BAOTAYNINH.VN trên Google News

Món ăn bài thuốc từ quả mướp

Cập nhật ngày: 06/09/2019 - 23:45

Mướp tươi nấu móng giò lợn là món ăn giúp bà mẹ có nhiều sữa cho con bú; lá giã vắt lấy nước uống có thể chữa ho, long đờm.

Cây mướp còn gọi là mướp ta, mướp khía, mướp hương, Mak buốn hom (cách gọi của người dân tộc Thái), Ve hom (người Tày). Đây là loài dây leo, thân có góc cạnh, màu lục nhạt, có tua cuốn dài, mập, thường chẻ ba. Lá to, chí thùy hình tam giác hoặc hình mác, mép có răng cưa, cuống dài, ráp. Hoa vàng mọc ở kẽ lá, hoa đực mọc thành chùm, hoa cái mọc riêng lẻ. Quả hình trụ, lúc đầu mềm, sau già khô thì vỏ quả và ruột hóa xơ. Hạt đen nhạt, dẹt, có cánh. Quả mướp ta vỏ xanh nhạt không có mùi thơm như quả mướp hương. Mướp ta còn có loại quả to, vỏ quả xanh sẫm.

Nhiều bộ phận của cây mướp được dùng làm thuốc. Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết quả mướp có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, thông kinh mạch, tăng tiết sữa, khỏi lở sưng đau nhức, bổ khí, an thai, chủ trị kinh nguyệt không đều. Xơ mướp tác dụng kháng viêm, thông mạch, lợi tiểu, cầm máu, trị đau khớp, đau cơ, đau ngực, viêm vú, tắc tia sữa, phù thũng.

Lá mướp vị đắng, chua, tính hơi lạnh, tác dụng kháng viêm, long đờm, chủ trị ho, ho gà, đau đầu, khát nước mùa hè. Hạt mướp tác dụng thông mạch, hóa đờm, thông phủ, chủ trị ho, đờm rãi nhiều, giun đũa, táo bón. Rễ mướp, tua cuốn của mướp tác dụng kháng viêm, chủ trị viêm mũi, viêm xoang.

Món ăn bài thuốc từ quả mướp

Mướp tươi nấu cùng móng giò lợn chữa chứng ít sữa sau sinh của bà mẹ.

Quả mướp khô cả hạt đốt, tán bột, uống 8 g một lần với rượu chữa bệnh lý kinh nguyệt không đều, tắc tia sữa.

Lá giã vắt lấy nước cốt chữa ho, đờm rãi nhiều.

Rễ mướp sắc ngâm uống chữa đau lưng, viêm mũi, viêm xoang, ngứa chảy nước. 

Theo lương y Sáng, mướp có nhiều công dụng nhưng cần lưu ý trong điều trị và hỗ trợ điều trị một số bệnh nên đúng liều lượng, không được nhiều quá hoặc ít quá. Người hay đau bụng, tỳ vị kém, yếu sinh lý, liệt dương, đại tiện phân nát, lỏng thì không nên ăn mướp. Tùy cơ địa, tác dụng chữa bệnh của trái mướp cũng khác nhau.

Nguồn VNE