Xã hội   Chia sẻ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mơ thoát đời... lượm bọc 

Cập nhật ngày: 10/05/2017 - 16:30

BTNO - Bà Ðào Thị Thiệt sinh năm 1965, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành đã gắn bó với cái nghề đi lượm bọc mủ, ve chai, phế liệu… suốt mấy chục năm nay.

Chị Nha và con trai út Tuấn Phong.

Bà không nhớ cụ thể mình bắt đầu công việc này từ bao giờ, chỉ nhớ là từ hồi bà còn rất nhỏ. Lớn lên, lập gia đình, bà Thiệt vẫn miệt mài với cái nghề lượm bọc, mặc kệ người khác nhìn mình, nói về mình như thế nào. Bà bảo: do hồi nhỏ không được đi học, một chữ cắn làm đôi cũng không biết, nên giờ bà còn biết làm gì ngoài việc đi lượm bọc để kiếm tiền lo cho gia đình.

Nghề lượm ve chai, phế liệu rất vất vả. Mỗi ngày, bà Thiệt phải rong ruổi đến các điểm gần chợ, nơi tập kết rác dân sinh ở khu vực chợ Long Hoa và thành phố Tây Ninh. Bà chẳng ngần ngại bới từng giỏ rác để kiếm từng cái bọc mủ mang về phơi khô trước khi đem bán. Cái mùi rác thải, hôi thối nồng nặc đối với bà giờ rất đỗi bình thường. Nhà của bà thì thôi khỏi nói, trông bên ngoài cứ như một bãi tập kết rác, mùi hôi bốc lên khó chịu thế nhưng có lẽ vì đã quá quen cảnh ấy rồi nên những người hàng xóm cũng không gây khó dễ gì cho công việc của bà.

Năm tháng trôi qua, cũng nhờ cái nghề lượm bọc ấy, bà Thiệt đã sát cánh cùng chồng nuôi 5 đứa con gái nên người. Chỉ đáng tiếc- cũng vì nghèo khó nên vợ chồng bà không thể lo cho đứa con nào được đến trường. Từ bé, các con của bà ngày ngày cùng mẹ cặm cụi đi lượm bọc kiếm sống; học vấn, tương lai là cái gì đó xa vời, chỉ cần quan tâm hôm nay có tiền cho mẹ mua gạo, mua thức ăn hay không mà thôi.

Rồi những người con ấy cũng đến tuổi lập gia đình, 3 cô gái lần lượt theo chồng mà hoàn cảnh riêng người nào cũng khổ. Nếu không có việc gì làm thuê, làm mướn, các chị lại đi lượm bọc để xoay xở qua ngày như mẹ mình. Chồng bà Thiệt đã qua đời nhiều năm nay. Hiện tại, ở chung với bà chỉ còn lại người con lớn là chị Lê Thị Nha sinh năm 1983 và người con út tên Lê Thị Nhung sinh năm 1994. Cả nhà ba người đều đi lượm bọc để sinh sống. 

Trong số các con của bà Thiệt, chị Nha là người kém may mắn hơn cả. 34 tuổi, chị đã là mẹ của 3 đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa kế 12 tuổi và đứa nhỏ nhất lên 8. Hai đứa đầu bị mắc bệnh về thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Chúng hay đau yếu, bệnh tật, thi thoảng lại lên cơn động kinh. Là mẹ của ba đứa con song chị Nha không có được một tấm chồng đúng nghĩa. Hai đứa con đầu là con chung của chị với một người chồng không đăng ký kết hôn.

Sau khi sinh con, chị một mình nuôi con còn chồng chị lâu lâu mới về. Rồi hai người chia tay lúc nào không hay biết. Một thời gian khá lâu không liên lạc được với chồng, chị Nha tiến thêm bước nữa với một người đàn ông khác- chính là cha của bé Phong, đứa con út. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng không có giấy tờ chứng nhận nào cả. Hiện tại, người chồng sau của chị cũng đi đi về về giữa hai gia đình.

Trong số các con của chị Nha chỉ có em Khanh- con đầu là được nhập hộ khẩu. Tuy giới tính là con trai nhưng Khanh lại phải mang tên Lê… Thị Khanh, do trục trặc trong quá trình làm giấy khai sinh. Ðến giờ, chị Nha cũng không biết làm cách nào để sửa tên lại cho con. Năm 2013, em Khanh được giám định và cấp giấy chứng nhận khuyết tật về thần kinh, sau đó được nhận trợ cấp hằng tháng.

Em Trí- em kế Khanh và bé Phong thì vẫn chưa được nhập hộ khẩu gia đình. Em Trí cũng mắc bệnh tương tự như anh trai mình nhưng vì chưa có tên trong hộ khẩu nên vẫn chưa có hồ sơ chứng nhận bệnh tật. Kinh tế khó khăn, con cái đau yếu liên miên, cuộc sống của gia đình chị Nha ngày càng thêm khốn khổ trong khi thu nhập từ công việc thu lượm bọc mủ, ve chai vừa ít, vừa không ổn định. Mùa khô còn phơi bọc mủ được chứ mùa mưa thì đành bó tay.

Chị tâm sự: “Tôi cũng muốn làm việc khác có thu nhập cao hơn để lo cho các con nhưng vì dốt chữ nên không biết làm gì. Phần vì tôi còn phải chăm sóc hai đứa con bị bệnh nên không thể làm việc theo giờ cố định hay đi xa nhà được”. Thông thường, khi chị Nha đi lượm bọc, mẹ chị sẽ ở nhà trông 2 cháu Khanh và Trí. Có lần, do bận việc, mẹ chị sơ ý để Khanh đi lạc mất, may là nhờ người quen trợ giúp cuối cùng cũng tìm lại được khi cậu bé bị động kinh ngất xỉu ngoài đường.

Hiện tại, bao nhiêu hy vọng chị Nha đều đặt vào đứa con trai út của mình. Thế nhưng vì nghèo khó, chị không thể cho con có được một cuộc sống đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, bé Phong đã biết phụ mẹ lựa bọc mủ, có lần em còn lén tự mình đi lượm bọc phụ mẹ. Con đường đến trường của Phong cũng rất chông chênh. Ban đầu, vì không có điều kiện nên chị Nha không cho con đi học. Nhưng được sự động viên của nhà trường, cũng như người thân, hàng xóm láng giềng, chị mới ráng cho con đến trường. Ðến nay, bé Phong đã lên lớp hai và tỏ ra rất thích đi học. Mỗi lần đến kỳ đóng học phí cho con, chị phải chật vật vay mượn khắp nơi, sau đó ráng lo làm trả lại dần. Chị cho biết, sẽ cố gắng cho con học hành đến khi nào... không cố được nữa.

Em út của chị Nha là chị Nhung nay đã 23 tuổi cũng chỉ quanh quẩn phụ mẹ và chị lượm bọc kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của cô gái trẻ cũng đi vào bế tắc vì dốt chữ và cũng vì không có ai giúp đỡ. Mong muốn hiện tại của Nhung là được học nghề làm tóc để mai này có thu nhập ổn định. Chị Nha cũng hy vọng mình được vay vốn để đầu tư buôn bán nhỏ chứ không muốn theo cái nghề lượm bọc mủ, ve chai… nữa. Bà Thiệt thì với cái tuổi ngoài 50, thân thể cứ đau nhức hoài nên giờ không thể đi xa lượm bọc như trước được nữa.

Nói về hoàn cảnh gia đình bà Thiệt, ông Lý Văn Thân - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Tây cho biết, bước đầu UBND xã sẽ phối hợp với Ban quản lý ấp Trường Phước vận động gia đình bà chuyển đổi công việc, đồng thời sẽ đưa hộ này vào danh sách hộ khó khăn cần được quan tâm giúp đỡ. Nếu chị Nha, chị Nhung cần vốn để làm kinh tế và học nghề, các ban, ngành, đoàn thể xã sẽ hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. UBND xã cũng sẽ cử người hướng dẫn chị Nha làm hồ sơ nhập hộ khẩu cho bé Trí và bé Phong, làm hồ sơ chứng nhận bệnh để em Trí được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Riêng Xã đoàn Trường Tây đang vận động mạnh thường quân ủng hộ để xây lại nhà cho gia đình bà Thiệt.

Hy vọng với sự giúp đỡ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, của cộng đồng, gia đình bà Thiệt sẽ cải thiện được cuộc sống khốn khổ của mình, và quan trọng hơn là những người phụ nữ nghèo khó ấy sẽ có cơ hội thoát khỏi cái nghề bất đắc dĩ mà họ từng đeo bám suốt bao năm qua.

Lê Thuỳ