Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập 

Cập nhật ngày: 28/03/2018 - 16:12

BTN - Những năm gần đây, việc chuyển đổi cây trồng được người dân ở xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) quan tâm. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn thực hiện việc này, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Bà Mộng thu hoạch chanh, tắc.

Gia đình bà Ðỗ Thị Mộng, 55 tuổi, ngụ tại ấp Long Hoà 2 là một trong số đó. Bà Mộng cho biết, gia đình bà có hơn 1 ha đất ruộng chuyên trồng lúa và các loại hoa màu.

Mấy năm qua, việc canh tác lúa không đạt hiệu quả, năng suất, lợi nhuận đều thấp nên vợ chồng bà Mộng luôn suy nghĩ về chuyện tìm một loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua tìm hiểu, hai ông bà quyết định sử dụng một phần diện tích đất lúa để trồng thử chanh và tắc. Trên 8 công đất, họ trồng 700 gốc chanh và 200 gốc tắc.

Tính đến thời điểm này, vườn chanh của gia đình bà Mộng đã được gần 3 năm tuổi và cho thu nhập khá ổn định. Vợ chồng bà không xử lý cho chanh ra trái từng đợt mà cứ để chanh ra trái theo tự nhiên.

Theo bà Mộng, cây chanh không qua xử lý trái gần như có khả năng cho trái quanh năm, người trồng có thể thu hoạch liên tục. Mỗi ngày, gia đình bà Mộng thu hoạch từ 10 đến 20 ký chanh và tắc, có lúc trái rộ, tăng lên đến 50 ký/ngày, giá trung bình từ 8.000 đến 15.000 đồng/ký.

Hiện tại, chanh đang được thu mua với giá khá cao: 20.000 đồng/ký tại vườn, mỗi tuần, vợ chồng bà Mộng thu vào được khoảng 2 triệu đồng từ việc bán chanh và tắc.

Bà Mộng chia sẻ kinh nghiệm, cây chanh dễ trồng, chỉ phải tốn công sức, chi phí đầu tư ban đầu, còn về sau khi cây đã lớn, chi phí bỏ ra rất ít, khâu chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Tính từ lúc xuống cây giống cho đến gần một năm sau, cây cho trái, có thể thu hoạch đều đặn. Qua một thời gian trồng, bà Mộng đánh giá, cây chanh cho thu nhập ổn định hơn cây lúa. Thời gian tới, vợ chồng bà tiếp tục nhân rộng diện tích trồng chanh.

Ông Nguyễn Văn Nghệ, 58 tuổi, ngụ tại ấp Long Hoà cũng là người đã mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa, cao su để chuyển sang trồng quýt đường. Nhờ được chăm sóc tốt, vườn quýt 3 năm tuổi của gia đình ông đã phát triển xanh tốt và cho thu hoạch.

Ông Nghệ đã xuất bán đợt đầu tiên và đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai. Theo ông Nghệ, cây quýt đường dễ chăm sóc. Trái quýt đường dễ tiêu thụ nên không lo đầu ra. Ðiều quan trọng là người trồng phải biết xử lý cho ra trái theo ý muốn để tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.

Cũng theo ông Nghệ, chỉ cần một đợt thu hoạch rộ nữa là ông sẽ lấy lại vốn đầu tư vườn quýt, các đợt thu hoạch tới sẽ chỉ thu lợi nhuận. Trở thành chủ nhân của vườn quýt trĩu quả, ông Nghệ rất phấn khởi và có ý định chuyển đổi thêm diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang trồng quýt đường.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Chữ cho biết, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy hiệu quả trên cùng diện tích đất canh tác.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương còn manh mún. Ðể giúp đỡ người dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật canh tác cây ăn trái.

THẾ ANH


Liên kết hữu ích