BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mong một năm mới khởi sắc hơn 

Cập nhật ngày: 26/01/2022 - 00:07

BTN - Vui khi sản phẩm được công nhận về chất lượng, nhưng anh Toàn còn nhiều băn khoăn vì chưa có thị trường ổn định, gần hai năm nay lại gặp khó khăn do dịch bệnh nên tiêu thụ rất chậm. Anh hy vọng vào dịp tết này, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản phẩm chao của cơ sở sẽ tiêu thụ được nhiều hơn hai năm qua.

Anh Toàn và sản phẩm chao Phúc Gia Bảo đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Tết, những người làm nghề gia công may mặc, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ tất bật “vào vụ” sau một năm nhiều lo buồn do ảnh hưởng dịch bệnh. Mấy mươi năm làm nghề may, bà Trương Thị Nhơn (53 tuổi, ngụ ấp Lộc Hiệp, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) luôn trông chờ vào mùa tết.

Theo bà Nhơn, hơn 30 năm làm nghề, qua mỗi năm bà lại thấy người đạt may quần áo tết giảm dần. Nhưng với bà, đây là niềm đam mê, yêu thích, vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ lúc rảnh rỗi để may vá, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Bà Nhơn chia sẻ, có những lúc gặp khó khăn vì không có tiền mua trang thiết bị, vật tư may, bà được Hội Phụ nữ xã cho vay để duy trì nghề, nhờ đó công việc dần ổn định.

Tầm tháng 10 âm lịch là bà Nhơn đã có đơn hàng đặt may quần áo tết. “Nghề may tuy không kiếm nhiều tiền nhưng giúp tôi chăm lo được cho gia đình. Tôi luôn mong tết, vì thời điểm đó nhiều người đặt may quần áo mới”- bà Nhơn chia sẻ.

Những ngày này, xóm bánh tráng ở ấp Ninh Hưng I, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu trở nên tất bật. Những bếp lò đỏ lửa, người thợ vừa tráng vừa phơi, hàng vỉ bánh đẹp mắt hiện diện khắp xóm.

38 tuổi, có thâm niên làm nghề tráng bánh khoảng 5 năm, mỗi ngày, chị Trần Thị Thu Thuỷ (ngụ ấp Ninh Hưng I) dậy từ 1-2 giờ sáng để chuẩn bị bột, rồi tráng bánh cho đến buổi chiều. Bình quân một ngày chị tráng được khoảng 30kg bánh.

Theo chị Thuỷ, nhiều tháng qua, việc bị ngưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn; nay lò bánh hoạt động trở lại, chị mừng lắm, vì có tráng bánh thì mới có thu nhập.

Chị Lê Thị Thệ (46 tuổi), ngụ cùng ấp với chị Thuỷ là người làm nghề tráng bánh khá lâu ở xóm. Có lúc chị chuyển sang nghề cạo mủ cao su, nhưng chỉ một thời gian rồi lại quay về với công việc tráng bánh vì không quên được nghề.

Mấy tháng qua, ảnh hưởng dịch, chị Thệ không tráng bánh; những ngày này chị cho đắp lại lò mới, dự định qua tết sẽ tráng bánh lại. Với chị Thệ, nghề tráng bánh này là truyền thống, mỗi ngày thức khuya, dậy sớm để làm việc, với chị không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là niềm vui, sở thích.

Dù đã 63 tuổi, nhưng bà Trần Thị Hồng (ngụ khu phố 3, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) vẫn duy trì nghề làm giò chả của gia đình. Mỗi ngày, cơ sở của gia đình bà sản xuất khoảng 50kg chả các loại. Ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2021 làm cho công việc đình trệ, gia đình phải giảm số lượng sản xuất.

Những ngày tháng Chạp, đơn đặt hàng bắt đầu nhiều lên khiến bà Hồng vui lắm. Bà cho biết, sản phẩm chả của gia đình bà chủ yếu tiêu thụ cho các mối quen, dịp tết, lượng hàng đặt nhiều hơn. “Tôi luôn muốn làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng để phục vụ bà con. Những ngày giáp tết này có nhiều đơn hàng, được làm việc, tôi thấy rất vui”- bà Hồng chia sẻ.

Gần một năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh, lượng hàng tồn kho còn nhiều khiến anh Võ Đắc Toàn cảm thấy lo lắng. Anh Toàn là chủ cơ sở sản xuất chao Phú Gia Bảo tại xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu.

Mọi năm, cơ sở của anh có thể sản xuất đến tận 27 âm lịch, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng hàng tồn nhiều nên anh ngưng sản xuất sớm, nhân công cũng giảm đi vài người. Trong năm 2021, sản phẩm chao nhãn hiệu Phú Gia Bảo của cơ sở anh Toàn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Vui khi sản phẩm được công nhận về chất lượng, nhưng anh Toàn còn nhiều băn khoăn vì chưa có thị trường ổn định, gần hai năm nay lại gặp khó khăn do dịch bệnh nên tiêu thụ rất chậm. Anh hy vọng vào dịp tết này, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản phẩm chao của cơ sở sẽ tiêu thụ được nhiều hơn hai năm qua.

Chị Đỗ Kim Dung, ngụ ấp Ninh Hưng I, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu là chủ cơ sở sản xuất bánh tráng với hơn 4 lò hoạt động mỗi ngày. Bánh tráng sản xuất, thu gom sẽ được bỏ cho các đầu mối trong tỉnh, mỗi lần dao động từ 100-200kg bánh. Chị Dung hy vọng dịp lễ hội tết năm nay lượng bánh tráng được tiêu thụ tốt hơn, bù đắp phần nào chi phí cho cơ sở trong những tháng ngưng hoạt động do dịch bệnh bùng phát.

Tết đang gần kề, những người thợ sản xuất nhỏ lẻ vẫn miệt mài làm việc với mong muốn một năm mới có nhiều khởi sắc hơn.

Vi Xuân