BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỗi khi đến hè… 

Cập nhật ngày: 10/06/2018 - 20:22

Hè về, bên cạnh niềm vui của những đứa trẻ được nghỉ ngơi, chơi đùa thỏa thích lại là nỗi niềm “mỗi khi đến hè lòng man mác buồn” của các bậc cha mẹ, khi câu hỏi - gửi con ở đâu - chưa có lời đáp.

Hình ảnh dễ thấy trong những ngày này là những cô, cậu bé theo cha mẹ đến nơi làm việc. Bé dễ bảo, chịu ngồi chơi một mình còn đỡ; có bé hiếu động, luôn tay luôn chân thì “họa” mang lại không ít.

Cơ quan làm việc có nội quy riêng, không phải ai cũng chịu nổi cảnh trẻ con đứng ngồi, đùa giỡn hay nói chuyện lao xao… Rồi lời ra tiếng vào, bằng lòng rồi mích lòng đủ cả.

Thông cảm với điều kiện gia đình thì có nhưng không thể đồng tình với việc đưa con trẻ vào cơ quan trong những ngày hè. Tình - lý đụng nhau là vậy!

Cứ ở vị trí những ông bố bà mẹ ở những ngày hè này mới thấy hết “sự man mác buồn” của họ. Không đưa con đến cơ quan thì phải có chỗ để đưa con tới.

Ở nhà mãi cũng chán, nên quán cà phê, nhà sách, đường sách, rạp chiếu phim là điểm đến nhiều nhất. Đi kèm với việc trông con ở bên ngoài, đồng nghĩa với việc cha mẹ bớt xén thời gian làm việc.

Hè có những 3 tháng, chẳng lẽ trong 3 tháng đó lại lặn mất tăm ở công sở chỉ để trông con? Phi lý hết sức nhưng cũng hết cách. Trường tiểu học không nhận dạy hè, cha mẹ tìm đủ cách để gửi con.

Gửi về quê cho nội, ngoại trông; nếu có điều kiện, thuê người giúp việc ở nhà chỉ để  trông trẻ; cho con đi học các lớp học mở thêm ở bên ngoài; gửi con đi các trại hè trong TPHCM và ngoại tỉnh…

Nhiều phương án được đưa ra và cũng nhiều trở ngại ập tới, từ chuyện nội, ngoại lớn tuổi không trông nổi cho đến câu chuyện an toàn cho trẻ khi vui chơi thả diều, đá bóng, bắt cá… ở quê mà bậc cha mẹ nào cũng nặng trĩu lo âu.

Cho trẻ ở lại thành phố, gửi đi học thêm ngày hai buổi thì chọn thầy nào, môn gì và một ngày bao nhiêu lượt đưa rước cũng đủ đau đầu. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là chuyện “tiền đâu” khi vô số những lớp học hè, học kỹ năng, trại rèn luyện mọc lên như nấm với đủ mức giá học phí trên trời, khiến các bậc phụ huynh phải than trời.

Với gia đình có điều kiện, mức học phí, trại phí đó không là vấn đề; nhưng còn với rất nhiều những công chức, viên chức… ở thành phố này, với mức phí cao như vậy, mấy gia đình kham nổi? Lớp học ngoại ngữ ở các trung tâm Anh ngữ quốc tế, học phí cho 2 tháng từ 10-19 triệu đồng; trường quốc tế nhận lớp bán trú hè lên đến 30 triệu đồng/tháng.

Còn trại hè? Đã qua rồi những trại hè giá rẻ dành cho học sinh vui chơi, học thêm vui vẻ thuở xa xưa. Trại hè bây giờ gắn mác học “kỹ năng” với học phí 1 tháng đến 2 tháng lên tới vài chục triệu đồng.

Học xong các khóa hè này, theo lời của nơi mở lớp, là giúp trẻ tự lập, có kỹ năng mềm trong cuộc sống, nhưng những kỹ năng đó sẽ theo trẻ được bao lâu, nhất là ở độ tuổi ăn tuổi lớn, thay đổi tâm sinh lý, thay đổi môi trường sống có thể xảy ra trong thời gian ngắn?

Nói về câu chuyện cho trẻ chơi gì vào ngày hè, lại ngậm ngùi nghĩ về các thiết chế văn hóa vốn được lập lên cho trẻ và phục vụ trẻ vào ngày hè, đang bị lãng quên.

Thời chưa có các trung tâm Anh ngữ quốc tế, chưa có các trại hè rèn kỹ năng, những nhà sách đủ chuẩn… trẻ em thành phố chỉ có những địa điểm vui chơi thường trực là các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa.

Mấy chục năm về trước, nhà văn hóa - trung tâm văn hóa có những lớp võ, lớp hát, lớp vẽ… thì mấy chục năm sau, cũng vẫn có những lớp vẽ, lớp hát, lớp võ…

Chỉ có điều cơ sở vật chất của nhà văn hóa - trung tâm văn hóa đã xuống cấp; còn nhu cầu hưởng thụ, học tập của phụ huynh và học sinh lại được nâng cấp. Hay câu chuyện hệ thống thư viện cơ sở.

Trẻ em không thể tới chỉ để xem những ấn phẩm xuất bản từ những năm 1980, trong khi câu chuyện thư viện điện tử ở cơ sở vẫn là dấu chấm hỏi với những người làm công tác văn hóa ở thành phố này. 

Bởi vậy, nhiều phụ huynh phải chọn “hạ sách” đem con tới cơ quan nếu không đủ tiền cho con theo học các lớp học hè, học kỹ năng, thay cho việc mất tiền mua lấy sự cũ kỹ, lạc hậu và thiếu an toàn.

Nguồn SGGP