BAOTAYNINH.VN trên Google News

ÐBQH Huỳnh Thanh Phương:

Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (*)

Cập nhật ngày: 15/06/2018 - 05:31

BTN - Theo đại biểu Phương, các đối tượng chịu tác động từ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng ngoài Nhà nước và các tổ chức xã hội, là nhóm chủ thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên cần đánh giá toàn diện và rà soát kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ điều kiện thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước về công tác PCTN.

Ngày 13.6, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi với những điểm mới. Ðại biểu Huỳnh Thanh Phương (Phó trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH Tây Ninh) cho rằng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng được sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay.

Trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ðây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài và rất khó khăn.

Tham nhũng không được đẩy lùi sẽ là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ, làm suy yếu hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.

Một trong những điểm mới là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước và đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Ðiều 37 của dự thảo Luật), đại biểu Phương cho rằng, quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Ðảng (tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.12.2017 của Bộ Chính trị) là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Ðồng thời, bảo đảm phù hợp với các quy định về hình sự hoá các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ- đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, các đối tượng chịu tác động từ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng ngoài Nhà nước và các tổ chức xã hội, là nhóm chủ thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên cần đánh giá toàn diện và rà soát kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ điều kiện thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước về công tác PCTN.

Ðộng thái này vừa đáp ứng mục tiêu PCTN, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung chặt chẽ, đồng bộ các điều luật có liên quan. Cụ thể, cần bổ sung đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập vào Ðiều 37 của dự thảo luật, trên cơ sở đó, các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội có căn cứ để ban hành quy định thực hiện minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập và thanh tra, kiểm tra theo quy định tại các Ðiều 99, 100, 102, 103 của dự thảo luật.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Ðiều 32 dự thảo luật), ÐBQH Huỳnh Thanh Phương cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức để không bị chồng chéo- nhất là đối với các cơ quan thuộc ngành dọc.

Làm như vậy, vừa bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan, tránh quá tải đối với hoạt động của cơ quan thanh tra; vừa bảo đảm thống nhất với quy định tại Ðiều 88 của dự thảo luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách.

Ðồng thời, để phục vụ cho việc thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập thì tất cả các đầu mối phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý (Ðiều 59 của dự thảo luật), đại biểu Phương phân tích: pháp luật về tài sản quy định thu nhập hợp pháp mới được bảo vệ và thu nhập hợp pháp mới phải nộp thuế thu nhập.

Vì vậy, cần phân biệt thu nhập hợp pháp nhưng kê khai không trung thực thì chỉ xử lý kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai về hành vi kê khai không trung thực của họ; còn đối với thu nhập không hợp pháp nhưng kê khai không trung thực thì phải xử lý trách nhiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự của người kê khai tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương đặt vấn đề: cần làm rõ hành vi kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý có phải là hành vi vi phạm Luật PCTN hay không? Nếu có lỗi nhưng chưa được xem là tội phạm thì phải được xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Quy định về thẩm quyền xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện đã phù hợp với quy định của pháp luật chưa? Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý có phải là đối tượng chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hay không? Những vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng chưa được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật nên ông “chưa an tâm chọn phương án nào”, và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn các nội dung này để đề xuất phương án cho phù hợp.

MINH QUANG - DUY NHÃ

(Lược ghi)

_______________

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt.