Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

70 năm truyền thống Báo Tây Ninh:

Một nét văn hoá trong sự nghiệp 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển

Cập nhật ngày: 05/10/2016 - 05:00

Toà soạn Báo Tây Ninh toạ lạc tại giao lộ 30.4- CMT8, trung tâm thành phố Tây Ninh. Ảnh: Hoa Lư

Tháng 9 năm nay, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh nô nức đón mừng kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển tỉnh nhà. Bước sang tháng 10, Báo Tây Ninh- tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, long trọng kỷ niệm 70 năm truyền thống. Hai sự kiện diễn ra cách nhau khoảng 1 tháng, nhưng ý nghĩa không hề tách rời, vì 70 năm này nằm trong 180 năm ấy. Sự hiện diện của tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà suốt bảy thập niên qua thực sự là một thành tựu văn hoá tinh thần nằm trong thành tựu phát triển kinh kế - xã hội chung của tỉnh.

Nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại cho ta biết, khi thực dân Pháp tiến chiếm Tây Ninh năm 1866, dân số trong tỉnh mới có 11.000 người, và khi quân dân ta khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám 1945, dân số tỉnh Tây Ninh đã lên đến 200.000 người. Suốt 80 năm ấy, toàn tỉnh Tây Ninh chỉ có 3 trường tiểu học, 1 trường ở Thị xã và 2 trường ở Trảng Bàng, Gò Dầu. Rõ ràng với chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, bóc lột thuộc địa, chính quyền thuộc Pháp không hề chăm lo đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Có rất ít người được đi học, dù chỉ ở bậc học vỡ lòng, phần lớn dân cư không biết chữ, đọc báo cũng không được nói chi đến viết báo, làm báo.

Vậy mà chỉ sau một năm từ khi quân dân Tây Ninh đứng lên kháng chiến, quyết không để thực dân Pháp cai trị nước ta lần thứ hai, Đảng bộ tỉnh đã cho ra đời tờ báo Dân Quyền để làm phương tiện truyền thông, vận động toàn dân chống giặc, cứu nước. Sự kiện báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay, ra đời thể hiện nhận thức đúng đắn của lãnh đạo tỉnh về chức năng, vai trò của báo chí cách mạng trong việc cổ động, hướng dẫn, tổ chức quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Thật ra, việc ra mắt tờ báo, việc đặt tên tờ báo cũng có “cơ duyên” của nó.

Trong cuộc hội thảo về lịch sử tổ chức tại toà soạn Báo Tây Ninh năm 2000, với sự có mặt của nhiều “nhân chứng lịch sử” từng làm báo, lãnh đạo báo chí lúc tờ báo mới ra đời, ông Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải) nguyên Bí thư Tỉnh uỷ trước năm 1975, cho biết: người sáng lập tờ báo của Đảng bộ tỉnh, chính là ông Mười Thanh- Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ban Cán sự Đảng tỉnh (sau là Tỉnh uỷ lâm thời), người lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 tại Tây Ninh. Ông Mười Thanh xuất thân là nhà báo ở Sài Gòn và tờ báo ông làm mang tên là Dân Quyền. Vì thế tờ báo do ông Mười Thanh lập ra đã được ông đặt tên như một sự tiếp nối sự nghiệp của người làm cách mạng. Nguồn cơn là như thế.

Báo Dân Quyền được Tỉnh uỷ giao cho Ban Tuyên truyền tỉnh thực hiện. Người lãnh đạo báo đầu tiên là Trưởng Ban Tuyên truyền Lê Đình Nhơn. Sau khi tờ báo ra mắt không bao lâu, ông Lê Đình Nhơn được Xứ uỷ Nam bộ điều động sang làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thủ Biên (hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hoà sáp nhập lại). Ở đấy ông đã sáng lập tờ báo Thủ Biên. Rồi khi Thủ Biên tách ra, trở lại hai tỉnh cũ, tờ báo cũng tách ra. Do vậy, hai tờ Báo Bình Dương và Báo Đồng Nai ngày nay có chung nguồn cội. Và suy cho cùng nguồn cội ấy xuất phát từ Tây Ninh, do nhà cách mạng Lê Đình Nhơn đưa sang.

Cũng trong năm đầu xuất bản báo Dân Quyền, luật sư Dương Minh Châu từ thủ đô Phnom Penh, Campuchia về Tây Ninh tham gia kháng chiến chống Pháp, trước khi người “trí thức anh hùng” này được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh, ông đã tham gia lãnh đạo tờ báo và trực tiếp viết những bài báo đầy hào khí, tinh thần yêu nước. Báo Dân Quyền các số đầu tiên được đưa về Thị xã cho ông Phan Văn ở Sở Tràng Tiền bí mật phát hành trong giới trí thức, công chức các cơ quan chính quyền Pháp. Sau đó, ông Phan Văn thoát ly ra chiến khu, về công tác tại Ban Tuyên truyền, cũng tham gia làm báo Dân Quyền. Ông Phan Văn rất đa tài, vừa viết, vừa vẽ tranh và khắc bản gỗ để in báo.

Tờ báo Dân Quyền ra mắt với “tia-ra” ban đầu chỉ có 100 bản, in bằng “khuôn đất sét”. Về việc ấn loát độc đáo này, ông Nguyễn Văn Thệ (Năm Thệ), cán bộ Ban Tuyên truyền, người “tự tay” in báo Dân Quyền đã kể lại chuyện “phát minh và ứng dụng công nghệ in đất sét” ở Tây Ninh trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập nhà in Hoàng Lê Kha (1946-1996) như sau: “Sau ba lần thử in xu xoa (in thạch) không thành, đồng chí Huỳnh Văn Thanh nhớ lại và nói: “Hồi ở xứ uỷ tôi có nghe các đồng chí nói in bằng đất sét cũng được”. Nghe nói thế, tôi (Năm Thệ) âm thầm lội xuống suối Cây Chò (thuộc địa bàn xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, nơi trú đóng đầu tiên của Ban Tuyên truyền tỉnh trong kháng chiến chống Pháp -NV) tìm đất sét tốt. Tìm được đất sét đem về tôi nhồi nắn và viết đôi dòng đem in thử. Mấy lần thử đều thành công, tôi liền báo cáo với lãnh đạo, ai ai cũng vui mừng, sung sướng. Đồng chí Lê Đình Nhơn viết ngay một truyền đơn, tôi viết lại bản cảo và in ngay. Tuy mỗi lần in chỉ được không quá 35 bản, nhưng mọi người đứng xem vẫn reo lên: “Có được lối thoát rồi”…

Từ điểm xuất phát đó, tờ báo của Đảng bộ tỉnh ấn hành trong chiến khu rồi “ra thành” khi kháng chiến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã trải qua các công nghệ làm báo từ thô sơ đến hiện đại, từ bản in trên “khuôn đất sét” đến bản in offset và ấn bản trên mạng thông tin toàn cầu internet. Trải qua những chặng đường lịch sử ấy, Báo vẫn giữ vững tôn chỉ mục đích ban đầu của cơ quan báo chí cách mạng là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Đảng, Nhà nước. Và cũng chính từ lòng trung thành, sự kiên định tôn chỉ mục đích này, Báo ngày càng được Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh tin yêu và thẳng thắn, chân thành đóng góp xây dựng.

Suốt 70 năm qua, từ một địa phương vùng tạm chiếm, bị vùi dập trong “chính sách ngu dân” của ngoại bang xâm lược, Tây Ninh đã xây dựng được sự nghiệp báo chí cách mạng với đủ các loại hình truyền thông hiện đại, thực sự là một nét văn hoá góp phần vào sự nghiệp 180 năm hình thành và phát triển tỉnh nhà.

NGUYỄN TẤN HÙNG