nguồn đề tài vô tận

Mạng xã hội (MXH) đang là kho cung cấp thông tin, đề tài khổng lồ. Qua đó, các nhà báo chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp khai thác những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, sau khi thẩm định độ chính xác sẽ sử dụng cho những bài báo của mình phục vụ công chúng.

Thời gian qua, rất nhiều sự việc tung lên MXH, cư dân mạng bàn tán xôn xao về những vấn đề này, các cơ quan báo chí kịp thời xác minh và có nhiều bài viết phê phán những hành động tiêu cực, động viên khích lệ, biểu dương những hành vi tích cực, góp phần làm thay đổi hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội.

Đơn cử, năm 2018, trên MXH (tài khoản của Trương Huy San) có đưa thông tin về một vụ một người leo núi bị sụp đất trên núi Bà Đen, đáng nói là tài khoản này cho rằng lực lượng cứu hộ trên núi Bà Đen không những không kịp thời cứu nạn mà còn có dấu hiệu nhũng nhiễu. Lượng truy cập, chia sẻ kèm những lời bình luận ác ý lan toả nhanh đến chóng mặt, dù là thông tin sai trái, xuyên tạc.

Ngay lập tức, Báo Tây Ninh đã xác minh, tìm hiểu và thông tin sự thật: trên núi Bà Đen trong khoảng thời gian xảy ra sự kiện sụp đất gây thương tích cho người leo núi mà tài khoản Trương Huy San nêu, hoàn toàn không có tai nạn nào, hơn nữa, núi Bà Đen là núi đá, không thể có tình trạng sụp đất; lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên núi là lực lượng chuyên nghiệp, việc cứu hộ không chỉ là nghề nghiệp, là lương tâm, mà còn là cuộc sống của họ… Sau khi báo đăng, bài báo với những thông tin rõ ràng, chính thống được lan truyền rộng rãi đã đập tan những luận điệu xuyên tạc.

Mạng xã hội-cơ hội quảng bá thương hiệu báo  chí 

Rõ ràng, nếu những thông tin có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén được người đọc thừa nhận… sau khi lan truyền qua MXH thì thương hiệu của tờ báo, uy tín của nhà báo được nâng lên. Vài tuần trước, bài viết mang tính cảnh giác về một vụ lừa đảo của Báo Tây Ninh có hàng trăm lượt chia sẻ (share), video clip về mô hình trồng nho trên đất Tây Ninh có hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ; xa hơn, năm 2018, những bài viết về vấn đề biểu tình trái phép, phân tích tác động kinh tế xã hội của các dự án lớn trên địa bàn tỉnh cũng có hàng ngàn lượt truy cập…

Hiện nay, rất nhiều nhà báo sở hữu tài khoản facebook có từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người theo dõi. Có một thống kê cho thấy, ở nước ta dân số xấp xỉ 95 triệu người (trong đó, tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày.

Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Do vậy, có thể khẳng định, tính quảng bá, lan toả của MXH là cơ hội cho báo chí.

Mạng xã hội làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống 

Do “thế lực” của MXH, hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần có một smartphone trên tay, bất kỳ cá nhân nào cũng là một nhà báo, bởi họ có thể phản ánh, tường thuật, bình luận sự kiện vừa mới xảy ra. Và, như đã nói ở trên, đó là nguồn đề tài cho phóng viên, còn toà soạn có cơ hội nắm bắt dư luận. Như vậy, MXH góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả. Đây là nét mới so với cách làm báo truyền thống.

Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả, nhưng ít nắm được sự mong muốn được chia sẻ, được đối thoại của người đọc. Ngày nay, mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn được chia sẻ, được cùng nhiều người bàn thảo, thậm chí muốn tạo nên dư luận xã hội. Như vậy, việc cung cấp thông tin và cả bình luận về thông tin không còn là độc quyền của nhà báo.

Và như vậy nó đã tác động, làm cho nghề báo truyền thống phải thay đổi và thay đổi cả sự chờ đợi của độc giả với nhà báo. Sự phát triển ngày càng rộng rãi của MXH đã tạo điều kiện cũng như đòi hỏi sự thay đổi quy trình tác nghiệp truyền thống của nhà báo, giúp họ có được tin tức nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian hơn.

Và trách nhiệm của báo chí

Báo chí phải thực hiện vai trò “chính thống hoá” và định hướng thông tin của báo chí. Lấy ví dụ từ sự kiện “sụp đất trên núi Bà” trên tài khoản Trương Huy San, đó là khi những thông tin trên MXH được nhà báo tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng rồi đăng tải trên báo chí sẽ làm cho thông tin đó, vấn đề đó được “chính thống hoá”; và đương nhiên nó sẽ được tin cậy cao hơn.

Lấy thêm một ví dụ, năm 2018, trong một vụ tranh chấp đất thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, có một số đối tượng chống đối đã đến nhà vị lãnh đạo địa phương có dự án để dàn dựng, quay video clip tung lên mạng để gây sức ép với cá nhân vị này. Báo Tây Ninh cũng đã kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin về bản chất vụ việc, vấn đề đang được xã hội quan tâm, giúp người đọc thấy được sự thật vụ việc; và cộng đồng MXH tiếp nhận, truyền bá và thảo luận, từ đó dư luận xã hội đi vào hành lang thông tin chính thống, đúng đắn.

Thực tế MXH hoàn toàn mang tính cá nhân, nội dung thông tin dàn trải, vụn vặt về nhiều vấn đề, từ đời tư một nhân vật nào đó, một sự việc cụ thể ngoài xã hội, tới cả những lời kêu gọi, cuộc vận động của một cá nhân, nhóm người thuộc MXH trước một vấn đề, một sự việc nào đó của xã hội… Hình thức thể hiện có nhiều dạng: loại có bài, có tin mô tả trung thực; loại phản ánh một chiều, hoặc thiếu đầy đủ; loại không có mục đích rõ ràng; thậm chí có loại mang mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ, lừa đảo.

Vấn đề là, thông tin trên MXH hầu như thiếu kiểm chứng và đến nay, chế tài đối với hành vi thiếu chuẩn mực trên MXH chưa rõ ràng, đầy đủ. Ngoài ra, việc xử lý những thông tin không đúng sự thật, thậm chí những thông tin bôi nhọ, nói xấu, hạ bệ có động cơ, mục đích xấu, lừa đảo… trên MXH trong những năm vừa qua chưa được kịp thời.

Do vậy, khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên MXH, người làm báo phải kiểm chứng, nếu thấy đúng sự thật mới chính thống hoá thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy, uy tín của tờ báo mới được nâng cao, góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển.

Để làm được việc đó đòi hỏi trách nhiệm, đạo đức, năng lực của nhà báo; tính nguyên tắc, kỷ cương, chính trực của cơ quan báo chí; tính nghiêm minh của quy chế, pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, nếu nhà báo, cơ quan báo chí lựa chọn thông tin, chủ đề thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng dẫn tới thông tin thiếu chính xác, sai lệch thì tờ báo sẽ bị xã hội đánh giá thấp, người đọc ít quan tâm, đó là dạng báo mà bạn đọc gọi chung là “lá cải”; và vô tình hoặc hữu ý, nhà báo, cơ quan báo chí đã tiếp tay cho sự lừa đảo, cho mục đích xấu.

Để tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác, báo chí truyền thống phải “hợp tác” với MXH. Nhiều tờ báo bắt đầu sử dụng fanpage để chia sẻ đường link các bài viết từ báo mạng điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên nền tảng MXH, chọn MXH là phương tiện đầu tiên truyền tải thông tin đến bạn đọc…

Sự “bắt tay” của báo chí và MXH đã tạo ra một cú nhảy vọt lớn, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin. Có thể nói, bằng nền tảng MXH, báo chí đã tìm được con đường đến với độc giả nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nền tảng MXH cũng đã tạo ra những nguy cơ mà nếu không tỉnh táo, các cơ quan báo chí có thể đánh mất mình. Phải thừa nhận rằng, MXH bao gồm facebook và twitter đang được các toà soạn báo và các nhà báo chuyên nghiệp sử dụng rộng rãi. MXH không chỉ được xem là vượt trội so với truyền thông truyền thống, mà chúng còn được xem là nguồn tin giá trị cho cả nhà báo lẫn  người sử dụng internet.

Đáng lưu ý, có một thực trạng là MXH đã tạo ra “những phóng viên salon” chuyên biên tập, xào nấu thông tin, mà không cần kiểm chứng. Không ít nhà báo sử dụng nguồn tin trên MXH, xào xáo, chế biến thành tin, bài của mình; xem video clip trên mạng rồi tường thuật lại như đang có mặt ở hiện trường, dựa vào thông tin trên mạng rồi “thêm mắm, giặm muối” để viết bài, thậm chí viết hàng loạt bài… Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí.

Một thực trạng đáng buồn khác, một vài nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng bị các thế lực thù địch lôi kéo, gieo rắc những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, luận điệu sai trái… trên MXH, biến tài khoản cá nhân của mình thành “diễn đàn” chống phá Đảng, Nhà nước.

Có thể khẳng định, MXH là cánh tay nối dài của báo chí, thông qua MXH, báo chí có thể tuyên truyền những nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân một cách nhanh nhất; đồng thời đấu tranh với “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Người làm báo được mệnh danh là “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng”, nhiệm vụ chủ yếu của những người lính này không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin trên nguyên tắc “chân thật, khách quan, đúng bản chất”, mà còn định hướng dư luận, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Duy - Hoàng Thái