BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một nhân chứng của hai sự kiện lịch sử đã về cõi vĩnh hằng 

Cập nhật ngày: 12/04/2018 - 10:31

BTN - Hai sự kiện lịch sử diễn ra ở trung tâm tỉnh lỵ và ở xã địa đầu phía Nam của tỉnh, cách nhau hơn 50km về không gian và chưa đầy nửa năm về thời gian, người có mặt ở cả hai nơi duy nhất chỉ có chú Hai Vinh.

Cụ Lâm Quang Vinh thắp hương tưởng niệm chiến sĩ rừng Rong trong cuộc họp mặt truyền thống năm 2018 tại Khu di tích lịch sử Hội thề Rừng Rong. Ảnh Đại Dương.

Qua đời ở tuổi 92, cụ Lâm Quang Vinh- người mà thế hệ cán bộ Tây Ninh hôm nay thường gọi thân thương là chú Hai Vinh, thực sự đã được “hưởng kỳ hy”- có tuổi đời “kỳ lạ và hiếm có”.

Thế nhưng, khi nghe tin chú Hai Vinh vĩnh biệt cõi đời ai cũng không khỏi cảm thấy bất ngờ! Bởi lẽ cách nay chưa đầy 2 tháng, mới hôm 22.2.2018 vừa qua, tức mùng 7 Tết Mậu Tuất, chú Hai Vinh còn sang sảng kể cho cánh nhà báo nghe chuyện Hội thề Rừng Rong hào khí ngút trời của mùa xuân Bính Tuất 72 năm về trước.

Tham dự hội thề lịch sử “Ðộc lập hay là chết”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm 1946 có tất cả 27 nghĩa sĩ Rừng Rong; đến năm 2018 chỉ có ba người còn sống. Nay chú Hai Vinh lại vĩnh viễn ra đi, vậy là các nhân chứng lịch sử của Hội thề Rừng Rong chỉ còn lại hai cụ Tô Văn Ri và Trần Thị Ðường.

Ðiều đặc biệt nhất trong cuộc đời chú Hai Vinh, cũng là điều hiếm có trong lịch sử cách mạng của Ðảng bộ tỉnh, đó là việc chú có mặt, tham gia cả hai sự kiện trong đại: Khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám tại Tây Ninh và tham gia Hội thề Thanh niên cách mạng tại rừng Rong, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

Hai sự kiện lịch sử diễn ra ở trung tâm tỉnh lỵ và ở xã địa đầu phía Nam của tỉnh, cách nhau hơn 50km về không gian và chưa đầy nửa năm về thời gian, người có mặt ở cả hai nơi duy nhất chỉ có chú Hai Vinh.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào năm 2015,  chúng tôi được tiếp xúc chú Hai Vinh, tại nhà chú ở phường 2, thành phố Tây Ninh và được nghe chú kể: “Tôi sinh năm 1927, nghĩa là hồi ấy tôi mới 18, 19 tuổi.

Sở dĩ tôi có mặt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Tây Ninh là vì năm đó tôi tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong. Khoảng tháng 7 năm 1945, tôi từ Trảng Bàng lên Thị xã học quân sự tại đình Hiệp Ninh do anh Lâm Thái Hoà phụ trách lớp học.

Gia đình anh Lâm Thái Hoà ở đường Trần Hưng Ðạo, cách đình Hiệp Ninh khoảng 150 mét. Ít ai biết được rằng ngôi nhà của thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Lâm Thái Hoà cũng là nơi thỉnh thoảng nhóm Ðảng Quán Cơm, tức là tổ chức Ðảng đầu tiên của tỉnh tổ chức hội nghị để tránh né những cặp mắt cú vọ của bọn tay sai thực dân, phát xít”.

Về lớp học của Thanh niên Tiền phong, chú Hai Vinh cho biết, lớp học tập trung khoảng 50 cán bộ Thanh niên Tiền phong từ các địa phương trong tỉnh, ăn, ở, học tập ngay trong ngôi đình Hiệp Ninh. Bề ngoài là lớp huấn luyện thể dục thể thao, thực chất là lớp huấn luyện quân sự, học viên được học từ tập họp đội hình đến sử dụng vũ khí với những khẩu súng do hai anh sĩ quan từ thành Săng-đá (doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay) bí mật đưa ra.

Ðược hỏi về chuyện “giành chính quyền” tại dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh (trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày nay), chú Hai Vinh hồi tưởng: “…

Buổi trưa ngày Uỷ ban Khởi nghĩa tổ chức mít tinh ở sân vận động tỉnh (tại trụ sở Ðài PT-TH và Viễn thông Tây Ninh ngày nay - NV), độ khoảng mười giờ rưỡi, anh Lâm Thái Hoà chỉ huy phân đội Thanh niên Tiền phong, trong đó có tôi, đi tiếp quản dinh Tỉnh trưởng.

Sau này, anh Hoà cho tôi biết, cha anh- một vị bác sĩ quân y trong quân đội Pháp, vốn là bạn với Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh nên được Uỷ ban Khởi nghĩa chỉ đạo tìm cách vận động Tỉnh trưởng đầu hàng Việt Minh. Dù đã biết trước chuyện ấy qua lời kể của anh Lâm Thái Hoà, nhưng tôi cũng không tránh khỏi bất ngờ khi thấy quân mình đi chiếm dinh quan đầu tỉnh mà không vấp phải sự kháng cự nào.

Ngay cả tình huống phải đối phó với quân Nhật đồn trú bên thành Săng-đá (Bộ CHQS tỉnh ngày nay) có thể kéo qua dinh kháng cự cũng không xảy ra. Việc lực lượng Thanh niên Tiền phong tiếp quản dinh Tỉnh trưởng diễn ra nhanh gọn trong buổi trưa ngày khởi nghĩa 25.8.1945.

Ðến khoảng 2 giờ chiều, Uỷ ban Khởi nghĩa của tỉnh vào tiếp nhận chính quyền, ông Lê Văn Thạnh tuyên bố không còn là Tỉnh trưởng Tây Ninh và xin phép Uỷ ban cho gia đình ông được tiếp tục ngụ tạm trên tầng lầu của dinh, và chấp nhận mọi sự định đoạt của chính quyền cách mạng.

Cụ Lâm Quang Vinh chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Hội thề Rừng Rong. Ảnh Đại Dương.

Buổi chiều hôm đó, lúc trời sắp hoàng hôn, anh Lâm Thái Hoà và tôi lên tầng lầu, ra bao-lơn đứng ngắm cảnh khu trung tâm tỉnh lỵ với dòng rạch Tây Ninh ngay trước dinh và khu phố chợ sầm uất bên kia cầu Quan. Chợt anh Hoà nhìn lên bầu trời xa xa phát hiện một chiếc máy bay loại B26 của Mỹ bay theo hướng cặp sông Vàm Cỏ Ðông về phía quận Châu Thành.

Từ trong thân máy bay có hai chấm đen lao ra bung dù. Lâm Thái Hoà phán đoán là có giặc Tây nhảy dù, anh chạy bay xuống lầu báo cáo lãnh đạo Uỷ ban Khởi nghĩa. Lập tức, anh được lệnh điều động một tiểu đội Thanh niên Tiền phong hành quân lên Châu Thành lùng bắt giặc…”. 

Chúng tôi hỏi chú Hai Vinh: “Chú chứng kiến cảnh người Pháp bị ta bắt trong Cách mạng tháng Tám, mà chú có biết họ là ai, nhảy dù xuống Tây Ninh để làm gì không?”. Chú Hai cười sảng khoái: “Thú thật, lúc đó tôi chẳng biết gì cả, nhưng sau này khi đi kháng chiến chống Pháp nghe mấy anh lãnh đạo nói mới biết.

Thằng Tây bị anh Lâm Thái Hoà bắt có thân phận lớn lắm, nó tên là Cedile, cấp bậc đại tá, được Chính phủ Pháp phong chức Cao uỷ Cộng hoà Pháp. Thật ra, sau khi kết thúc thế chiến thứ hai, phe Ðồng minh thắng trận, các nước thực dân phương Tây như Anh, Pháp đã thoả thuận với nhau, thuộc địa của nước nào trước thế chiến thì nước đó tiếp tục đô hộ.

Vì vậy, khi quân Anh thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở miền Nam nước ta thì họ phải tạo điều kiện cho thực dân Pháp quay trở lại Ðông Dương. Ðại tá Cedile nhảy dù xuống Tây Ninh là để “đi tiền trạm” móc nối với phái bộ Anh để đón quân Pháp kéo qua sau. Vì vậy, khi Cedile về Sài Gòn chừng nửa tháng thì Pháp quay lại tái xâm lược nước mình”.

Về chuyện kháng chiến ở tỉnh nhà, ông Lâm Quang Vinh cho biết, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng các cơ quan chính quyền của cách mạng được thành lập, lớp huấn luyện Thanh niên Tiền phong đã bế giảng, ông trở về quê hương An Hoà, Trảng Bàng tiếp tục hoạt động cách mạng.

Khi quân Pháp từ Sài Gòn kéo lên tái chiếm Tây Ninh, ông cùng anh em Thanh niên Tiền phong tham gia chiến đấu tại mặt trận Suối Sâu (xã An Tịnh, cửa ngỏ phía Nam tỉnh Tây Ninh). Do tương quan lực lượng không cân bằng, quân ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí lại ít ỏi, thô sơ nên không cản được bước tiến của giặc.

Lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng rút về nông thôn, được sự đùm bọc của nhân dân. Ðến Tết Bính Tuất- 1946, những người kháng chiến ở Trảng Bàng, trong đó có nhóm Thanh niên Tiền phong của ông Lâm Quang Vinh tham dự Hội thề Rừng Rong lịch sử “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau đó, những “Nghĩa sĩ Rừng Rong” chia làm hai đi tham gia kháng chiến, một bộ phận xuống Sài Gòn tham gia Chi đội 12, một bộ phận ở lại xứ Trảng, xây dựng lực lượng địa phương đánh giặc bảo vệ quê hương cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Rồi đến ngày 7.4.2018, vị lão thành cách mạng Lâm Quang Vinh, nhân chứng trong hai sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh đã vĩnh viễn ra đi trong niềm tiéc thương vô hạn của thế hệ hôm nay, những người đang tiếp bước tiền nhân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.  

NGUYỄN TẤN HÙNG