BAOTAYNINH.VN trên Google News

Y tế học đường:

Một cụm trường chỉ cần một nhân viên y tế 

Cập nhật ngày: 03/11/2018 - 06:55

BTN - Nếu trường nào cũng có nhân viên y tế thì thật sự không cần thiết, vì khối lượng công việc không nhiều. Như vậy, bố trí một nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại nhiều trường vẫn khả thi.

Giáo viên hướng dẫn học sinh một trường tiểu học ở huyện Dương Minh Châu rửa tay phòng bệnh. Ảnh: Bạch Thảo

Ngày 21.9.2018, UBND tỉnh có Quyết định 2362/QÐ-UBND  ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế trường học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Ðiều này bảo đảm cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh được phát triển, hoàn thiện toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ và hành vi lối sống, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, kiểm soát và hạn chế các nguy cơ phát sinh và gia tăng các bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật học đường phổ biến hiện nay, nâng cao sức khoẻ để học sinh học tập, rèn luyện tốt.

TẤT CẢ TRƯỜNG HỌC PHẢI CÓ PHÒNG Y TẾ RIÊNG

Theo quyết định của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố nhân lực, cơ sở vật chất, cải thiện môi trường, điều kiện học tập cho công tác y tế học đường. Mặt khác, chú trọng truyền thông giáo dục sức khoẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia chủ động của toàn xã hội, các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ học sinh; truyền thông về trách nhiệm, quyền lợi đối với việc tham gia bảo hiểm y tế.

UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, tầm soát phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp cho học sinh. Ðồng thời, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngay tại trường học và tại nhà.

Thực hiện việc giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục để xử lý kịp thời, triệt để; kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2020, phấn đấu 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khoẻ học sinh. Về nhân lực, phấn đấu 100% trường học có cán bộ y tế trình độ phù hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDÐT, ngày 12.5.2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo, quy định về công tác y tế trường học.

Phấn đấu 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh với trên 98,5% học sinh được khám, trong đó, 100% học sinh tiểu học được tầm soát các bệnh lý học đường. 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị.

Quyết định của UBND tỉnh còn đề ra mục tiêu 100% trường học được kiểm tra vệ sinh học đường thường xuyên, đồng thời 100% các huyện, thành phố triển khai mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật trong trường học. Qua đó, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán và các yếu tố nguy cơ của sức khoẻ trong trường học, đồng thời không để xảy ra các dịch bệnh có quy mô lớn và ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Văn bản của UBND tỉnh yêu cầu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo y tế học đường các cấp, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan trong việc thực hiện công tác y tế trường học. Song song đó, tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế học đường; bảo đảm kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của học sinh theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Cơ sở giáo dục và các cấp, ngành liên quan tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ cho học sinh, nhất là tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Tiếp tục củng cố xây dựng trường học an toàn và nhân rộng mô hình điểm về phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường.

Cơ sở giáo dục chú trọng đúng mức hoạt động phòng chống tai nạn thương tích học đường, đặc biệt là phòng chống tai nạn đuối nước. Nhà trường chú ý lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khoẻ học đường với các hoạt động khác như tiêm chủng phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng các trường học theo chuẩn phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học, bảo đảm vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ đưa công tác y tế học đường vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục; phấn đấu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở GD-ÐT chỉ đạo việc củng cố và tăng cường hoạt động của ban chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trường học. Sở GD-ÐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trường học bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học đáp ứng chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Tổ chức điều tra yếu tố vệ sinh học đường (vệ sinh môi trường, nguồn nước, bếp ăn) tại các trường học, cơ sở giáo dục, đồng thời đánh giá thực trạng sức khoẻ học sinh từ 6 đến 11 tuổi trên địa bàn tỉnh từ kết quả chương trình tầm soát bệnh học đường cho học sinh tiểu học năm học 2018-2019. Sở GD - ÐT có nhiệm vụ phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện, thành phố bố trí nhân lực phụ trách công tác y tế học đường theo quy định, bảo đảm chế độ và tạo điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ y tế trường học thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Ðáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại nguồn nhân lực nhân viên y tế trường học, liên kết với trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong chăm sóc sức khoẻ học sinh trong trường hợp cơ sở giáo dục không có cán bộ y tế chuyên trách. Các trường bố trí diện tích cho phòng y tế nhà trường với trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu theo quy định…

Giáo viên hướng dẫn học sinh rửa tay để phòng, tránh bệnh truyền nhiễm.

BỐ TRÍ HỢP LÝ ÐỂ TRÁNH LÃNG PHÍ

Trong trường học có cần phải bố trí nhân viên y tế không? Trả lời câu hỏi này, một số cán bộ quản lý ở nhà trường và phòng Giáo dục đều cho là cần thiết. “Tôi cho rằng việc bố trí nhân viên y tế trong nhà trường là rất cần, đặc biệt là ở bậc học mầm non và cấp tiểu học”- một cán bộ quản lý cho biết. Theo vị này, học sinh mầm non, tiểu học có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nên cần có nhân viên y tế để theo dõi sức khoẻ cho các cháu, đồng thời còn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, khám sức khoẻ định kỳ đối với học sinh. Một ý kiến khác bày tỏ, việc bố trí nhân viên y tế là cần thiết nhưng hơi… lãng phí.

Một cán bộ cho biết: “Thật ra, công việc của nhân viên y tế trong trường học không nhiều. Do đó, nếu tiếp tục bố trí nhân viên y tế trong trường học thì phải tính toán để tránh lãng phí”. Vẫn theo vị cán bộ này, có nhiều trường, nhất là cấp tiểu học, quy mô rất nhỏ, chỉ có 3-4 lớp, trên địa bàn một xã lại thường có 3-4 trường tiểu học. Nếu trường nào cũng có nhân viên y tế thì thật sự không cần thiết, vì khối lượng công việc không nhiều. Như vậy, bố trí một nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại nhiều trường vẫn khả thi.

Ðối với chỉ tiêu 100% trường học có phòng y tế, vị cán bộ quản lý bình luận, trong vài năm tới, điều này khó trở thành hiện thực, vì theo quy định, chỉ trường đạt chuẩn quốc gia mới có phòng y tế riêng. Trong khi đó, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở Tây Ninh dù có tăng, nhưng hiện nay vẫn còn hàng trăm trường chưa đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí do Bộ GD-ÐT ban hành. Vị cán bộ cũng đề cập đến một thực trạng khác, dù không mới, đó là nhiều nhân viên y tế sau khi được tuyển dụng vào nhà trường, nhưng chỉ một thời gian đã bỏ nghề.

“Tôi biết có nhiều em được tuyển dụng chính thức nhưng không mặn mà gì với công việc, vì cũng không có nhiều việc để làm, trong khi nhân viên y tế làm việc độc lập, không kiêm nhiệm thêm bất kỳ nhiệm vụ gì. Có em vừa làm vừa chờ cơ hội đi học lên cao để sau đó tìm việc làm ở các cơ sở y tế có thu nhập cao hơn, tay nghề không bị mai một”- vị cán bộ thông tin.

Do đó, vị cán bộ đề xuất: chỉ nên thực hiện hợp đồng với nhân viên y tế, không nhất thiết phải tuyển dụng chính thức để tiết kiệm biên chế; một nhân viên y tế có thể luân phiên làm việc giữa các trường trên cùng một địa bàn xã. Tuy nhiên, một tình huống nảy sinh, nếu một nhân viên y tế bố trí cho một cụm trường thì đơn vị nào trả lương, đóng bảo hiểm cho họ?

Chuyện bố trí nhân viên y tế học đường trải qua nhiều thời kỳ; và không phải lúc nào việc bố trí nhân viên y tế trong trường học cũng được coi là cần thiết. Sau một thời gian phát triển y tế học đường, năm 2015, Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng tuyển một số vị trí việc làm trong trường học, trong đó có nhân viên y tế. Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương Ðảng yêu cầu “rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông”.

Tuy nhiên, trước đó, năm 2016, liên bộ Y tế - Giáo dục và Ðào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 13 quy định về y tế trường học lại quy định bảo đảm phòng y tế và nhân viên y tế trong trường học. Theo Thông tư 13: “Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khoẻ học sinh”.

Như vậy, mặc dù có quy định về bố trí nhân viên y tế trong nhà trường, nhưng Thông tư 13 cũng để ngỏ một phương án, nếu không bố trí nhân viên y tế thì nhà trường có thể ký hợp đồng với trạm y tế xã.

VIỆT ÐÔNG

Từ khóa
#VIỆT ÐÔNG


Liên kết hữu ích