BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mong ước đầu năm 

Cập nhật ngày: 23/02/2018 - 06:15

BTN - Không còn quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, những ngày đầu năm, bà con nông dân vẫn cần mẫn ra đồng, chăm chút thửa ruộng của mình, với niềm hy vọng một năm được mùa, được giá.

Những người trồng hoa xã An Cơ, huyện Châu Thành với niềm vui trúng mùa, trúng giá.

Niềm vui những ngày đầu năm

Tết năm nay, nhà ông Hồ Văn Ngầm (60 tuổi), ở ấp Phước Bình, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu rôm rả hơn nhờ ông bán mãng cầu được giá. Vụ trước, 1,2 ha ông chỉ thu được 175 triệu đồng, nhưng nay nhờ đúng dịp tết, trái đẹp, lại bán cho thương lái lớn nên được 210 triệu đồng.

“Mình bán được giá mà lái bán đi giá cũng khá- 70 ngàn đồng/kg, nghe vậy, tôi cũng mừng. Mùng 2, tôi cúng vườn. Đầu năm có dịp mời anh em làm vườn, thương lái đến vừa chung vui vừa chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Mong là năm nay cũng được như vậy”- ông Ngầm cười nói.

Sáng mùng 7 tết, ba anh em Tuấn, Chiến, Thắng- con của anh Phạm Thanh Hải (53 tuổi) tranh thủ lúc trời còn mát để phun thuốc cho hơn 1,5 mẫu môn của gia đình ở ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Chỉ khoảng một tháng nữa, gia đình anh Hải sẽ thu hoạch, giá đầu vụ có thể từ 14-15 ngàn đồng/kg.

Phía trên nhà, anh Hải đang gióng đàn bò ra khoảng ruộng vừa mới phóng lúa xong hôm qua. Anh Hải cho biết, đám lúa 8 công thu được 5,5 tấn, giá 5.400 đồng/kg. Anh dự tính sẽ dọn đất trồng dưa gang, để đến khoảng tháng 3, 4 là mùa hè, thời tiết oi bức, nóng nực, dưa bán tại ruộng cũng được giá khoảng 4-5.000 đồng/kg.

“Năm nào vụ Đông Xuân tôi cũng tranh thủ sạ lúa sớm, sau đó thu hoạch rồi trồng dưa gang. Tính ra, một vụ dưa tôi cũng kiếm được gần 100 triệu đồng”- anh Hải cho biết.

Còn chị Võ Thị Kim Hà ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, trong những ngày tết, dù phải vất vả hái đậu bắp bán bỏ chợ nhưng chị mừng vì đầu năm đã được mùa, được giá. “Từ 23 đến 30 tết, giá đậu bắp khoảng 12 ngàn đồng/kg. Qua tết giá có tuột xuống một chút, hiện tại là 7 ngàn đồng/kg, nhưng đầu năm mà được vậy là mừng lắm rồi, mong là cả năm suôn sẻ”- chị Hà chia sẻ.

Anh Nguyễn Minh Tâm (Long Mỹ, Long Thành Bắc, Hoà Thành) bán dưa leo với giá 1.300 đồng/kg tại ruộng.

Mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành mía, mì

Tây Ninh vốn được mệnh danh là “thủ phủ” của cây mì, cây mía. Tuy nhiên, cả hai ngành sản xuất mì và mía đường hiện đang đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Hợp- thành viên Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hưng Thịnh (Nông trường mía Ninh Điền) cho biết, tháng 11.2017, công ty đã đưa nhà máy đường đi vào hoạt động với mong muốn đưa ngành mía đường Tây Ninh đi lên. Mùng 8 tết (23.2), nhà máy bắt đầu khởi động.

Theo ông Hợp, hiện nay, ngành mía đường đang gặp khó khăn, vì từ 1.1.2018, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc ngành mía đường của Việt Nam sẽ không còn được bảo hộ.

Trong khi đó, các nước trong khu vực, cụ thể là Thái Lan có rất nhiều chính sách ưu đãi cho ngành mía đường. Do đó, chưa nói đến việc xuất khẩu ra các nước, nếu làm không tốt, ngành đường sẽ rất khó cạnh tranh ngay trên sân nhà của mình khi đường các nước được đưa vào Việt Nam bán với giá thấp hơn nhiều.

Chị Lâm Thị Có- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu chia sẻ, hiện nay, cây mía trên địa bàn Phước Ninh hầu như không còn chỗ đứng, người nông dân không còn thiết tha. Diện tích cây mía chỉ còn hơn 130 ha. Bỏ mía, người dân xoay ra trồng mì và lại phải chịu dịch bệnh khảm lá.

“Muốn vực dậy cây mía ở Phước Ninh, nhà máy đường cần phải điều chỉnh giá thu mua. Với giá hiện tại, những người trồng mía với năng suất 100 tấn/ha cũng chỉ huề vốn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã vận động một số người dân chuyển sang trồng cây bắp nếp thái, dự định năm tới sẽ trồng bắp làm thức ăn cho gia súc.

Cả hai loại bắp này đều được bao tiêu sản phẩm với giá 5.000-5.500 đồng/kg. Đây là hướng đi mới mà chúng tôi đang thuyết phục nông dân cùng tham gia”- bà Có cho biết.

N.D