BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Màu trà 

Cập nhật ngày: 28/06/2017 - 12:59

BTN - Cha tôi rất ưa uống trà. Kiểu ưa thích của các lão nông sau giờ ra đồng ngồi lại với nhau bàn chuyện mùa màng hoa trái chứ không phải là sành trà theo kiểu phải biết long tĩnh trà hay trảm mã trà là gì.

Trà cha tôi uống thường phải được châm khá đậm, đậm đến nỗi từ bếp bưng lên trà đã ra màu vàng rồi. Và nước phải “sôi trăm độ”. Nhưng nhà tôi dạo đó, nghèo đến nỗi không có đủ lượng trà để châm một bình “đạt chuẩn” cho cha. Mà trà cũng nào phải trà gói, trà trăm gram như bây giờ, mà toàn trà bán lẻ, gói trong tờ giấy học trò thôi.

Một gói trà năm 1995 ấy, châm “nhín nhín” cũng được ba bình. Nhưng mà cha tôi rất ưa mùi trà đậm vì cha nói trà châm đậm nó thơm và ngọt hơn châm nhạt. Màu trà đậm cũng vàng đẹp lắm. Nhưng cái túi mẹ tôi chỉ có hạn, nên mẹ cứ hay châm nhạt. Ðiều đó khiến cha tôi rất bực mình.

Rồi nhà tôi có khách, mẹ quáng quàng cơm nước mà quên bẵng chuyện nhà đã hết trà. Mãi khi khách ngồi vào bàn bà mới nhớ ra. Nhưng nhà bà bán trà đã đóng cửa.

Thế là mẹ tôi đành châm trà bằng cách vét hết số trà còn lại. Kết quả, kẻ bưng trà lên là tôi… lãnh trọn cả bình trà nóng vào chân do cha ném với lý do: “Mẹ con bà khi dễ anh em tôi à? Sao châm trà gì nhạt hoét?”.

Mặc cho mẹ tôi phân trần giải thích: nhà hết trà, chỗ bán đóng cửa, mặc người khách can ngăn, cha tôi vẫn gầm gừ mắng vợ. Dù hãy còn là đứa trẻ nít mới hơn mười tuổi nhưng lúc đó tôi đã có cảm nhận: cha mắng mẹ vì muốn thể hiện cái “oai phong” của người đàn ông trong nhà chứ đáng gì một bình trà mà to tiếng vậy.

Mùi trà nóng đổ xuồng nền nhà, cộng với cảm giác đau rát của làn da bị bỏng khiến cho không phải da chân mà lòng tôi sưng tấy…

Lúc ấy tôi tự nhủ rằng, mai này lớn lên, làm có tiền, tôi sẽ mua thật nhiều trà, châm thật đậm cho cha tôi uống đến… “quéo lưỡi”- cho bỏ ghét!

Rồi tôi cũng lớn lên.

Bây giờ trà trong nhà tôi khá nhiều; phần tự mua, phần bạn tặng, phần người biếu… Cha tôi giờ đã bảy mươi. Mấy lúc cha đến chơi nhà, tôi châm trà thật đậm. Cha nhấp một ngụm, suốt buổi nói chuyện mà ly trà gần như còn nguyên. Tôi hỏi: “Trà không ngon ạ?”. Cha đáp: “Ðậm quá, không uống được con ạ”. “Sao con nhớ hồi đó cha ưa trà đậm mà”. “Hồi đó khác, bây giờ khác con ạ”.

Dường như cha tôi đã quên chiếc bình trà nóng hổi ném vào chân con mình ngày xưa- vì cái tội “trà châm nhạt” mất rồi. Nhưng tánh tôi nhỏ nhen, ích kỷ nên vẫn còn nhớ. Ðể hôm nay màu nước trà đậm chát xít cả lưỡi. Mùi trà không còn thoảng hương thơm mà khướu giác cũng quánh đặc, say say bởi trà quá đậm.

Cha thủng thẳng- không biết vô tình hay cố ý: “Ðời người, ngó bộ mà ngắn lắm con. Sẽ không ai quay ngược được thời gian mà nói lời hối hận hay nuối tiếc. Chỉ phiền là tuổi trẻ luôn nông nổi, đến khi hiểu ra đã muộn màng…”.

Tôi như kẻ tỉnh ngộ, sẽ sàng đi châm bình trà khác, nước trà rót ra vừa độ men xanh chứ không ngả vàng như bình trước.

Mùi trà thoang thoảng căn phòng hẹp. Cha cầm chiếc tách nhỏ đưa lên mũi hít hà mùi nước nóng, khen con gái pha trà đã “lên tay”. 

Ð.P.THUỲ TRANG